Ngày 14-15/12, tại TP Huế diễn ra hội thảo “Vai trò của nữ nghị sĩ trong việc thúc đẩy các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình” do UB các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhóm nghị sĩ 8 nước, Quỹ mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGIF) đồng tổ chức. | ||||
Hội thảo đã kịp thời đưa ra những con số biết nói liên quan đến BLGĐ
Hội thảo diễn ra vào thời điểm nhiều quốc gia trên thế giới trân trọng kỷ niệm 30 năm ngày Liên hiệp quốc thông qua Công ước CEDAW về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (18/12/1979).
Bà Bùi Thị Bình, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng: “BLGĐ là hiện tượng mang tính lịch sử, văn hóa-xã hội và tồn tại ở các quốc gia, dân tộc và các nhóm xã hội. Giải quyết vấn đề này cần tất cả mọi người trên thế giới”. Bà Bình nhấn mạnh: “BLGĐ chính là một trở ngại rất lớn trên con đường đạt tới mục tiêu bình đẳng giới, cản trở sự phát triển bền vững xã hội”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, theo đó 60% nguyên nhân trực tiếp là do say rượu và mượn rượu. Tiếp theo là do kinh tế khó khăn, ngoại tình và thiếu hiểu biết pháp luật. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do trong xã hội còn tồn tại tình trạng bất bình đẳng giới và tư tưởng gia trưởng (có quyền “dạy bảo” các thành viên yếu thế trong gia đình bằng vũ lực hoặc nhục mạ).
Theo TS. Suzette Mitchell, Trưởng đại diện MDGIF tại Việt Nam, pháp luật về phòng, chống BLGĐ sẽ đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia trong việc chống lại bạo hành giới và cho thấy sự bất bình của xã hội đối với hành vi này.
Theo bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên chuyên trách Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội, Ủy viên Ban thường trực Nhóm nữ nghị sĩ, Luật hôn nhân gia đình được các đại biểu Quốc hội thông qua từ 2007, có hiệu lực thi hành từ 01-07-2008. Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện Luật để áp dụng vào xã hội Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn do gặp phải tình trạng “đèn nhà ai nấy rạng” của từng gia đình, đội ngũ cán bộ chuyên trách về phòng-chống BLGĐ còn thiếu kỹ năng cũng cơ sở vật chất còn thiếu thốn.
Quan trọng nhất là do nhận thức, thói quen, phong tục, tập quán, nhiều người cho rằng BLGĐ là vấn đề bình thường, ngay cả nạn nhân của BLGĐ cũng có tư tưởng đó.
Nhiều giải pháp được các nữ nghị sĩ đưa ra, trong đó vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Với chức năng điều phối nhiều mặt, Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tới từng hộ gia đình qua mạng lưới các cộng tác viên tại các tỉnh thành phố. Tổ chức đào tạo, tập huấn đội ngũ trẻ năng động, các đoàn thể, giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử làm công tác phòng, chống BLGĐ. Rà soát hệ thống hóa các quy định hiện hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung. Đồng thời có chính sách hỗ trợ cho việc tổ chức thực hiện các quy định của Luật này.
Bài và ảnh: Đại Dương |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|