Trong khi hầu hết phụ nữ đều được nhận hoa, quà và những lời chúc mừng đẹp đẽ của người thân trong ngày 8/3, thì vẫn có những người mẹ, người bà chưa từng biết đến món quà của ngày dành riêng cho phái nữ. | |
8/3: Mong chồng đánh ít thôi!
Khi được hỏi có mong ước gì trong ngày 8/3, những người phụ nữ chúng tôi gặp ở nhà tạm lánh (thuộc TT Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam) đều không hy vọng sẽ được tặng một bó hoa, hay được nghỉ ngơi theo đúng nghĩa, mà chỉ có một điều giản dị đến cứa lòng: Mong chồng đánh nhẹ thôi...!
Chị Hương Lan (Gia Lâm, Hà Nội) lấy chồng 15 năm, đã hai lần phải tìm đến với nhà tạm lánh vì bị chồng hành hạ. Chị Lan kể, chồng chị là người rất gia trưởng với quan niệm chồng nói, vợ không được cãi. Chị có nói lại anh thì anh “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Nhiều lần chị bị chồng đánh gây thương tích, phải nhập viện, anh cấm chị không được lấy giấy chứng thương.
Không chỉ thế, cả gia đình chồng đều vào hùa với chồng và cho rằng, chị cần phải được “dạy dỗ”. Ngày nào ngồi vào mâm cơm, mẹ chồng chị cũng nói xa nói gần nàng dâu lười biếng, không biết chăm sóc con. Vốn tính nóng nảy, mỗi khi nghe mẹ phàn nàn là chồng lôi vợ vào buồng đánh. Một câu nói không vừa ý, tâm trạng không vui, món ăn không hợp khẩu vị cũng có thể khiến anh cáu gắt và đánh” - chị Lan nghẹn ngào nói.
Chị Lan chỉ mong một ngày 8/3 hạnh phúc bên gia đình.
Nhắc đến ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, chị Lan ngân ngấn nước mắt. Kỉ niệm ngày 8/3 với chị chỉ là những cái tát, trận đòn. Gạt những giọt nước mắt trên khuôn mặt hốc hác, mắt thâm quầng, chị Lan mong ước: “Tôi chỉ mong một điều chồng tôi đừng đánh tôi vào ngày 8/3. Nói thật, vào đây tôi mới biết thế nào là ngày 8/3. Những ngày trước chỉ có đứa con trai nhớ đến tôi”- chị Lan buồn bã kể.
Cũng hai lần ở nhà tạm lánh để “né” chồng, chị Hoàng Thị Na (Phú Xuyên, Hà Nội) xót xa nói: “Trong khi những người phụ nữ khác được chồng trân trọng, yêu thương trong ngày này thì tôi lại phải vào đây để tránh đòn”. Theo chị Na, trước đó chị thường bị chồng đánh, mẹ chồng chửi. Có lần người chồng vũ phu rút thắt lưng đánh túi bụi khiến chị phải nhập viện. “Bị chồng hành hạ, nhiều lúc em định đập đầu vào tường mong chết đi. Nhưng nghĩ đến 2 đứa nhỏ, em lại cắn răng sống tiếp”- chị Na kể. Từ đó, chị Na rơi vào trạng thái trầm cảm, không muốn tiếp xúc với mọi người. Mong ước hoa, quà trong ngày 8/3 năm nay với chị Na là quá xa xỉ.
Về già mới biết ngày 8/3
Bà Nguyễn Thị Nga (Hoàn Kiếm, Hà Nội), năm nay đã 68 tuổi, vào Trung tâm Bảo trợ xã hội III để dưỡng lão. Bà chỉ biết đến ngày 8/3 từ khi vào đây. Trước đó, bà Nga chưa bao giờ được nhận một lời chúc mừng vào ngày này. “Ngày trẻ tôi chẳng biết đến ngày mùng 8/3. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy tủi thân lắm, nhà hàng xóm cứ đến mỗi dịp lễ là con cái quây quần, còn mình thì thui thủi một mình” - bà Nga tâm sự.
Cụ Vũ Thị Hồi, 82 tuổi (Ngọc Hà, Hà Nội) mắt kém, bị bệnh cột sống. Năm 18 tuổi, cụ lập gia đình sinh được 2 người con, nhưng đứa nào cũng chỉ ở với cụ được 8 tháng rồi mất. Trải qua hai lần đò, cụ vẫn phải lầm lũi sống một mình. Tuổi già, không nơi nương tựa, cụ Hồi xin vào Trung tâm Bảo trợ xã hội III. Nhắc đến những người thân, cụ lục những tấm hình kỉ niệm chỉ cho tôi từng người trong gia đình cụ. Do chồng, con đều mất sớm nên đã lâu lắm rồi cụ Hồi không được nhận một món quà, một lời chúc mừng trong ngày dành riêng cho phụ nữ. Mắt cụ nhòa lệ khi tôi nhắc đến ngày này.
Cụ Hồi lật giở những kỷ niệm về người thân.
Chưa một lần làm mẹ, làm vợ, ở cái tuổi gần đất xa trời nhiều cụ cảm thấy “lạ” khi nhắc đến ngày 8/3, cụ Nguyễn Thị Mùi, 67 tuổi (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) ở trung tâm đã 9 năm vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên cụ vào đây, đó chính là dịp mùng 8/3. “Vào trung tâm mới được các cán bộ chúc mừng, chứ từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ không biết ngày 8/3 là gì. Ngày nào cũng vậy, trừ những ngày đau ốm, dù nắng hay mưa cũng tất bật lo kiếm sống, đến gần 60 tuổi mới nhận được lời chúc ngày dành cho mình lần đầu”- cụ Mùi tâm sự.
Cũng như cụ Mùi, cụ Lê Thị Quỳnh, 85 tuổi (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) không chồng, không con. Chỉ có người cháu nhưng bận rộn kiếm miếng ăn chẳng mấy khi vào thăm. Khi hỏi bà điều mong muốn nhất ngày 8/3 là gì? Bà nghẹn ngào nói chỉ mong được thường xuyên gặp cháu. Đây cũng là mong ước chung của những người phụ nữ neo đơn ở đây. Họ không cần hoa, không cần quà mà gặp người thân là món quà ý nghĩa nhất.
Theo Phương Thuận - Võ Thu Gia đình |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|