Buổi tối thật muộn hôm đó, con lẻn khỏi nhà. Mấy giờ quáng quàng ngoài đường cố lần theo những chỉ dẫn ít ỏi, vẫn chưa tìm được. Mấy người bán hàng nước vẫn gọi vọng theo: “Vẫn chưa thấy à? Khổ quá. Nếu bác gặp ở đây, bác giữ lại cho, yên tâm”. | |
Con trai thân mến, Ngày mẹ còn nhỏ như con bây giờ, lúc đó sách báo ít lắm, nhưng ông ngoại công tác trong ngành bộ đội, nên nhà mẹ luôn xếp đầy những quyển tạp chí quân đội nhân dân. Điều đọng lại sâu sắc nhất trong những quyển tạp chí ấy là tình nghĩa đồng đội, đồng cam cộng khổ trong những ngày đói rét, những cảnh cận kề cái chết vẫn quên mình chiến đấu hay ứng cứu đồng đội, không một chút tính toán, so đo. Ngày con được chẩn đoán tự kỷ, mẹ ù tai như có tiếng đại bác khởi nguồn “cuộc chiến” trong gia đình mình. Đó không phải là chiến tranh, mà là cuộc chiến để giành lại cho con những cơ hội tốt nhất trong cuộc sống từ 2 chữ “tự kỷ”. Nó mang lại bao nỗi vất vả, cực nhọc, những đau khổ, dằn vặt, gánh nặng ... về cả tâm, trí, và lực, nhưng theo thời gian, khi mẹ đã dịu bớt nỗi lòng, nó lại giúp mẹ trải nghiệm và cảm nhận lại về tình người. Khi người ta chạm đáy của nỗi khổ cực, thì bỗng chợt “tình người” lại tỏa sáng. Có lẽ nó giống như khi mẹ lật lại trang sách chiến tranh năm xưa, tuy cực khổ, nhưng mẹ học được nhiều bài học về lòng nhân ái. Bầu ơi, thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn Và đã có bao nhiêu chuyện cảm động từ cái “giàn” phụ huynh của những đứa trẻ không may mắn, những người đa phần đều tình cờ gặp gỡ rồi thành quen bắt đầu từ những đứa con không tròn chặn. Và trong cả cái “giàn” rộng lớn hơn với những người có tấm lòng đặc biệt cho các con nữa. Người đầu tiên mẹ gặp khi đối mặt với hội chứng này là cô Q, lúc đó con cô ấy hơn con vài tuổi và đã tiến bộ rất nhiều. Cô photo cho mẹ hàng chồng sách, lý thuyết có, thực hành có, rồi hướng dẫn cụ thể đọc cái gì trước, cái gì sau; nên gặp ai và cả ... không nên gặp ai nữa. Từ sự nghiêm túc của cô ấy, mẹ mới lờ mờ cảm nhận được sự phức tạp của hai từ “tự kỷ”. Mẹ gửi tiền photo sách, cô ấy từ chối không nhận. Thật khó nghĩ, vì mẹ biết nhà cô cũng không khá giả gì, nhưng mẹ cũng không dám từ chối món quà “vì tự kỷ” đó. Bác L nhắn: “Em qua nhà chị dự giờ học của M đi. Chị thấy theo hướng này, M tiến bộ lắm. Em sang xem có hợp với D không”. Mẹ biết bác ấy đã phải bỏ một khoản chi phí lớn cho một khóa học của một phụ huynh tại TP HCM, và sau đó, bác đã phải bỏ thêm nhiều công sức để mua, dịch sách để cụ thể hóa từng bước can thiệp cho M. Khi mẹ dự giờ dạy xong, bác ấy còn giải thích thêm hàng đống thứ khác nữa, mà nếu không phân tích cơ sở thì khó có thể hiểu được tại sao lại lên nội dung giờ dạy như vậy. Cứ như thế đấy con ạ, các mẹ cùng cảnh luôn có những “chương trình đại khuyến mại” mà có lẽ chưa từng có ở bất kỳ trung tâm mua sắm thông thường nào. Buổi tối thật muộn hôm đó, con lẻn khỏi nhà. Mấy giờ quáng quàng ngoài đường cố lần theo những chỉ dẫn ít ỏi, vẫn chưa tìm được. Mấy người bán hàng nước vẫn gọi vọng theo: “Vẫn chưa thấy à? Khổ quá. Nếu bác gặp ở đây, bác giữ lại cho, yên tâm”. Trời trở khuya, các nhà rục rịch đóng cửa. Tiếng cửa sắt sàn sạt qua tai mẹ. Điện gia đình tắt bớt dần, đường phố bớt người đi lại. Con đang ở đâu? Phải chăng con đã vào nhà ai đó, và trốn vào góc tối, rồi sợ quá, không dám kêu cứu. Con có gặp được người tốt hay không? Đồng hồ nhích dần về 12 giờ đêm. Phố phường trở lên im lặng đến đáng sợ. Bác tổ trưởng già cũng sốt ruột dắt cái xe đạp đi tìm. Một cú điện thoại của mẹ gọi đi, hàng chục phụ huynh lao ra khỏi nhà dù đang ngủ dở mắt, trong đó có những người mà thậm chí mẹ còn không biết nhà họ ở đâu, có xa nhà mình hay không. Rồi thời gian bỗng dừng lại khi có điện thoại của công an phường báo con đang ở đó: Bác tài xế xe buýt tốt bụng đã đưa con trở lại đúng đồn công an nhà mình. Có lẽ, con đã là khách quen nên bác biết chính xác bến xe buýt nơi con lẩn vào các hành khách khác để lên xe, và quyết định trả con về đồn công an gần đó. Mẹ không tìm được bác ấy để cám ơn, chỉ hy vọng một ngày nào đó, bác sẽ đọc được bài viết này, và biết được gia đình mình biết ơn bác ấy nhường nào. Đôi khi, mẹ nhận được tin nhắn hỏi thăm về con từ một người rất, rất đặc biệt: một nhà ngoại cảm, bác Bích Hằng. “Dương thế nào rồi em?” “Dạ, tiến bộ một chút ạ. Cháu bắt đầu nói và đi học hòa nhập ...”. “ Chúc mừng vợ chồng em. Cố gắng thêm nhé!” Bác ấy có 2 con trai, hơn kém con vài tuổi thôi, chắc vì thế nên bác cũng quý con dù con rất hay chạy nhảy và làm đổ đồ đạc. Bác ấy cho con mấy cái kẹo hình con thú, khủng long, gấu, v.v giống như kẹo chíp chíp ấy, và con rất khoái. Mẹ con mình đã đến sớm hơn giờ hẹn và được nghe chuyện của một gia đình từ miền Trung ra nhờ bác ấy tìm mộ 2 người anh hy sinh và hiện đang yên nghỉ trong nghĩa trang Trường Sơn nhưng chưa xác định được mộ. Mẹ chạy theo con, nên cũng không nghe được nhiều, chỉ thấy các cô, chú ấy, khi nghe bác Hằng nói chuyện, cứ sụt sùi mãi... Sau lần gặp đó, thi thoảng, bác vẫn hỏi thăm con, mặc dù mẹ không mấy khi liên lạc vì sợ phiền bác nhiều công nhiều việc. Có lẽ ngoài khả năng đặc biệt, bác ấy còn có một bộ não đặc biệt để có thể giúp tìm mộ những liệt sỹ đã ngã xuống bao năm trước đây để có được cuộc sống yên bình ngày nay; và thật hãnh diện khi con có một vị trí nào đó trong trí nhớ của bác ấy. Hoặc chỉ đơn giản như mấy người mẹ cùng xóm phố. Đó là bác bán hàng nước gần nhà nơi một lần hai mẹ con vào uống nước. Bác chiều con hết cỡ nhé. Bác bảo: “Khổ thân, cái