Yêu nhau 2 năm, hiếm khi Nhài và Dũng cãi cọ, vậy mà thời gian chuẩn bị cho đám cưới, cả hai liên tục gây lộn như “mổ bò” toàn chuyện linh tinh, không đáng. | |
Cứ bắt tay vào làm một chuyện gì đó là Dũng và Nhài lại tranh luận, mâu thuẫn hoặc chịu đựng nhau cho xong mọi chuyện. Nhiều lần Dũng thầm nghĩ hay là dừng hết mọi chuyện lại xem sao, nhưng không đành lòng khi nghĩ đến bố mẹ, gia đình và cả tương lai của mình. Vậy là anh cứ vừa chuẩn bị cho đám cưới, vừa băn khoăn, lo lắng hạnh phúc tương lai rồi sẽ ra sao? “Tôi không hiểu sao lại hay cãi nhau thế không biết. Bỏ thì không được nhưng bực mình lắm. Tôi tin rằng đến hôm cưới thế nào hai đứa cũng bất hòa nữa, mặt mũi cau có chắc là xấu xí lắm”, Dũng nói. Còn Nhài chia sẻ: “Việc chuẩn bị cho đám cưới làm tôi thấy stress kinh khủng, luôn cảm giác lo lắng và hay nóng giận, nhiều lúc thấy chán nản. Có lẽ tôi chưa chuẩn bị tâm lý cho việc này thật tốt và tôi sợ sự thay đổi. Tôi mong qua giai đoạn căng thẳng này quá, nhưng lại rất sợ... đám cưới”. Nhài thừa nhận, "ý trung nhân" thì vô tâm, khô khan, còn bản thân mình cũng chưa thực sự mềm mỏng, nhẹ nhàng. Khi có chuyện gì không hài lòng xảy ra, cô cứ lẳng lặng không nói hoặc mặc kệ anh ấy. Trong một số chuyện như chụp ảnh cưới, đặt thiếp... thì Dũng vẫn tôn trọng ý kiến của vợ chưa cưới và để cô tự quyết, nhưng sao cô vẫn có cảm giác anh đồng ý với tinh thần không quan tâm và hợp tác cho lắm. Trong khi, cô lại mong người ta sẽ cảm thấy vui và hạnh phúc khi chuẩn bị những việc đó cùng mình. Thế là lại buồn, nghĩ ngợi và tất yếu dẫn đến cãi nhau. Còn Nga thì hạnh phúc với lời cầu hôn từ ông xã tương lai nhưng những thay đổi trong cách quan tâm, chăm sóc của anh khiến cô rơi vào cảm giác hoang mang. Nguyệt Nga (quận Tân Phú, TP HCM) và bạn trai yêu nhau được hai năm. Cô rất hạnh phúc khi bạn trai cầu hôn mình. Cô gái bộc bạch: “Hai tháng nữa là đến ngày cưới nhưng tôi thấy lòng rất trống rỗng, không có cảm giác mong chờ, hồi hộp. Đôi khi tôi còn băn khoăn muốn hoãn vì càng gần đến ngày ấy người tôi yêu càng không quan tâm đến mình như trước nữa”. Nga kể, chẳng hạn, trước đây khi còn yêu nhau, những lúc Nga phải đi làm thêm về muộn, bạn trai đều đón đưa vì sợ đường tối nguy hiểm. Còn bây giờ, chuẩn bị cưới, ông xã tương lai để mặc cô tự về dù anh không bận hay mệt mỏi chuyện gì. Nếu như trước đây mỗi lần cô ốm, anh chăm lo cho rất chu đáo, thì bây giờ chỉ hỏi qua loa cho xong việc. Nga thấy tủi thân và muốn hủy hôn. Chia sẻ về tâm trạng của tân lang, tân nương ngày gần cưới, Thạc sĩ tâm lý Bùi Đức Trí, Đại học Sư Phạm TP HCM cho rằng, đàn ông thường quan tâm đến những vấn đề lớn. Đối với những việc đã thống nhất rồi, họ cho là đã xong, không cần bận tâm nữa và dành sự quan tâm đến các chuyện khác, không thể hiện sự hăm hở như phụ nữ. Vì thế thái độ của họ khi giải quyết một vấn đề không như chị em mong muốn. "Nếu chị em thấy cần thái độ tích cực hơn của đấng mày râu thì phải nói ra, thậm chí chỉ cho họ phải làm gì như mình muốn, đừng im lặng mong họ 'tự hiểu' và cả hai sẽ không còn căng thẳng nữa", Thạc