Ngày nay, các ông chồng/bà vợ không đợi đến khi nửa kia của mình có quan hệ xác thịt ngoài luồng mới khép vào “tội” ngoại tình. “Say nắng” đã trở thành nguyên nhân khiến nhiều gia đình lục đục, mâu thuẫn trong năm 2009. | |
Từ thời học cấp III, chị Ngọc Nga đã đặt tiêu chuẩn về người bạn đời lý tưởng là vui tính, hài hước và biết quan tâm đến người khác. Trời xui đất khiến thế nào, năm thứ ba đại học, Nga “đổ” Tấn - anh chàng học cùng lớp, đẹp trai, nhưng tính tình khô như ngói.
Ra trường, họ kết hôn. Dù biết rõ tính của Tấn không màu mè hoa lá nhưng Nga vẫn mơ một đời sống hôn nhân lãng mạn, mỗi sáng chồng sẽ hôn từ biệt vợ khi cả hai đi làm, chiều chồng đón vợ về, cả hai cùng vào bếp nấu nướng. Vào dịp lễ, sinh nhật vợ, chồng sẽ tặng hoa, tặng quà và đưa vợ đi chơi. Vợ hắt hơi, sổ mũi, chồng nấu cháo, ân cần chăm sóc vợ... Nhưng mơ vẫn chỉ là... mơ.
Khi nơi Nga làm việc có người mới vào là Khang, Nga phát hiện đó chính là mẫu “hoàng tử” của cô. Khang nhanh chóng trở thành trung tâm của cả phòng vì nói chuyện rất dí dỏm, thông minh, thường kể những câu chuyện vui làm mọi người cười nghiêng ngả. Đặc biệt, Khang quan tâm đến mọi thành viên trong phòng, dĩ nhiên không thể thiếu Nga. Ngày nào Nga đi làm với gương mặt buồn xo là Khang pha cho Nga ly cà phê và nhẹ nhàng nhắc nhở: “Nga phải cười mới xinh đấy”. Có hôm, vừa mở máy tính, Nga đã thấy dòng tin nhắn của Khang trên yahoo messenger: “Một ngày làm việc vui vẻ và không muộn phiền, Nga nhé”...
Sự ân cần của Khang làm Nga rất xúc động và luôn dành cho Khang cái nhìn dịu dàng, ngưỡng mộ. Càng làm việc cùng nhau, tình cảm của Nga với Khang càng lớn dần. Nga thầm so sánh Khang với chồng, ước sao chồng mình được một nửa của Khang thôi cũng đã hạnh phúc. Nhiều lần Nga cảm thấy dằn vặt, nhưng lại khỏa lấp bằng lý lẽ “chỉ là sự cảm mến, là tình đồng nghiệp”. Nghĩ thế nhưng Nga và Khang vẫn hẹn nhau đi cà phê, ăn trưa, tâm sự đủ thứ: Từ cơ quan đến gia đình. Mỗi lần chia sẻ, cả hai đều thấy nhẹ lòng, vui vẻ bên nhau. Dần dà, một tuần không gặp Khang là Nga nhớ quay quắt, mỗi ngày không nghe tiếng Khang qua điện thoại là Nga thẫn thờ…
Trong chuyến du lịch tập thể ở Ninh Chữ (Ninh Thuận) của hai công ty, mọi người trên xe đã gán ghép Tùng - người nói nhiều nhất và Thủy - người nói ít nhất. Trong các trò chơi tập thể, người quản trò cũng cố tình đẩy hai người thành một cặp. Chỉ là chuyện đùa vui, không ngờ hai người “say nắng” nhau thật.
Suốt chuyến đi, Tùng luôn thể hiện mình là người chu đáo, ga-lăng với phụ nữ, đặc biệt là với Thủy. Trong bữa ăn, Tùng cố tình ngồi gần để gắp đồ ăn cho Thủy. Khi đoàn đi bằng thuyền nhỏ ra vịnh Vĩnh Hy chơi, chàng cũng đến cạnh nàng, “trình bày” lý do “biết Thủy không biết bơi nên ngồi cạnh, lỡ có chuyện gì còn kịp giúp”. Chỉ vậy thôi mà Thủy đã “rung rinh”. Đơn giản là chưa bao giờ Thủy được một người đàn ông, kể cả chồng, chiều chuộng, quan tâm như thế.
