Đơn giản thế này, “Tech mummy” là để chỉ một người mẹ sử dụng khá nhiều thời gian trên mạng. Họ coi việc online, chat hoặc tham gia vào các mạng xã hội trực tuyến như là một cách giải khuây, thậm chí như là một phương thức giao tiếp xã hội chính yếu. | ||
Khi tạp chí online “Parents Praticing” gửi cho Lan Anh một phiếu điều tra về vấn đề số lượng các bà mẹ ham mê online đang ngày càng tăng, đó là lần đầu tiên cô nghe đến hai từ “Tech mummy”. Và sau khi đọc dãy câu hỏi với yêu cầu trả lời có Có hoặc Không, Lan Anh nhận thấy những miêu tả về một “Tech mummy” đó rất giống với bản thân mình.
Ding!
Lan Anh, 31 tuổi, ban ngày là một người mẹ - một người nội trợ. Đêm xuống, khi chồng và hai con đã ngủ, cô là một người nghiện TV, một blogger, một facebook và một tweeter. “Khi tôi đọc đến đoạn định nghĩa về một Tech mummy, tôi hoàn toàn nhận ra đây chính là tôi rồi”, Lan Anh nói. “Nhưng tôi tự hỏi, vậy thì điều gì khiến những người mẹ như tôi không thể không lên mạng mỗi ngày?”.
Chăm sóc con cái cả ngày, ngày nào cũng thế trong cả tuần, là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn vô cùng. Nó chiếm hết thời gian của bạn, chẳng hấp dẫn gì mà cũng gây cho bạn không ít stress. Nếu bạn có một cô con gái bốn tuổi và một cậu con trai mới lên hai, bạn sẽ thấy bên cạnh sự thiếu ngủ thì điều làm cho bạn chán nản nhất chính là thiếu hụt sự giao tiếp với những người cùng độ tuổi khác. Việc chỉ dẫn, bàn bạc với người giúp việc trong nhà hay lắng nghe những vấn đề trong cuộc sống hôn nhân của cô ấy hiển nhiên không được coi là một mối giao hảo đáng kể. Những câu chuyện mà cứ 30 giây lại bị ngắt quãng giữa bạn với người hàng xóm khi cả hai cùng đang chạy theo những đứa con mới biết đi của mình, cũng đâu có được coi là cuộc nói chuyện tử tế. Bạn thừa biết là hầu hết các câu chuyện bạn nói lúc ấy cũng lại kể về những đứa con.
“Facebook và Twitter cho tôi cơ hội bắt đầu những cuộc trò chuyện. Mọi người có trả lời, hồi âm hay không cũng không thành vấn đề. Bình luận, nói lảm nhảm hay viết ra những tâm tư cũng giúp giải tỏa đi một nửa sự căng thẳng rồi”, Phạm Hoa Nhi, một nhân viên bán hàng mới xin nghỉ việc để ở nhà sinh con, tâm sự. “Ngoài ra, bằng cách đăng nhập vào Facebook, tôi còn có thể đọc những bài viết cập nhật tình hình xã hội hoặc đời sống riêng tư của mọi người. Cái cảm giác mình vẫn còn kết nối với các bạn, với xã hội làm giảm đi sự cô đơn mà một người mẹ chỉ ở nhà đôi khi cảm thấy”.
Buzz!
Ngoài tình bạn, những người mẹ nỗ lực “chắt chiu” từng phút đồng hồ rảnh rỗi để lên mạng phần lớn do niềm đam mê của họ. Một người bạn của Lan Anh, đồng thời cũng là một người mẹ không đi làm, rất thích công việc khâu vá và nấu nướng. Có thể vì những đứa trẻ chưa biết cách khen ngợi mẹ của chúng, hay bởi ông chồng thường về muộn chẳng kịp chú ý đến những “tác phẩm” của vợ, người mẹ này hay viết blog về những bộ váy mà cô ấy may cho cô con gái hoặc cách làm một món ăn vặt mới. Qua blog, cô ấy đã tìm thấy một cộng đồng may vá trực tuyết rất lớn, họ thường trao đổi những mẹo vặt và ý tưởng may vá. Điều thú vị nhất là nếu không phải tất cả thì phần lớn trong số họ đều là những người mẹ.
Một vài người bạn khác của Lan Anh còn lên mạng để tìm cách kiếm thêm chút thu nhập cho cuộc sống vốn đang dựa vào đồng lương của người chồng. Vì phải “chôn chân” ở nhà, họ dùng Facebook và blog để bán mọi thứ, từ những đồ trang sức làm thủ công cho đến quần áo, giày dép cũ. Và khi họ bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên thì các công ty và các nhà cung cấp dịch vụ đã hướng ngay vào họ để gửi các bức thư quảng cáo về dịch vụ ngân hàng, về trang web shopping online hoặc dịch vụ giao thực phẩm tại nhà. Có đáng ngạc nhiên không, theo thống kê của Tổ chức điện tử tiêu dùng quốc tế (CES)- tính riêng trên lãnh địa thương mại tiêu dùng thế giới, thị trường dành cho các bà mẹ đánh giá 90 tỷ đôla Mỹ! Thực tế, năm 2010, CES sẽ có một chương trình hội thảo về Techmummy để gợi ý cho các công ty nhằm giúp họ khai thác thị trường rất có lợi này.
Tweet!
Nhờ có internet, ngày nay các bà mẹ đang mang lên mạng những công việc mà trước đây họ thường làm độc lập, ngoại tuyến. Có lẽ, lý do là bởi vì phụ nữ là những con người cần sự giao tiếp, thích nói chuyện, chia sẻ suy nghĩ và nhận những lời khuyên. Nếu như cách đây mấy năm, những người mẹ như Lan Anh, như Hoa Nhu thường chỉ tốn cước phí internet do gửi thư điện tử và chat trên Yahoo!Messeger, thì giờ đây, phụ nữ có thêm nhiều lựa chọn để có thể chia sẻ với cộng đồng nhiều hơn. Blog, Facebook, Twitter và sử dụng Google cho những người phụ nữ chỉ ở nhà nội trợ và chăm sóc con cái biết được mọi sự đang xảy ra trên thế giới, chuyện hậu trường của các ngôi sao, việc nhà của cô bạn thân, hay mức lương thưởng của anh bạn cũ đã lâu không gặp...
“Tôi đã từng đăng tải những đoạn clip lên Youtobe và đăng những bức ảnh lên Pacasaweb. Tôi sẽ sớm tạo ra một blog cá nhân dành cho các con mình, một cuốn hồi ký về tuổi thơ của chúng dưới con mắt của tôi”, Vũ Hải Minh - một giáo viên dạy Toán đang nghỉ việc ở nhà để trông coi cậu con trai 1 tuổi cho biết. “Viết blog đối với tôi như một phương tiện sáng tạo, một cách để tôi duy trì những đam mê, nhưng mơ mộng của mình, trước khi tôi bị cái nhịp sống nấu cơm- cho con ăn- ru con ngủ làm cho lãnh đạm. Lên mạng giúp cuộc sống của tôi cân bằng hơn. Tôi không cần phải núp dưới lý do “đang bận nuôi con nhỏ” mỗi khi có ai đó chê tôi tụt hậu nữa.
Tôi sáng tạo và tôi có thể bắt kịp với gia đình và bạn bè. Vậy có gì là không được?”.
Theo Lưu Hà Tiêu dùng |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|