Trước thềm năm học mới, khi bộ chuẩn giáo dục dành cho trẻ 5 tuổi sẽ áp dụng vào các trường mầm non như tiêu chí đánh giá sự phát triển của bé, nhiều giáo viên mẫu giáo lo ngại nếu hiểu sai sẽ làm nặng bệnh thành tích. > | ||||||
“Có bộ chuẩn là tốt, bởi dựa vào đó giáo viên sẽ xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp hơn. Tuy nhiên, việc chuẩn hóa có thực sự mang lại tiến bộ nơi trẻ hay không chính là ở cái tâm của người dạy”, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non bán công 20/10 ở quận 1, TP HCM, Dương Thị Bạch Liên nói. Nhà giáo này cho biết, lâu nay nhiều trường mầm non vẫn có những tiêu chuẩn cụ thể đối với giáo dục trẻ ở từng giai đoạn khác nhau, nên khi Bộ Giáo dục nâng lên thành chuẩn và thực hiện đồng loạt thì gần như không có khó khăn gì. Tuy nhiên suy cho cùng, việc áp dụng chuẩn vào thực tế có thực sự nâng cao chất lượng học sinh còn phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm của giáo viên. “Nếu cô giáo nhiệt tình và có tâm huyết thì sẽ coi bộ chuẩn kia như một cái đích hướng đến để giáo dục trẻ vì sự tiến bộ. Trường hợp Bộ dựa trên những chỉ số này làm tiêu chí đánh giá chất lượng giáo viên cũng như nhà trường, thì tôi e sẽ làm nảy sinh căn bệnh thành tích vốn đang là vấn đề nhức nhối hiện nay”, cô Liên nói.
Theo cô Liên, bộ chuẩn này còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế nhiều trường. Chẳng hạn với tiêu chí trẻ phải bật xa tối thiểu 50 cm, chạy 18m với thời gian nhiều nhất 5-7 giây… là đòi hỏi "cắc cớ" với các trường mẫu giáo không có sân bãi. “Trường có sân bãi rộng thì sắp xếp những giờ giáo dục để kiểm tra thể lực của trẻ là dễ dàng. Song trường có diện tích hẹp, hay như trường Mẫu giáo Hoa Lan là một tòa nhà cao tầng chẳng lẽ các cô giáo phải thường xuyên dẫn trẻ ra công viên để tập chạy nhảy?", cô Liên lo ngại.
Chuẩn yêu cầu trẻ 5 tuổi phải tập trung học liên tục 30 phút, không có gì mới so với thời lượng một tiết học mẫu giáo từ 25 đến 30 phút. Song vấn đề quyết định không phải chỉ là khả năng của học sinh mà ở cách dạy của giáo viên có tạo được hứng thú nơi trẻ hay không. Chẳng hạn khi học về con hươu cao cổ, cô dùng máy tính trình chiếu hình ảnh về con hươu sẽ thu hút sự chú ý của trẻ lâu hơn nhiều so với dạy suông. "Chính vì thế, việc đầu tư cơ sở vật chất và tư liệu dạy học cần được chú trọng đúng mức thì mới mong đạt được những tiêu chuẩn trên. Điều này đòi hỏi sự chung tay của phụ huynh, nhà trường, cộng đồng trong việc xã hội hóa giáo dục. Song các trường mẫu giáo miền quê thường thiệt thòi hơn về khoản này", nhà giáo cho biết. Ngoài ra, để việc chuẩn hóa phát huy hiệu quả cần thực hiện liên tục, thống nhất trong toàn bộ quá trình phát triển của các em. Song theo cô Liên, hiện nay chỉ có chuẩn trẻ 5 tuổi mà không có chuẩn ở các độ tuổi cao hơn thì rõ ràng không đảm bảo được chất lượng phát triển đi lên. Chính vì không có chuẩn nên một số giáo viên phổ thông đã yêu cầu học sinh chạy nhảy quá sức dẫn đến ngất xỉu ngay trong giờ thể dục. Với 13 năm kinh nghiệm nuôi dạy trẻ, cô Thu Hương, giáo viên dạy mầm non tại Đồng Nai nhận thấy, học sinh miền quê dễ dàng đáp ứng hoặc thậm chí vượt chuẩn về leo trèo, chạy nhảy. Tuy nhiên về khả năng tư duy, suy đoán, đọc chữ, hát, họa thì các em lại không thể bằng trẻ ở phố. Thêm vào đó, sĩ số lớp học quá đông thì việc giáo viên theo sát từng em là rất khó. "Vì thế nếu lấy chuẩn này để đánh giá đồng bộ chất lượng trường thì rõ ràng miền quê sẽ thiệt thòi hơn. Theo tôi ở giáo dục mầm non, tiêu chí quan trọng nhất cần nhắm đến là sự tiến bộ của trẻ dựa trên sự so sánh giữa chất lượng đầu vào và đầu ra. Chỉ cần các em hát hay hơn, mạnh dạn, lễ phép, mạnh khỏe hơn lúc đầu mới là giáo dục có hiệu quả", cô Hương nói.
Trao đổi với VnExpress.net, bà Phan Thị Lan Anh, Phó vụ trưởng Giáo dục mầm non, Bộ giáo dục và Đào tạo, lý giải, Bộ chuẩn ra đời không phải để xếp loại hay tạo áp lực nào lên trẻ. Thực chất nó được sử dụng để giúp giáo viên có thể quan sát, đánh giá đúng từng trẻ, từ đó điều chỉnh kịp thời những hoạt động phù hợp, giúp tất cả bé đều phát triển tốt. Đây cũng được coi là căn cứ để xây dựng chương trình, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ có cách chăm sóc, giáo dục trẻ hợp lý. Theo bà Lan Anh, những chỉ số trong Bộ chuẩn đều dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi để giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần, chuẩn bị tâm thế tự tin khi vào lớp một. "Phụ huynh không nên coi các chuẩn này là cái gì đó nặng nề, mà chỉ cụ thể hóa những mong đợi đối với trẻ, là cái đích để giáo viên và bố mẹ hướng con đến, từ đó biết cách đầu tư để trẻ phát triển đúng hướng. Nếu soi vào chuẩn này mà thấy trẻ không đạt, bố mẹ cũng không nên lo lắng, bởi đây là cơ hội để người lớn phát hiện những vấn đề trẻ mắc phải, giúp bé khắc phục sớm", bà Lan Anh nói. Bà cũng khẳng định, Bộ chuẩn được xây dựng không phải để gắn mác cho mỗi trẻ, mà chỉ phục vụ cho việc phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi, nâng cao chất lượng giáo dục hơn thôi. Trong thời gian tới, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể giáo viên về việc thực hiện bộ chuẩn này trong các trường mầm non. Nhóm phóng viên |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|