“Cậu vào đây ngay. Chị có chuyện cần nói”. Tôi vừa dừng xe đã bị bà chị ruột lôi thẳng vào phòng khách. Thấy không có ai, tôi hỏi: “Ông bà và nhà em chưa về à?” thì chị bĩu môi: “Cậu thì lúc nào cũng chỉ biết có vợ, bênh vợ thôi”. | |
“Kìa, chị. Thế có chuyện gì à?”, tôi vẫn cố giữ nét mặt bình thản, chứ thừa biết rằng, bà này đang tìm cách “nói xấu” vợ mình. “Mợ Hương (tên vợ tôi) ấy, cậu xem thế này có được không?”, chị tôi mở lời: “Từ sáng nay, cả nhà sang bên chú Hoành ăn cỗ. Cậu bận việc nên mãi mới về không biết chứ. Lúc trưa, mẹ kêu mệt nên về nhà nằm sớm. Thế mà mợ ấy chỉ đem phần về cho mẹ chồng bát xôi trắng, với ít canh măng. Cỗ bên đó thì ê chề nào tôm, nào thịt gà, chứ sao vợ cậu lại đối xử với mẹ chồng như thế?”. Rồi bà chị tôi kể một tràng dài, kêu không hiểu vợ tôi là người thế nào, có ăn, có học nhưng sao lại đối xử “tàn ác” với mẹ chồng? Tôi không dám cãi (có nói gì cũng vô ích), chị tôi sẽ vu cho tội “bênh vợ, sợ vợ” rồi lên bài giảng “đàn ông phải thế này, thế nọ”. Nghe thôi đã thấy đủ mệt. Có khi, chị đâm ra thù hằn vợ tôi thì còn khổ nữa.
“Thôi, để em dạy vợ”, tôi hùng hồn kết luận. Cũng may, cơn “xả” của chị đã lắng xuống. Trước khi vớ lấy chìa khoá xe máy, chuẩn bị tạt qua nhà một chút (chị lấy chồng ở đầu làng), chị tôi vẫn còn chưa hết lời than vãn.
Tôi khoá cửa, cổng rồi tạt qua đám cưới. Lúc sáng, bận bịu công việc quá, không về kịp. Vợ tôi thì phải bắt xe khách, về quê chồng từ chiều tối hôm qua. Đám cưới vẫn đông nhộn nhịp, dù buổi chiều chỉ là họ hàng và đồng nghiệp ở trường cấp II của chú Hoành. Đảo mắt một vòng, tôi thấy vợ đang tất bận bày mâm cỗ. Tôi nghiêng người trêu vợ và nhanh miệng: “Để anh giúp nhé”. Nàng nhìn chồng, mắt long lanh, ngấn nước. Chắc là do nỗi oan phần cỗ cho mẹ chồng ban sáng, chưa kịp giải. Chứ bình thường, vợ chồng tôi mà gặp là chào nhau bằng nụ cười tươi như hoa.
Nhưng hôm nay, bông hoa đã héo. Vợ tôi lầm lũi bê món thịt gà luộc, xúc canh măng, sắp lại đĩa dưa hấu tráng miệng, vặn lại cái nút lá chuối của từng chai rượu mà miệng vẫn im ỉm như hến. Tôi có nói gì thì nàng nghe, chứ chẳng đáp lại. Có cảm giác như nếu thốt ra câu gì thì nàng sẽ tuôn ra một tràng nước mắt và những lời chua xót, tủi hờn. Đây không phải lần đầu tiên, nàng “đeo đá” vào mặt nhưng chỉ ít phút nữa sẽ “tuôn xả” vào tôi, cho nhẹ nỗi lòng.
Người đông dần. Vợ chồng tôi chạy như con thoi, hết lớp khách này, đến lớp khách khác. Lúc vãn vãn, nàng kéo tay tôi, ngụ ý, về nhà chút. Nhà tôi chỉ cách đám cưới 10 phút đi bộ. Cả quãng đường đi, nàng vẫn im thin thít, mặc tôi hỏi chuyện về đám cưới. Vừa vào trong nhà, nàng oà khóc như trẻ con. Nước mắt nước mũi xen với tiếng nàng nghẹn ngào: “Trưa nay, mẹ bảo bị đầy bụng. Chắc là do hôm qua mẹ ăn nhiều thịt gà quá, tuổi già nên không tiêu hoá được. Mẹ dặn em lấy cho mẹ ít xôi trắng và canh, nhưng canh chỉ lấy nước, chứ không lấy cái. Mẹ chan canh với xôi cho dễ nuốt.
Em hỏi mẹ có ăn gì nữa không, có cần uống thuốc không nhưng mẹ bảo không. Em mang phần về rồi cứ qua đám cưới, mẹ không làm sao hết. Mẹ ngủ trưa một tý là khỏi. Em còn dặn mẹ, có gì thì phải gọi điện báo cho con. Cứ một chốc, một lát em lại gọi điện xem mẹ làm sao không? Thế mà chị Châu (chị gái tôi) lại trách em. Chị ấy còn kể với người này, người khác là em xấu bụng, bất hiếu với mẹ anh. Mẹ dặn em lấy xôi thì em lấy xôi. Em làm đúng lời mẹ dặn. Không lẽ, mẹ bảo em lấy xôi, em lại mang thịt về à?”.
“Anh biết rồi. Anh biết vợ yêu của anh khổ mà”, tôi khéo an ủi vợ. Nàng gạt nước mắt bảo: “Anh biết thế là tốt. Giờ, hai vợ chồng mình qua ăn cỗ, không anh đói đấy”. “Phù”, tôi thở phào. Lần nào về quê, nàng của tôi cũng chịu ấm ức. Còn bà chị “lắm điều” của tôi thì không ngớt lời than trách. Để gia đình hoà thuận, tôi đành đóng vai người lắng nghe kiên nhẫn nhất. Chỉ lắng nghe mà không đưa ra lời bình luận, bênh vực hay chê trách bên nào cả. Bí quyết giữ hạnh phúc mà tôi học được từ ngày lấy vợ. Tôi mang thực hành, cho đến giờ, nó vẫn có hiệu quả cao.
Trang Nhung |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|