“Không được, anh phải đi khám sức khỏe rồi mới được động vào người em, nhỡ lây bệnh thì khổ” - chị Ánh lớn tiếng giận dỗi rồi đẩy anh chồng đang “ngùn ngụt” khí thế ra khỏi giường. | |
Sự nghi ngờ của chị nảy sinh từ đặc thù nghề kỹ sư cầu đường của anh. Mỗi năm, anh Cường, chồng chị, được cơ quan cử đi vài chuyến công tác xa. Mỗi lần trở về, chị Ánh lại bắt chồng đi kiểm tra sức khỏe gấp vì chị sợ, xa vợ lâu ngày, đàn ông nào cũng phải “tranh thủ” em nọ em kia.
Chị vẫn thường bảo với chồng: “Cái đó thì em thông cảm được cho anh nhưng còn chuyện bệnh tật cho vợ con thì em hãi lắm. Anh chịu khó nhé”. Mặc anh nhiều lần giải thích về sự “trong sạch” của mình nhưng chị kiên quyết không tin.
Anh tâm sự với chị gái của vợ: “Mệt mỏi với nhà em quá. Em làm công trình ở tít trong vùng sâu, muốn đi ăn còn phải lội rừng vài cây số, tìm đỏ mắt mới thấy vài chị dân tộc, tóc tai xơ xác, con bế con bồng, lấy đâu mà “gái gú”, bệnh tật được. Chị xem thế nào, nói hộ em đôi lời với cô ấy. Em sắp không chịu nổi rồi”.
Cùng cảnh như anh Cường, anh Thuận không biết giải thích thế nào cho vợ hiểu vì chị nghi anh “đi với gái”.
Anh kể: “Hôm nọ, tôi đi từ nhà khách hàng ra (anh Thuận làm thợ sửa máy) thì vợ bắt gặp. Vô phúc, cái ngõ ấy nó nhiều nhà nghỉ. Cưa gì, tôi đã thấy mặt cô ấy méo xệch, định “ăn vạ” ngay tại trận. Dỗ mãi không chịu về, tôi đành “nói cứng” rằng về nhà thì mới ký giấy ly hôn được chứ! Lúc đó, cô ấy mới chịu nhúc nhích”.
Về nhà, anh cố thanh minh thì vợ lại cho rằng “có tật”. Im lặng thì vợ “quy kết” là đã nhận tội. Chẳng biết phải làm sao!
Anh Quang - phóng viên mảng xã hội cho một tờ báo chia sẻ: “Vợ vừa sinh xong thì mình nhận đề tài về “gái” quá date. Mình phải vào vai một gã chán đời, làm quen với các chị hết thời, giờ ra đứng đường. Hôm ấy, đang lúc mặc cả thì gặp cô bạn thân của vợ đi qua. Cô ấy “phi” ngay ra đầu đường gọi về cho bà xã mình. Thế là “hỏng hết bánh kẹo”, vợ cứ nheo nhéo điện thoại thì làm sao mà tâm sự với “gái” được nữa”.
Về nhà anh Quang còn bị kiểm tra điện thoại vì chị nghe nói có mấy diễn đàn gái gọi, các ông ấy đi với gái rồi chụp ảnh sex về. Máy tính cũng bị lục tung lên, ảnh nào mà hở “tí mông, tí ngực” thì anh phải tường trình.
Thấy vợ hơi quá, anh gạt vợ ra thì chị dỗi - đòi ôm con về bên ngoại. Cuối cùng, anh Quang phải “nịnh” người khác để đổi đề tài.
Anh than thở: “Lúc yêu nhau, mình đã chia sẻ hết những khó khăn trong công việc. Cô ấy vui vẻ chấp nhận và hứa sẽ tin mình. Đến bây giờ, mình có giải thích thế nào, cô ấy cũng nhất định không nghe”.
Thông thường, khi nam giới có việc phải xa nhà một thời gian hoặc bị bắt gặp ở những chỗ “tình nghi”, mọi người đều cho rằng họ phải làm gì đó “xấu xa lắm”.
Tuy nhiên, các ví dụ trên là minh chứng cho thấy không phải lúc nào suy nghĩ và cảm nhận của người vợ về chồng mình cũng đúng. Gặp tình huống khả nghỉ, người vợ nên hết sức bình tĩnh, xem xét và lắng nghe những lời giải thích của chồng, nhất là những ông chồng có nghề nghiệp đặc trưng phải tiếp xúc xã hội nhiều. Không nên vì đánh giá chủ quan, phiến diện của mình mà làm rạn nứt tình cảm gia đình.
Trên hết, người vợ luôn luôn phải là người cảm thông và tin tưởng chồng nhất. Nếu có khúc mắc gì, vợ chồng nên trao đổi để đưa ra quyết định cuối cùng, tránh tình trạng nghi oan mà khổ cho chồng, bản thân mình cũng chẳng sung sướng.
Theo Mẹ và bé |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|