Cầm 3 tấm thiệp hồng trên tay, Hoàng lắc đầu ngao ngán: “Tuần này nhận được lời mời những 3 đám, mà toàn là bạn thân nên không thể mừng xoàng xĩnh được, lại sắp tốn một khoản tiền lớn đây”. | |||
Là công nhân ở một xưởng gỗ với mức thu nhập bình quân hơn 2 triệu đồng một tháng, Hoàng không dám hút thuốc hay uống cà phê mà cóp nhặt từng đồng gửi về quê nuôi mẹ già. Hàng tháng, sau khi trừ các khoản chi phí phòng trọ, ăn uống, anh gửi về nhà hơn một triệu đồng. Tuy nhiên hễ vào mùa cưới, Hoàng lại gượng gạo gọi điện xin lỗi mẹ vì khoản tiền chu cấp này phải để lại mừng đám cưới bạn. “Nghĩ mà thương mẹ lắm, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Năm nay mình nhận được cả chục thiệp mời, nào là của anh em, bạn thân, đồng nghiệp, toàn chỗ thân quen nên không thể bỏ qua được. Mỗi thiệp mừng cũng ngót 200 nghìn đồng, tháng nào có 3 đám là y như rằng cả thời gian dài sau đó phải ăn mì tôm”, Hoàng bộc bạch. Ở khu trọ tại quận Bình Tân, TP HCM, không những Hoàng mà nhiều công nhân khác cũng rơi vào hoàn cảnh éo le tương tự mỗi khi mùa cưới về. Nhiều bạn nhận thiệp mời nhưng vẫn chưa lãnh được lương đành phải mang đồng hồ, xe máy đi cầm hoặc vay nóng để có tiền mừng bạn rồi sau đó làm tăng ca trả nợ. "Mỗi lần nhận được thiệp mời là cả bọn lại tất tả xoay sở tiền mừng, không biết bao giờ mới thôi ám ảnh chuyện cưới xin", một nữ công nhân góp chuyện.
Nhung, nhân viên một công ty truyền thông chia sẻ, chị còn nhớ như in hồi còn ở quê mỗi khi thấy nhà nào có đám cưới là cả làng như có hội. Người lớn thì đến giúp đỡ gia chủ, còn trẻ con thích thú kháo nhau đến ăn chực cỗ. Tuy nhiên đến tuổi này, mỗi khi được mời ăn cưới lại là nỗi ám ảnh với chị. Nhất là vào thời buổi kinh tế khó khăn bây giờ thì khoản tiền vài trăm nghìn mừng đám cưới lại thành xa xỉ, ấy là chưa kể có nhiều người không quen biết cũng gửi thiệp mời khiến chị khó xử. "Mình thèm cảm giác mùa cưới ngày xưa chứ không như bây giờ cưới hỏi giống dịp để làm kinh doanh vậy, ai cũng lo mời thật nhiều khách để có lời chứ chẳng còn đơn thuần tình cảm thân thiết. Ngay công ty mình với hàng trăm nhân viên ở các bộ phận khác nhau, có nhiều người cả năm chưa gặp mặt mình lần nào mà cũng mời đám cưới, nhiều khi bí tiền quá mình cũng chẳng đi", Nhung nói. Nhung cho biết, "ám ảnh" nhất là khi nhận được thiệp cưới của con sếp, từ con của trưởng phòng, giám đốc, phó giám đốc... tất cả nhân viên trong công ty đều có thiệp mời. Đối với các đám này, dù túng thiếu cỡ nào, nhân viên cũng phải xoay sở cho được vài trăm nghìn để đi dự vì sợ bị sếp 'đì'. Chị bảo: "Mới đây đám cưới của con ông trưởng phòng, mình phải chi hết 500.000 đồng đấy, nghĩ mà tiếc mãi, làm cả tháng trời mới được gần 5 triệu bạc". Tại một nhà hàng đám cưới ở quận Thủ Đức, vợ chồng anh Nguyễn Văn Huy đắn đo không biết nên mừng đám cưới cô bạn đồng nghiệp bao nhiêu tiền. Anh này cho biết, hồi năm ngoái đám cưới của anh, người đồng nghiệp này bỏ phong bì 200.000 đồng nên năm nay không thể đi ít hơn được. Anh Huy băn khoăn: "Thực ra bây giờ đi đám để trả nợ, hồi trước họ gửi phong bì mừng đám cưới mình thì giờ mình mừng lại thôi, nên ít ra cũng không nên thua người ta chứ. Hai vợ chồng đang nghĩ không biết nên bỏ thiệp bao nhiêu nữa, vợ tôi thì bảo làm được 100 nghìn đồng bây giờ khó khăn lắm nên đi 200 nghìn thôi, còn tôi thấy phải mừng làm sao cho chủ tiệc không bị lỗ". Cũng tham dự lễ cưới này, ông Nguyễn Văn Lương, quê Đồng Nai cho biết, có ngày ông nhận được mấy đám cưới cùng một giờ nên không thể đến tham dự được, đành cho tiền vào phong bì rồi "phát" đến từng đám. Ở vào tuổi của ông Lương có nhiều mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp nên nhiều lúc ngoài khoản lương hưu hàng tháng, ông vẫn phải xin thêm tiền của con cái để mừng đám cưới. Phút tần ngần, ông cụ bảo: "Hồi trước đám cưới chỉ đơn thuần là buổi tiệc hỷ mở ra để mọi người đến chúc mừng tân lang, tân nương trong ngày trọng đại của cuộc đời. Ở quê tôi mỗi lần có đám là mọi người trong làng tụ họp lại giúp nhau chuẩn bị từ mâm xôi, dĩa thịt, cũng nhờ đó mà tình cảm hàng xóm mới thắm thiết keo sơn. Còn bây giờ hình như ai cũng đi ăn cưới đi để xem mặt cô dâu hoặc như đi ăn nhà hàng cho vui vậy. Chỉ khác một điều đi nhà hàng thì ăn xong mới trả tiền, còn đi ăn cưới chưa bước vô cửa đã phải móc phong bì ra 'thanh toán' rồi". Ngoan Ngoan |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|