Đến ngày thứ hai của chuyến đi, khi tham quan vườn nho, cả đoàn bắt đầu xì xào vì thấy Thủy và Tùng cứ “kè kè” bên nhau. Nhiều người thực lòng quý Tùng và Thủy đã tỏ ra lo ngại cho mối quan hệ tiềm ẩn nhiều bất trắc này, bởi cả hai đều đã có gia đình.
Đừng bắt đầu khi không thể tiếp tục
Nhiều người cho là phụ nữ dễ bị “say nắng” hơn nam giới bởi tính yếu mềm, cả tin và vẫn “yêu bằng tai”. Đàn ông lại có khuynh hướng ga-lăng nhiều hơn với người phụ nữ không phải vợ mình. Vì thế, người vợ ít được chồng chiều chuộng dễ cảm mến một người đàn ông khác vì thái độ ân cần, chu đáo của họ. Những người phụ nữ ít được chồng chia sẻ, khi gặp một người chịu lắng nghe và luôn đứng về phía mình thì rất dễ “cảm”.
Nhìn chung, cả nam và nữ đều có nguy cơ bị “say nắng”. Có người chỉ “cảm nhẹ” rồi hết, có người “lâm bệnh nặng” tùy theo “cơ địa” mỗi người. Phụ nữ cảm theo cách riêng. Các chị tìm thấy sự tươi mới, cảm giác được nâng niu từ người đàn ông trong cơn “say nắng” bất chợt và thường luôn dặn lòng phải dừng lại đúng giới hạn. Nhưng rồi không gian, hoàn cảnh, cảm xúc… đã phản bội các chị và có chị đã “vượt rào”.
Đàn ông dễ bị “choáng” hơn. Họ mê mẩn một ai đó và tự nhủ chỉ ngoại tình trong tâm trí, không “động thủ” là được. Thế nhưng, cả hai có thể không ngờ mình đang châm ngòi một quả bom nổ chậm có khả năng phá vỡ một gia đình. Chị Nga chia sẻ kinh nghiệm đau thương của mình: “Sẽ là bình thường, thậm chí cuộc sống sẽ thi vị hơn khi cơn “ngã nắng” thoáng qua và nhanh chóng kết thúc, như mặt hồ chỉ gợn chút sóng rồi yên ả trở lại”.
“Đừng bắt đầu khi biết không thể tiếp tục” là tinh thần mà những người trong cuộc cần “quán triệt” ngay từ đầu. Thực tế cho thấy, những cơn “say nắng” thường dẫn đến kết thúc không có hậu. Rất hiếm trường hợp hai người bị “lậm nắng” cập được bến “hạnh phúc mới”. Sau những phút choáng váng, “bệnh nhân” không chịu bừng tỉnh, vẫn tiếp tục phiêu lưu tình cảm, sẽ phải đối diện với bao nguy cơ: bị người mới phụ tình hay bị chồng/vợ phát hiện, đòi ly hôn...; tiến không được, lùi cũng chẳng xong.
Các “bác sĩ” tâm lý kê toa thuốc đặc trị cho bệnh này là: Hạn chế tối đa những cuộc gặp chỉ có hai người; ngừng ngay việc ngồi thêu dệt, mơ ước những điều tốt đẹp với “người ấy”; xác định rõ ràng những “hào quang” đó chỉ là vẻ bề ngoài, chóng phai theo thời gian; cân bằng cảm xúc của mình bằng cách nghĩ về mái ấm đã gây dựng bao năm, nghĩ về tương lai con cái, nghĩ đến cái giá phải trả… để quay lại “bóng râm” kịp lúc.
Theo PNO |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|