thằng cu này đẹp trai quá đi. Thôi, thì số phận thế, đành cố gắng vậy. Thằng con trai bác đây, đang học cấp III, thì tự nhiên đổ bệnh, giờ cũng không tự phục vụ được bản thân, vất vả lắm....” Hoặc là bác H luôn ưu tiên con có tô phở nhanh nhất vì biết con khó đợi lâu hay chỉ cười xòa nếu con thật nhanh tay đổ trộm lọ muối vào tô tương ớt trước khi bất kỳ ai có thể kịp ngăn lại. Hay cô C gần nhà, lật bật chạy sang mách: “Chị ơi, thằng bé nhà em châm cứu tiến triển tốt lắm (à, con cô ấy bị não úng thủy), hay chị thử cho D đi!”. Hay cô T.A ngày nào khi 2 nhà đang đi tìm nơi khám phanh lưỡi: “Chị ơi, con em vừa khám xong rồi. Không bị ngắn phanh đâu chị ạ, may quá. À, em rỗi đấy, em qua chở D đi khám luôn nhé!!!” Bác B.A gọi điện hỏi thăm. Bác có một khách sạn nho nhỏ ở Cửa Lò, nơi nhà mình vẫn đến mỗi năm. Khách sạn của bác không hẳn là đẹp, là tiện nghi, nhưng nếu đi Cửa Lò là nhà mình lại đến đó. Chẳng hiểu sao bác ấy vẫn quý cái thằng cu là con, luôn chạy khắp nhà và nghịch ngợm đủ thứ, và bất kể bác có phục vụ sơn hào mỹ vị gì, nó vẫn khư khư ôm cái món cơm chan nước rau muống luộc với thịt băm rim??? Sáng nay, mẹ đọc được bài viết về cô Chisato (người Nhật Bản) mở quán Anh Đào cho các anh chị khuyết tật và mồ côi. Cuộc đời vẫn thật nhiều những điều đáng trân trọng và mẹ cảm thấy thực sự rung động. Việc nuôi dạy trẻ khuyết tật đã khó, nhưng giúp các em có việc làm còn khó hơn nhiều. Mới đây, mẹ còn biết đến Trung tâm “Sống Độc lập” của một nhóm người khuyết tật Hà Nội nữa, nơi mẹ thấy các cô, các anh, các chị ngồi ăn cơm trưa sum vầy và đầm ấm, và vào khoảnh khắc đó mẹ đã lóe lên hình ảnh về cuộc sống của con sau này. Có lẽ với tự kỷ sẽ khó hơn, vì các con sẽ có nhiều vấn đề hành vi hơn, nhưng mẹ hy vọng sẽ tìm ra một mô hình nào đó thực sự phù hợp để sau này con và các bạn khác sẽ có thể tự mình “sống độc lập”. Có thể nói con là thế hệ trẻ em đầu tiên mang hội chứng này ở Việt Nam, như vậy, có thể con sẽ thiệt thòi đôi chút vì chưa có sẵn nhiều ứng phó của xã hội đối với hội chứng này. Dạy gì, dạy như thế nào, học trường nào, mô hình ra sao v.v, luôn là những câu hỏi khó. Tuy vậy, mẹ vẫn hy vọng rằng theo thời gian, với sự hiểu biết cao hơn và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, rồi sẽ có một mô hình nào đó thực sự phù hợp cho con. Mình lại tiếp tục cố gắng, con trai nhé! Mẹ, gia đình và bao người khác nữa luôn ở bên con. Cùng một tác giả Sống chậm nhé, con traiTìm đâu mái trường cho trẻ tự kỷ?Những điều ước cho đứa con đặc biệtCuộc chiến với bệnh tự kỷ của con Kim Thoa Chia sẻ những vui buồn, cảm xúc... về cuộc sống của bạn tại doisong@vnexpress.net. Vui lòng gửi bằng file word, tên file không dấu |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|