Trong tiếng Hoa, những chuyện liên quan đến phòng the đều có chữ “xuân”. Người phụ nữ ở giai đoạn tình dục mạnh gọi là “xuân thì”. Đàn ông ngâm rượu nhằm tráng dương thì các loại rượu ấy gọi là “xuân tửu”. Nếu không “làm ăn” được với vợ thì gọi là “vô xuân”… | |
… “Làm ăn” dài dài cho đến khi “ngủm” thì gọi là “trường xuân”. Bức vẽ bộ phận sinh dục nữ gọi là “xuân cung đồ”. Vợ chồng làm “chuyện ấy” gọi là “xuân sự”. Khi mùa xuân đang có xu hướng tàn lụi lại bùng lên thì đó là “hồi xuân”.
Khi mùa Xuân trở lại…
Phụ nữ hồi xuân cảm nhận mình như trẻ lại. Họ chải chuốt và “tìm lại mùa xuân” bằng cách ăn mặc đỏm dáng như mấy cô còn trẻ. Chẳng may ông chồng hơn bà vợ chừng 15 - 20 tuổi sẽ cảm thấy bất an. Tại sao “bà ấy” lại mặc áo hai dây, lại hở hang như mấy cô gái trẻ? Tại sao bà ấy lại đến thẩm mỹ viện cắt mí, sửa môi, độn mũi rồi hàng tuần đi spa chăm sóc da, chả lẽ giờ này rồi còn muốn “đẹp từng milimet” cho “thằng” nào đó nhìn.
Mấy ông đã từng ghen tức khi thấy ông lấy được vợ trẻ hơ hớ thời nào, nay nói lén sau lưng “trâu già khoái gặm cỏ non”, bảo ông là kẻ “tham ô” nay biết thừa ông lọm khọm “hết xí quách” lại bàn ra, tán vào mỗi khi bà õng ẹo lướt qua rằng “lãng phí quá”. Lãng phí ở đây muốn chỉ là “xuân sự”. Nhiều chị cảm thấy ham muốn chuyện giường chiếu còn hơn cả hồi mới cưới.
Họ cho rằng: Lúc đầu chưa quen với đàn ông, tiếp đến là mang bầu, sinh con, nuôi con, bận rộn, lo lắng đã choán hết thời kỳ vàng son. Nay con cái lớn khôn, đầu óc rảnh rang, kinh tế ổn định nên như vậy. Không hẳn như thế. Các nhà nội tiết cho rằng: Buồng trứng bắt đầu “lên lão”, bài tiết hormone giảm đi tạo cơ chế điều khiển ngược lên cấp trên. Thế là tổng chỉ huy nội tiết phát lệnh làm tăng FSH (Folicle stimulating hormone) khiến lớp áo trong của nang trứng tăng tiết estrogen. Có người lại không thế, mà khi buồng trứng yếu thì tuyến thượng thận tăng tiết testosterone. Chính testosterone làm rối loạn kinh nguyệt nhưng lại làm tăng ham muốn. Vì thế, có chị dịu dàng, có chị nóng nảy tùy thuộc vào sự biến động nội tiết.
Xem ra vụ này các “liền anh” không biết. Có anh than “bả làm tôi phát mệt vì theo không kịp”, anh khác lại kêu “trên giường thì “ngon” nhưng ban ngày bả khó tính như mụ già lắm điều”. Nội tiết kéo theo sự thay đổi tâm lý. Họ thích được chiều chuộng, vuốt ve, tặng quà hay vài lời khen như thời trẻ. Xin đừng cho đó là “cưa sừng làm nghé ọ” mà các ông nên biết để chiều một chút sẽ thấy mình cũng lãng mạn thêm.
Phụ nữ Việt mình cũng đang “mạnh” dần lên. Ông nào “khô như ngói” là bị bả chê, than phiền với bạn bè. Đàn ông kêu ca phụ nữ nói nhiều cũng có lý do của họ. Có chị giai đoạn hồi xuân lướt qua lúc nào không hay, nghe nói vậy lại nuối tiếc “sao tôi chẳng thấy gì, chỉ thấy không thích ngủ chung giường với ông ấy nữa”. Sự so le này có thể dẫn đến sai lầm của ông chồng, bởi đàn ông mà thiếu “cái khoản ấy” thì kể như cuộc đời tàn úa. Thế là họ chạy theo mấy “em xinh tươi bé bỏng” chỉ vì em cho anh thấy anh còn phong độ, cho anh thấy “xuân” còn tràn trề trong huyết quản.
