3 tuổi, bé của bạn đang ở khúc giao thời trong chuỗi ngày thơ bé. Không còn bé bỏng để mọi thứ đều nhờ đến mẹ như hồi 1 tuổi, nhưng cũng chưa hoàn toàn tự lập như một học sinh 6 tuổi bước vào lớp 1. 3 tuổi, bé có thể làm được những gì? | |
1. Tự ăn cơm
Một tuổi, bộ máy tiêu hóa của bé vẫn chưa hoàn thiện. Sữa, bột và những thức ăn dạng loãng là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho bé. 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi, bé bắt đầu khám phá thế giới ẩm thực phong phú cùng với gia đình, đồng thời, thường muốn chứng tỏ bản thân mình đã “trưởng thành”.
Hãy mua cho bé bộ đồ ăn riêng thật dễ thương để bé ngồi ăn và tự xúc. Dĩ nhiên, đôi bàn tay xinh xinh có thể vẫn chưa đủ vững để cầm bát. Đừng trách mắng hay nổi cáu khi bé làm đổ cơm, thức ăn... Hãy cổ vũ để bé biết ăn cơm và có thể tự xúc cho mình. Theo các chuyên gia, ở tầm 3 tuổi, bé phát triển bình thường phải đạt được tiêu chuẩn này.
Việc tự xúc cơm không chỉ giúp bé hứng thú với mỗi bữa ăn mà còn rèn luyện bé tự lập hơn nếu phải đi nhà trẻ. Hãy khuyến khích, động viên, và luyện bé vào khuôn phép.
3 tuổi - không còn là bột, cháo hay cơm nát cho những bữa chính! Phải là bát cơm bình thường do bé tự xúc ăn, gọn gàng và vệ sinh, không ngậm, không rong chơi và tiêu tốn thời gian hàng giờ cho một bữa ăn.
2. Tự mặc quần áo
Dưới 1 tuổi, bé chấp nhận những gì mẹ mặc cho bé. 1 tuổi trở ra, nhất là trong môi trường có nhiều bé cùng trang lứa, bé bắt đầu có nhận thức về thời trang rồi đấy nhé! Bạn đừng nghĩ bé chỉ vui cười vu vơ, khi mẹ mặc cho bé chiếc áo màu hồng xinh xắn! Bé đang thể hiện sự yêu thích đó.
2 tuổi, khi có thể đi khá vững và khám phá thế giới ngôn ngữ, bé biết đi về phía tủ đồ để tự chọn lấy bộ đồ mình yêu thích. Với những món đồ đơn giản, rộng rãi, bạn hãy để bé tự khám phá gu thời trang và mặc cho mình.
Đến 3 tuổi, bé của bạn nên biết tự mặc đồ. Tuy nhiên, đừng quá lo ngại khi bé chưa phân biệt được đằng trước đằng sau của một chiếc áo cổ chui, hay còn thường xỏ dép trái!
3. Tự rửa tay
Trước 1 tuổi, chuyện vệ sinh của bé đặc biệt quan trọng, và nhiệm vụ này thường do mẹ và gia đình đảm nhiệm. Từ 1 đến 1 tuổi rưỡi, bé thường đặc biết thích rửa tay, không phải ý thức ý nghĩa của việc giữ cho đôi bàn tay sạch, mà đơn giản là vì các bé thích nghịch nước. Tuy nhiên, mẹ hãy khôn khéo tận dụng cơ hội này để tập cho bé thói quen rửa tay hàng ngày, trước, sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi đùa... Cùng bé đùa với nước, bạn nhớ hướng dẫn bé rửa tay cho đúng cách.
2 tuổi, có nhiều bé bắt đầu sao nhãng việc “chơi với tay và nước” vì những trò khác khiến bé cảm thấy thú vị hơn. Lúc này, mẹ cần vào cuộc để hướng bé đến thói quen thường ngày qua việc nhắc nhở và ra lệnh. Hãy làm như thế liên lục, để đến khi 3 tuổi, bé sẽ tự giác vệ sinh đôi bàn tay sạch sẽ!
Theo Tân Nguyệt Eva |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|