Trong khi nhiều người đánh ghen “tóe lửa” để giữ vị thế “độc quyền” với người yêu thì không ít cô cậu tuổi teen lại chấp nhận chia sẻ người yêu, thậm chí còn coi đó là một “trải nghiệm” đầy mới mẻ. | |
“Yêu tay ba cũng có cái hay của nó”
Đó là “đúc kết” của Thuận, sinh viên năm thứ nhất, ĐHVH HN, một người từng có kinh nghiệm thực tiễn về chuyện này.
Thuận không lấy gì làm điển trai nhưng tài ăn nói thì kiến trong lỗ cùng phải bò ra nên có nhiều cô “mết”. Vừa vào đại học, liền một lúc Thuận đã có hai cô người yêu. Thế là chàng ta chia lịch: thứ 7 dành cho Yến, chủ nhật dành cho Thoa. Trong suốt một thời gian dài, cả hai cô không hề biết Thuận đang bắt cá hai tay. Cô nào cũng được Thuận “rót mật” vào tai nên tưởng mình duy nhất, cho đến ngày Thuận đang ngồi cùng Yến ở một quán cà phê thì chạm trán Thoa, sau đó là mấy cuộc “thảo luận” nảy lửa.
Dù giận nhưng cả hai cô vẫn một mực không rời xa Thuận. Cuối cùng ba người đi đến quyết định “yêu trong hòa bình, nghĩa là hai cô chấp nhận cùng “chia sẻ” anh chàng Thuận. Rồi họ gọi nhau bằng “chị cả”, “mợ hai” theo thứ tự ai là người đến trước, y như trong các bộ phim Trung Quốc.
Nếu như Thuận chỉ công khai tình tay ba khi bị một trong hai cô người yêu “tóm” tại trận thì Duy Anh (đang học lớp 12, nhà ở quận Long Biên, Hà Nội) “cao thủ” hơn nhiều. Ngay từ đầu, cậu đã công khai hai tay “dắt” hai em đi chơi.
Duy Anh là công tử nhà giàu, đẹp trai, học cũng khá, còn có thêm tài lẻ là chơi ghi-ta cực hay. Trong các buổi liên hoan văn nghệ hay các hoạt động ngoại khóa ở trường, hầu như lúc nào Duy Anh cũng là tâm điểm chú ý bởi vẻ lãng tử mỗi khi cậu ôm đàn phiêu du với giai điệu romance đầy cuốn hút. Trái tim của bao nữ sinh trong trường cũng “run lên bần bật”. Các nàng thi nhau tìm cách tiếp cận với “hotboy” này, và lọt vào “vòng chung kết” là hai nàng thuộc vào hàng hoa khôi, cũng là đôi bạn thân. Duy Anh cũng chia đều sự quan tâm cho cả hai.
Nguyệt Minh, một trong hai cô bạn gái của Duy Anh, nói: “Chẳng sao hết, nếu bọn em cùng yêu một người thì vẫn có thể thỏa thuận được chứ, miễn là người ấy đối xử với bọn em như nhau”. Ly, cô người yêu kia, còn lý luận: “Các cụ ngày xưa lấy chung chồng, ở chung nhà còn được, nữa là bọn em chỉ là người yêu của nhau thôi”. Rồi cô bé đế thêm với cái vẻ rất hào hứng: “Bây giờ như bọn em là mốt đấy ạ”.
Đối mặt với sự phê phán và quan điểm tình yêu là không thể chia sẻ, Yến, cô bạn gái của Thuận, vặn lại: “Đấy chỉ là sách vở thôi, còn trên thực tế đâu có đúng như thế. Nhiều người dù không công khai nhưng đằng sau, họ còn yêu đến ba bốn người khác, thì như thế có gọi là chia sẻ hay không? Thà rằng như bọn em, cứ công khai, chấp nhận “dùng chung” thì coi như xong, lại thấy thoải mái, không phải ghen tuông gì cho mệt người”.
Ngay cả các chàng trai cũng có người chấp nhận chung người yêu. Bạn bè cùng xóm trọ ở Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội của Thuý (quê Tuyên Quang) đều không thể lý giải được tình cảm của hai anh chàng người yêu cô. Thuý công khai giới thiệu cả hai là “người yêu” và nhiều lần họ chạm mặt nhau trong căn phòng thuê của cô sinh viên. Mọi người trong xóm trọ cứ tưởng sẽ có cuộc quyết chiến một mất một còn nhưng thật ngạc nhiên là cả hai đều... còn. Họ vẫn lần lượt đến phòng Thuý, vẫn mua quà, chiều chuộng cô như không có chuyện gì.
Với kiểu “chơi trội” này, mọi người xung quanh đều nhìn Thuý với cái nhìn không mấy thiện cảm. Bà Đặng Thị Hồi, chủ nhà trọ của Thuý, nhận xét: “Tôi chả hiểu sao bây giờ chúng nó lại có kiểu yêu đương kỳ lạ đến thế. Chắc mấy thằng đó chỉ coi con bé là trò chơi nên chả thèm ghen tuông gì cho mệt. Chỉ có con Thuý là mang tiếng xấu thôi, con gái gì mà như thế chứ?”.
Lối sống lệch chuẩn?
Hiện có không ít bạn trẻ ủng hộ cho kiểu yêu này với lý do nó khiến người trong cuộc có cảm giác mới mẻ, không nhàm chán và như cách nói của Duy Anh là “làm mình khác biệt hơn”.
Thành, một cậu bạn cùng lớp với Duy Anh, cho rằng, mối quan hệ “thoáng” như vậy cũng không có gì là ghê gớm: “Nếu những người trong cuộc không nói gì thì thì người ngoài cuộc cần gì phải bận tâm”. Thành bảo, nếu có cơ hội như Duy Anh, cậu ta cũng thử xem nó thú vị như thế nào.
Giải thích hiện tượng này, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, GĐ Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho biết, ở lứa tuổi dưới 20, các cô cậu thường thích thể hiện cái tôi, thể hiện cá tính, thích nổi trội, làm những cái mà họ cho là khác người, độc đáo. Họ rất dễ học theo những cái mới lạ mà không cần phân biệt tốt xấu ra sao, miễn là gây được sự chú ý của những người xung quanh.
Theo ông Chất, tình cảm trong mối quan hệ tay ba như vậy không thể gọi là tình yêu chân chính, nó có thể được coi là một thứ tình “dị dạng”, đi ngược với sự phát triển của xã hội, là biểu hiện của lối sống buông thả, vô trách nhiệm với xã hội và với bản thân.
Chuyên gia tâm lý Lê Thu Hiền, GĐ Trung tâm tư vấn Người bạn tri kỷ cũng cho rằng, kiểu yêu tay ba này hình thành trong giới trẻ là do ảnh hưởng tiêu cực từ phim ảnh, internet có nội dung xấu. Đây là một biểu hiện rất nguy hiểm, gây hậu quả đến tất cả các mặt đạo đức, tư tưởng, tình cảm và cả sức khoẻ sinh sản. Từ lối sống như vậy, sau này khi những người này có gia đình, các giá trị đạo đức, nền tảng của gia đình cũng bị họ coi nhẹ. Họ sẽ không có khái niệm chung thuỷ và rất khó duy trì một gia đình hạnh phúc.
Theo Nam Thi Báo Đất Việt |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|