sĩ Trí khuyên. Đám cưới và cuộc sống chung sau này đều cần bí quyết là phải biết lắng nghe, bình tĩnh tiếp nhận ý kiến người khác. Bạn cần giải thích ý kiến của mình một cách nhẹ nhàng nhưng dứt khoát. Ngoài "chuyện hai người", nhiều cô gái gần đến ngày kết hôn cũng cảm thấy bị ức chế bởi mối quan hệ với gia đình, họ hàng nhà chồng. Như Lan Anh (quận 1, TP HCM) bức xúc: “Tôi nói thiệt, tôi muốn ngừng cưới xin quá! Tôi thuộc dạng người dễ tính, anh xã muốn làm gì thì làm nhưng vấn đề chính là cuộc sống sau hôn nhân. Tôi đã va chạm vài lần với nhà chồng tương lai nên thấy thật sự mệt mỏi”. Lan Anh cho biết, lối sống, gia phong của nhà chồng khác xa cách sống của bố mẹ đẻ khiến cô nghĩ khó chịu đựng được. Chẳng hạn ăn cơm là cả nhà cô phải tập trung về đầy đủ, ăn đúng giờ. Việc dọn dẹp, rửa chén bát chỉ loáng một lần là xong. Còn nhà chồng tương lai thì bữa ăn kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ chưa xong vì ai muốn ăn lúc nào thì ăn, khiến cô phải dọn cơm hâm thức ăn, bưng mâm lên xuống nhiều lần. Chưa hết, cô mơ hồ nhận thấy bên nhà chồng có nhiều người “thừa nước đục thả câu”, lợi dụng dâu mới sắp về phải lấy lòng người nhà nên nhờ vả nhiều việc. Ví dụ nhiệm vụ của chị chồng là đi chợ, nhưng chị ấy lấy cớ sáng bận đưa con nhỏ đi học, không có thời gian đi chợ. Em chồng thì nói học bài khuya nên mệt, ngủ. Má chồng bị gãy chân. Còn chồng tương lai thì phải chạy đôn chạy đáo đi kiếm tiền lo đám cưới, cô không muốn anh phải bận tâm. Thế là Lan Anh bị đùn cho trách nhiệm chợ búa mặc dù cô chưa về làm dâu chính thức. Với kinh nghiệm yêu 11 năm mới cưới, lập gia đình được hơn 5 năm, chị Thu Thanh (quận 3) chia sẻ, khi chuẩn bị cưới chị cũng thấy nản vì cảm giác mất tự do, dù chị vẫn sống trong khuôn phép, nề nếp gia đình bố mẹ ruột; hay thấy hụt hẫng vì mình sắp về nhà chồng, ông xã bớt quan tâm trong khi mình phải cố làm vừa lòng gia đình, họ hàng nhà chồng. Chị bảo: "Bước vào cuộc sống chung, mối quan hệ vợ chồng không chỉ có hai người mà còn ràng buộc đến gia đình hai bên, họ hàng nội ngoại rất phức tạp. Để tình cảm bền chặt đòi hỏi vợ chồng phải hợp tác, chia sẻ với nhau". Nhìn nhận trước khi cưới và hôn nhân trong 2 năm đầu có rất nhiều sóng gió vì tất cả còn mới, chị Thanh chia sẻ kinh nghiệm: Những người đàn ông có nóng tính và bảo thủ ý kiến đến đâu cũng sẽ chịu thua trước thái độ bình tĩnh và lời nói mềm mỏng nhưng rất thuyết phục, hợp lý của phụ nữ. "Vì vậy, nếu khéo xử, lấy nhau xong thì mọi việc lại về như cũ, không có nhiều thay đổi, hai vợ chồng vẫn tình cảm như hồi yêu, mà hình như lại chiều chuộng và yêu nhiều hơn lúc trước". Thạc sĩ Trí cũng cho rằng, vợ chồng khắng khít với nhau bằng "sợi dây truyền thông" thì hôn nhân sẽ rất tuyệt vời. Cứ thoải mái trao đổi với nhau bằng lời nói nhẹ nhàng và một nét mặt bình tĩnh, nếu có thể thì hãy cười tươi. Đừng mang bộ mặt sát khí và lời giận dữ để trút lên đối phương vì điều đó không làm chồng hay vợ hiểu nhau mà trở nên giận dữ, mọi sự đều thành tình huống xấu. Nhật My |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|