Chị Nga (Khâm Thiên, Hà Nội) than thở: “Quần áo giầy dép của tôi và 2 đứa con đã cũ từ lâu mà ông ấy không cho sắm đồ mới”. | |
“Ngay cả chuyện chợ búa cho mấy bữa cơm mà cũng so đo, tính toán. Thấy chồng người ta tặng hoa cho vợ ngày sinh nhật, 8-3 mà tủi thân! Nói thì ông ấy trề môi: Chỉ bày vẽ, hoa hoét làm gì cho phí tiền. Được hai ngày lại mất công đi đổ rác”.
Nhớ lại hồi mới lấy nhau, chị Nga yêu chồng lắm. Anh từ quê mới lên còn nghèo, cái gì cũng thiếu thốn, tiền làm được như nhau nhưng chị dùng cho bản thân hết sức sơ sài, dành mọi thứ để chăm chút cho anh.
Lâu dần thành quen. Anh cứ việc rung đùi tận hưởng sự hy sinh của vợ. Còn chị, hầu như không hề đòi hỏi ở anh bất cứ điều gì? Chị mua tivi xịn để anh xem đá bóng, trong khi chị muốn đi học ngoại ngữ thì anh không đồng ý, vì “học để làm gì? Tối đi học, ai ở nhà chăm con...”.
Hồi đầu thực ra anh cũng nhắc chị xem cần gì thì sắm cho mình nhưng chị Nga - “người hết lòng vì chồng” lại nở nụ cười mãn nguyện: “Thấy anh đầy đủ, chị hài lòng rồi!”. Mãi dần thành quen, đến giờ thì anh đã trở nên ngạc nhiên và khó chịu khi thấy chị tiêu pha chút gì đó cho riêng mình.
Nên nhớ, cái gì cũng cần có mức độ, ngay cả trong tình yêu cũng vậy. Ngay từ thời mới chỉ hẹn hò yêu đương nhưng người phụ nữ thiếu sáng suốt như chị Nga đã quên hẳn mình để dồn mọi thứ cho người mình yêu mà không một lần nghĩ xem anh chàng kia có đáp lại hay không. Và người chồng quen dần với hoàn cảnh mới, anh ta trở nên ích kỉ từ chính lòng tốt của vợ...
Khi vợ kiếm tiền nhiều hơn
Hoàn cảnh chị Kim Khanh tuy có khác nhưng cũng đáng để suy nghĩ. Vợ chồng lấy nhau đã được 9 năm. Lúc đầu anh Hưng, chồng chị, cư xử khá rộng rãi, thường mua thứ này thứ kia và đưa tiền cho chị. Nhưng chị hầu như không nhận vì lương anh làm không được bao nhiêu so với chị - một kiến trúc sư, giám đốc công ty tư nhân. Chị thờ ơ với đồng lương của chồng, vì cho là không đáng gì. Chị làm ra nhiều tiền, có thể trang trải mọi nhu cầu trong gia đình và tự mua sắm những gì mình thích. Dần dà mọi sự thay đổi.
Đến một ngày chị chợt nhận ra: Chồng mình trước kia không như vậy, hoặc do chị bận làm ăn không để ý nên không nhận ra: “Anh ấy hầu như sống bằng tiền của tôi. Mỗi tháng, kể cả ngày Tết, chỉ đưa cho tôi một khoản tiền nhỏ lấy lệ không đủ cho chính anh ấy ăn, dù bây giờ, công ty anh ấy làm ăn cũng khá, anh kiếm được không kém gì tôi. Nhưng mọi chi tiêu trong nhà, anh mặc tôi tự cáng đáng. Quan hệ giữa chúng tôi trở nên khang khác. Anh ấy không quan tâm đến tôi nữa mà cứ lo thu vén một mình. Tiền nong thì cất riêng, vợ con hầu như không được biết!”...
Ở đây chính yếu tố tự do về kinh tế và cộng thêm quan niệm lệch lạc về nữ quyền của chị làm cho anh Hưng hết hứng thú quan tâm đến vợ. Điều này tạo nên khoảng cách trong quan hệ vợ chồng mà lý ra phải là tin cậy, quan tâm và yêu thương nhau. Phải chi ngay từ đầu chị Khanh đừng thờ ơ với những quan tâm nho nhỏ của anh ấy. Phải chăng chị để cho anh có quyền chia sẻ ở mức hợp lý những chi tiêu trong gia đình thì giờ đây chị đâu đến nỗi phải ấm ức vì nỗi anh chỉ lo thu vén cho bản thân.
Lời khuyên của chuyên gia tâm lý
- Khuyến khích bất cứ chi tiêu nào (dù nhỏ nhất) mà chồng dành cho mình.
- Đừng bao giờ quên bản thân mình. Hãy nhớ rằng chồng bạn chi nhiều cho bạn bao nhiêu thì anh ta đánh giá bạn (và chính mình) cao bấy nhiêu. Đừng làm anh ấy mất cơ hội tự đề cao chính mình.
- Cố gắng hạn chế gây chuyện với nhau về tiền nong. Đã không giải quyết được gì, tình hình lại càng tệ đi!
- Nên cân nhắc mong muốn của mình với khả năng tài chính.
- Cố gắng tìm hiểu xem tại sao chồng không muốn chi tiền và giúp anh ấy từ bỏ những cảm giác “đau như cắt” khi phải bỏ tiền ra, bằng tình cảm, bằng sự quan tâm chăm sóc, kính trọng để anh ấy hiểu: Mình không chi tiêu cho cá nhân, mà lo lắng cho cả gia đình.
- Còn nếu không may, chồng bạn là người keo kiệt về bản chất thì đừng cố tìm cách cải tạo anh ấy, chỉ vô ích thôi. Hoặc chấp nhận “sống chung với lũ”, hoặc không thể chấp nhận được thì nói lời chia tay.
Theo Gia đình |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|