Tạo hóa cũng công bằng với phụ nữ nên ban tặng họ một “thời kỳ phục hưng” khả năng xuân sắc. Trừ những chị quá lố lăng, còn thì đàn ông chả nên “bình lựng” gì bởi chị em vốn sinh ra đã được phong là phái đẹp, nếu họ đẹp mãi mãi thì cũng nên và xứng đáng chứ làm gì có ai thích gọi bằng “bà” theo nghĩa “bà già”.
Đàn ông cũng hồi xuân
Đàn ông mà nghe câu này là la lối “chết thật, có lộn tiệm không đấy, chúng tớ cứ “xuân” dài dài cho đến khi ngủm, làm gì có buồng trứng mà giống chị em?”. Theo lẽ thường khoảng 50 tuổi là tinh hoàn của các anh “chạy chậm lại”. Chúng cũng có một giai đoạn “bùng lên” như phụ nữ. Testosteron tiết ra nhiều hơn tác động vào tâm lý khiến các anh khó chấp nhận những cọng tóc bạc (dù bụng đã tròn ra).
Nhiều anh nhuộm tóc, sắm quần áo đẹp, xức nước hoa, mua cặp xịn xách đi làm cứ như mình đây là sếp lớn. Chị vợ không hiểu lại cho rằng chồng bị “hâm”, có chị bảo “ông bị dở hơi hay ấm đầu, liệu dòng họ có ai mắc bệnh tâm thần thể hoang tưởng… đẹp giai không đấy?”. Những câu đại loại như vậy rất nguy hiểm, bởi đang phấn khích bị dội nước đá vào đầu, anh dễ dàng chấp nhận tham gia cuộc nhậu, bù khú với bạn bè. Chẳng may trong quán có một em trẻ trung sà vào lòng thì anh lại thấy “bấy lâu nay “mất giá” nay mình đang lên vùn vụt như vàng 9999”. Gặp em trẻ, em chiều chuộng, lại toàn lời ngọt ngào, anh mới thấy thời gian qua là lãng phí và bà vợ là “không tâm lý”, có ông gọi vợ là “sư tử già” và không ít cuộc tình ngoài luồng đã xuất hiện.
Tại sao mấy em trẻ lại thích các anh? Bởi họ từng trải lại rất hào hiệp, thích bênh vực người yếu thế, không phải để được tôn vinh như một vị anh hùng mà chỉ để được vuốt ve lòng kiêu hãnh “ta là đàn ông” đã bị “chìm xuống” trong cuộc mưu sinh và lo lắng cho gia đình. Việc hẹn hò yêu đương cũng nhằm hâm lại cảm xúc lâu nay đã nhàm chán với vợ. Đàn ông cuối đời hay mắc sai lầm là vì vậy. Họ sẵn sàng làm “tù binh” cho các em, những em thua xa vợ về đường ăn, nết ở, trong đó có cả ca-ve. Xin các chị đừng la lối bởi… họ là đàn ông, vì thế chẩn đoán bệnh rất quan trọng, chẩn đúng mới chữa thành công là vì vậy.
Làm gì để… trường xuân?
Thời nay, những thành tựu trong y học đã có thể giúp cho “xuân sự” trong tuổi xế chiều thuận lợi. Việc xét nghiệm và điều chỉnh cân bằng nội tiết với cả hai giới đều có thể làm được ở nước ta. Các thuật như “hấp tinh đạo khí” của người xưa giúp cho cả nam lẫn nữ giữ được “xuân” mãi mãi. Tập luyện, dinh dưỡng hợp lý và giữ cho “tổ” nhà mình luôn luôn “ấm” cũng là cách làm cho mùa Xuân thường trực trong gia đình của các bạn. Phải chăng đây cũng là cách để cho cả hai “trường xuân” mà chả cần nội tiết làm chi, vừa khỏi tốn tiền vừa không phải lo tác dụng phụ.
Theo BS. Lê Thúy Tươi Khoa học & Đời sống |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|