Bất ngờ và có chút kịch tính trong đêm chung kết Sao Mai dòng nhạc dân gian diễn ra tối qua, ngày 6/12 khi cái tên “nặng ký” từ vòng ngoài, Minh Chuyên bị loại rất “đau” và người giành tấm vé “vớt” vào đêm chung kết toàn quốc đã chiến thắng đầy ngoạn mục. | ||
Vũ Ngọc Ký
Kịch tính đầu tiên trong đêm Sao Mai dòng nhạc dân gian phải kể đến trường hợp của Nguyễn Thị Minh Chuyên. Được đánh giá cao từ vòng chung kết khu vực phía Bắc với Son của Đức Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Chuyên tiếp tục “lẳng lơ” với Độc thoại Thị Màu của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Với ca khúc mang âm hưởng Chèo, được chuẩn bị công phu và “gia công” tỉ mỉ, cô gái quê Hà Nam được các vị khách mời hết lời khen ngợi phần trình diễn hiện đại, hấp dẫn và tươi mới.
Tuy nhiên, dù đã thể hiện được cá tính riêng khác với “Thị Màu” Ngọc Khuê và xử lý tinh tế đoạn tự do của ca khúc nhưng “hơi thở mới” của Chuyên lại không “được lòng” Ban giám khảo. Chọn một ca khúc phải sử dụng dụng nhiều đến kỹ thuật trong đêm nhạc dân gian là điểm bất lợi đối với Chuyên? Dẫu sao việc cô bị loại là điều đáng tiếc, nằm ngoài dự đoán của nhiều người… Nhưng bất ngờ nhất trong đêm diễn tối qua, tại thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên lại là cú lội ngược dòng của Vũ Ngọc Ký. Từng bị loại ở vòng ngoài rồi may mắn giành “vé vớt” cùng Hồng Nhung, Ký đã khiến mọi người không thất vọng khi anh lọt vào Top 3 thí sinh tham gia đêm chung kết xếp hạng. Có lẽ không áp lực của một người đi lên từ vị trí “zero” nên anh giữ được phong độ, tâm lý thoải mái và thể hiện hết sức tự nhiên. Ký đã “khoe” được chất giọng nam cao và kỹ thuật thanh nhạc tương đối tốt qua ca khúc “mới và khó”: Phú nước non của Nguyễn Tiến. Cuối cùng thì giọng hát đẹp và những nỗ lực không ngừng của anh đã “khuất phục” được Ban giám khảo.
Nguyễn Thị Việt Hà
Giành tấm vé thứ hai cùng với Ngọc Ký đi tiếp vào đêm chung kết xếp hạng là Nguyễn Thị Việt Hà. Không thật nổi trội từ vòng ngoài cũng không lợi thế về sắc vóc nhưng chính chất giọng vừa trong veo vừa mộc mạc, mang hơi thở núi rừng của cô gái đến từ Hoà Bình đã khiến khán giả “chết mê”. Hoá thân vào cô gái H’Mông trong ca khúc Chị Mai xuống chợ của Lê Lan, trong tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng lục lạc…mới mẻ cả về hình ảnh lẫn cách thể hiện của Hà đem đến trường quay một không khí khác hẳn. Thành công của Hà chính là lợi thế chọn ca khúc rất hay về miền núi, lại phù hợp với chất giọng trong sáng, nhí nhảnh của mình. Phần thể hiện cuối cùng của Việt Hà được ví như một cái kết đẹp, có hậu cho đêm thi chung kết dòng nhạc dân gian. Và người lọt Top 3 nữa không ai khác chính là Bùi Lê Mận, gương mặt nổi bật trong đêm chung kết Sao Mai khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Một lần nữa, cô gái có chất giọng mượt mà, ngọt ngào như cái tên của mình vui mừng tiến lên nhận giải Thí sinh được khán giả bình chọn.
Bùi Lê Mận vui mừng tiến lên nhận giải Thí sinh được khán giả bình chọn
Chọn ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung, Câu đợi câu chờ của nhạc sĩ Ngọc Thịnh – ca khúc từng được giải nhất Sao Mai dòng nhạc dân gian 2007 Thành Lê lựa chọn vào album đầu tay nhưng Mận đã tạo được nét riêng. Cô gái đến từ Nghệ An được đánh giá là khôn ngoan khi thể hiện ca khúc đậm chất miền Trung. Đến Bùi Lê Mận, như một sự khẳng định: dòng nhạc dân gian có “đổi mới” đến đâu cũng không đi chệch cội nguồn của cảm xúc, vẻ dịu ngọt và sâu lắng… Hát dân gian “thuần chất” hay “phá cách” thì tận cùng của giọng hát vẫn phải giữ được nét tự nhiên, mộc mạc.Ngoài ra, việc chọn lựa ca khúc phù hợp chất giọng và hát âm hưởng dân ca vùng miền nào thì phải thể hiện ra “chất” dân gian vùng miền ấy… Và ba người chiến thắng là cả ba đã “vận dụng” thành công hoặc gần thành công “nguyên lý” này!
Bài: Nguyễn Hằng
Ảnh: Hữu Thành |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|