Có rất nhiều câu chuyện trong cuộc sống hôn nhân xen cả bi lẫn hài. Dưới đây là những câu chuyện dở khóc dở cười mà nhiều cặp vợ chồng “dính” phải. | |
Sáng cưới, tối sinh con
Đám cưới ấy ở làng quê được xem là linh đình nhất từ trước tới giờ. Chú rể là con cả của một ông cán bộ có vai vế ở huyện. Hơn nữa, đám cưới to cũng bởi từ trước đến nay ông bố chỉ đi ăn cỗ nhà người ta mà chưa có dịp nào để “đáp lễ” với bà con xóm làng.
Là chuyện”đại hỉ” nên cả gia đình ông Lâm (Hưng Nguyên, Nghệ An) tất bật từ mấy tuần nay. Nhưng điều đáng nói cũng một phần là cái bụng của cô con dâu tương lai đã lùm lùm sau áo. Ông Tâm cũng chẳng cần giấu: “Thực tình tôi cũng chưa muốn cho nó cưới, con trai tôi còn đang đi học, nghề nghiệp chưa có, cưới về cũng hơi vất vả”.
Số là anh Tâm thi đại học bị trượt nên gia đình xin cho đi học nghề trên thành phố Vinh. Lên phố, xa nhà lại gặp ngay Mai là cô gái cùng làng. Mai đang đi làm công nhân cho nhà máy sản xuất gấu bông. Hai cô cậu thuê trọ gần nhau rồi mê nhau như điếu đổ. Lỡ ăn trái cấm, mấy tháng sau Tâm dẫn Mai về. Bố Tâm không chấp nhận, không thèm nhìn mặt con trai. Còn mẹ Tâm vì thương con nên cố thuyết phục chồng. Trong khi đó, mẹ Mai sang nhà làm ầm ĩ lên. Quá chán nản, Tâm dắt Mai bỏ vào TPHCM. Đến khi cái thai (con trai) đã quá lớn, bố Tâm tiếc thằng cu nối dõi mới đồng ý cho vợ gọi con về làm đám cưới.
Đám hỏi bị “chậm tiến độ” khi bên nhà Mai có bà nội ốm thập tử nhất sinh. Cả hai nhà gấp rút làm đám cưới khi cái bụng cô dâu đã vượt mặt.
Ngày cưới, Mai ì ạch đi lại với cái bụng to đùng. Chiếc váy cưới cũng phải nới thêm ra. Thế là chỉ có chú rể ra chào họ hàng, còn cô dâu thì phải có cái ghế dựa để ngồi nghỉ. Trưa tháng Bảy nắng chang chang, chủ rể mặt còn búng ra sữa hơi tí có việc gì lại chạy vào hỏi mẹ. Cô dâu thì ngồi thở với cái bụng nặng nề.
Đến tối, cả nhà trai quây quần nói chuyện với nàng dâu mới. Câu chuyện đang dang dở thì cô dâu hét lên quặn bụng vật vã. Bà mẹ chồng nghi vấn: “Hay chuyển dạ rồi?”.
Cả cô dâu, chú rể cũng chẳng biết rõ ngày sinh, hoảng hốt kêu cứu bố mẹ. Cả nhà lại lục đục mang cô dâu mới đến bệnh viện và cô đã kịp “mẹ tròn con vuông” ngay trong đêm tân hôn.
“Đây cũng hết cả phim rồi!”
Minh là sinh viên tỉnh lẻ, tốt ngiệp ĐH và lấy vợ là người Hà Nội. Những năm đầu chưa có nhà riêng, Minh đành phải ở nhà vợ.
Minh rất ngại ngùng, vì nhà vợ còn có gia đình anh vợ cũng ở đấy. Thêm nữa anh chị đã có cháu nên rất chật chội. Ngại nhất là những lần hai vợ chồng gần gũi. Nhà chật chội, đông người, hai cháu con anh vợ thì còn nhỏ. Ngày thường chúng đi học không sao, đến ngày nghỉ cứ chạy ra chạy vào quấn lấy vợ chồng Minh khiến đã xảy ra không ít những cảnh cười ra nước mắt.
Có lần cả nhà đi vắng, ngó xuống dưới tầng, thấy hai cháu nhỏ đang say mê xem phim hoạt hình. Minh yên tâm nháy mắt với vợ, tranh thủ những lúc “không gian yên tĩnh”.
Lâu lắm mới có cơ hội, vợ chồng đang đến đoạn “cao trào” thì bỗng dưng cháu nhỏ chạy xộc vào: “Chú Minh ơi, hết phim rồi, tìm phim mới cho cháu!”. Anh chị vừa ngượng vừa bực. Vợ Minh quát lên:”Đây cũng hết phim rồi đây này!”.
Ngang hàng… bố vợ
Anh Hiến (TX Cửa Lò, Nghệ An) là người đàn ông xấu số khi vợ đầu anh mất để lại 3 đứa con.
Khi con cái trưởng thành, anh cảm thấy gia đình cần hơi ấm phụ nữ để chia sẻ những lúc tuổi già. Theo lời mai mối, anh tìm hiểu một cô giáo dạy trong thị xã. Đó là là cô Loan, giáo viên dạy tiểu học vừa trắng trẻo vừa cao ráo nhưng không hiểu sao lại “xấu duyên”, ngoài 35 chưa ai hỏi. Qua nhiều lần đi lại, anh chị cũng cùng tìm được tiếng nói chung.
Ngặt một nỗi, anh thì tuổi đã ngoài 50, mà bố vợ cũng chỉ ngót nghét sáu mươi nên có nhiều câu chuyện kể ra khiến người ta không khỏi phì cười.
Ngày đầu tiên đến nhà chơi, anh tìm đường về tận huyện Nghi Lộc quê của chị Loan. Khi đi đến đầu làng, anh gặp một người đàn ông đang đi bộ bèn dừng lại hỏi: “Anh ơi, cho tôi hỏi đường đến nhà ông Mẫu với” (ông Mẫu là bố cô Loan).
Người đàn ông nhìn anh Hiến rồi hỏi: “Tôi là anh Mẫu đây, anh hỏi có việc gì không?”. Anh Hiến lúc đấy mới lắp bắp: “Dạ, chào bác, cháu là bạn Loan”.
Ông bố vợ lúc ấy cũng không thể trách gì được vì nhìn hai người cũng tầm tuổi gần nhau, anh Hiến lại đi làm nhiều nhìn đen sạm và già dặn hơn so với tuổi. Anh Hiến chia sẻ: “Nhiều khi không dám đi chung với bố vợ, thời gian đầu mới cưới sang chào hỏi hàng xóm bạn bè. Nhiều người vô ý bảo là hai ông bạn già sang chơi. Tôi ngượng chín cả mặt”.
Còn có lần, hai bố con ngồi uống rượu, chén tạc chén thù đến khi ngà ngà ông bố vợ và chàng con rể quay ra xưng mày tao, vỗ vai nhau bôm bốp như bạn đồng niên lâu ngày gặp mặt...
Theo Vietnamnet |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|