Chị Nguyệt và anh Tân đến với nhau không được gia đình chị ủng hộ, vì nhà chị khá cơ bản, bố là bộ đội nghỉ hưu, mẹ là hiệu trưởng một trường cấp ba đương chức, trong khi đó bố mẹ anh Tân lại “hai lúa” trăm phần trăm. | |
Nhưng vì mối tình từ thời phổ thông sâu đậm, trải qua 4 lần hợp, 3 lần tan, anh chị vẫn quyết lấy nhau bằng được. Những tưởng “vàng đã thử lửa” thì ắt chính thật vàng mười, những tưởng chấp nhận đến với anh Tân, chị Nguyệt sẽ chấp nhận hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh. Nhưng thực tế hôn nhân không phải lúc nào cũng đẹp như tranh vẽ.
Nhà chị ở thành phố, nhà anh dưới quê. Ngày yêu nhau, anh dẫn chị về chơi, hai người lội ruộng ra đồng bắt cua về cho cô em gái nấu canh riêu chị thích lắm, thấy tình yêu của mình thật lãng mạn. Nhưng cưới rồi, chị thấy việc lội ruộng bắt cua sao mà dơ dáy. Chị bịt mũi lại mỗi khi mùi tanh của bùn xộc lên.
Đất nhà anh thì rộng thẳng cánh cò bay. Vả lại thói quen của người dân quê anh là sống hòa đồng với thiên nhiên ngay cả trong chuyện giải phóng “hàng tồn” trong bụng. Còn nhớ khi xưa, anh canh cho chị đi “toilet” thiên nhiên, chị còn bảo thật thú vị vì được ngắm cả trăng cả sao. Thế mà giờ đây, chị lại thay đổi tới không ngờ. Trong những câu chuyện chỉ đem kể cho anh em nhà mình bao giờ cũng mỉa mai gia đình anh nghèo tới mức nhu cầu giản tiện nhất cũng không được thỏa mãn.
“Mẹ biết không. Con phát ngấy lên mỗi khi phải về quê chồng. Hai ngày cuối tuần dài như một thế kỉ. Con chả dám ăn gì vì cái gì trông cũng bẩn. Bộ ấm chén cái thì sứt quai, cái thì mẻ miệng, nhìn đã chả muốn nói gì đến uống” - Một lần anh trót nghe lỏm được những lời này.
Không phải anh Tân bất tài đến mức không mua nổi bộ ấm chén lịch sự, không xây nổi cho bố mẹ một nhà vệ sinh khang trang tiện nghi. Mà bởi vì còn có nhiều việc của gia đình quan trọng hơn đang đợi anh giải quyết. Ba đứa em đang học đại học, anh phải chu cấp hàng tháng, ngôi nhà bố mẹ anh xây gần 3 chục năm đã dột nát lắm rồi đang đợi anh tu sửa.
Anh trách chị sao không bớt chút tiền son phấn của mình sắm sửa những thứ nho nhỏ cho gia đình chồng mà lại ỏng eo chê bai. Anh Tân buồn lắm khi nghe những lời chê bai đầy xúc phạm từ chính cái miệng xinh xắn của vợ…
Chị Hảo dù đã đi lấy chồng nhưng bất cứ khi nào, bất cứ lúc nào chị cũng có thể gọi điện thoại, hoặc phóng xe về nói xấu nhà chồng với mẹ đẻ. Không chỉ nói xấu, chị còn kêu khổ, ca mệt, khóc lóc ầm ĩ. Sau mỗi lần như thế, anh Trung chồng chị lại bị mẹ vợ “triệu” sang và mở “dân ca” cho nghe.
Nào là: “Nó là con gái duy nhất của tôi, anh mà để nó ấm ức điều gì là không xong với tôi đâu. Nào là: “Sao anh vô trách nhiệm thế, vợ có bầu mà cũng chẳng được yên thân, suốt ngày khóc lóc thế này hỏi đứa trẻ ra đời sẽ ra sao”.
Đúng là gia đình anh Trung phức tạp thật. Nào chuyện con bà cả, con bà hai tị nhau đất cát, nào chuyện chị em dâu bằng mặt mà không bằng lòng. Nhưng anh em nhà anh dù có không hài lòng về nhau nhưng đều chỉ nội bộ với nhau mà thôi, người ngoài không ai hay biết. Vợ anh lại đem “vạch áo cho người xem lưng” khiến anh cảm thấy mất mặt.
Anh đường đường là anh trưởng, lại có bằng tiến sĩ trong tay. Ra ngoài lúc nào cũng chỉ tay năm ngón, “ăn tiên nói chốc”, vậy mà lại mang tiếng không bảo được em, không bênh được vợ trong mắt bên ngoại nên cảm thấy bức xúc lắm.
Có lần, chả hiểu chị Hảo vợ anh gọi điện về khóc lóc ra sao, mẹ vợ anh tức tốc thuê taxi sang nhà anh để đòi quyền lợi cho con gái. Mà chuyện đâu có gì to tát, ngày sinh nhật cô em gái út sống cùng nhà với vợ chồng anh, nó mời bạn bè tới ăn uống, xong rồi lại kéo nhau đi hát hò mà không kịp dọn dẹp đỡ đần chị dâu. Lần ấy, vợ anh Trung đang mang thai đứa thứ hai, cảm thấy ấm ức vì bị biến thành osin dù đang mang trong mình quý tử của dòng họ Đỗ.
Ngay cả việc phòng the của hai vợ chồng có điều gì không thỏa mãn chị cũng đem kể với mẹ đẻ, chị em gái khiến anh Trung mất hết phong độ trong ánh mắt của mọi người, mặc dù nguyên nhân có khi không hoàn toàn do anh.
Mất hình tượng trong mắt chồng
Trước đây, anh Tân vô cùng cảm động, biết ơn tình yêu chân thành không vụ lợi của chị Nguyệt. Đã bao lần anh chủ động đòi chia tay chỉ vì không muốn chị Nguyệt khổ nhưng chị một mực không chịu. Anh Tân đã hạnh phúc biết bao khi đám cưới của anh chị cuối cùng cũng được tổ chức. Anh hứa sẽ mang lại hạnh phúc cho vợ, sẽ không bao giờ để chị phải chịu thiệt thòi.
Nhưng mới sau có 2 năm cưới, anh đã thấy mất hết những hình ảnh tốt đẹp và cao thượng của vợ. Những lời nói xấu tuy không công khai, nhưng như nhát dao đâm vào tim anh đau nhói. Anh sợ rằng mức độ yêu thương, trân trọng anh dành cho vợ sẽ nhạt dần bởi vợ anh không còn được như xưa nữa.
Còn anh Trung đã không thể im lặng trước việc vợ hết lần này tới lần khác vác chuyện nhà chồng đi kể lể, bao phen làm anh xấu mặt. Vốn trầm tính, nhưng anh đã nổi xung lên khi vợ anh khóc lóc, kêu than mình bị “ngược đãi” vì phải dọn dẹp “bãi chiến trường” sau bữa sinh nhật của cô em chồng.
Anh đã ra tối hậu thư cấm chị từ nay không được “mách lẻo” với gia đình nhà đẻ bất cứ chuyện gì của hai vợ chồng cũng như gia đình chồng. Hình ảnh chị trong mắt anh cũng giảm cấp nghiêm trọng.
“Xấu chàng thì hổ ai”, xin các chị em hãy trả lời câu hỏi ấy, trước khi vác chuyện nhà chồng về nhà đẻ.
Theo Eva |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|