Ảnh minh họa: Maduraicity.co.in. |
Bực quá, chị Trà chạy tới tét mông và lôi con vào phòng nhốt lại. Thế nhưng, tới chiều cậu bé 4 tuổi lại tiếp tục trò chơi yêu thích của mình.
"Tôi cảm thấy bất lực và có lúc phát khóc vì không bảo nổi con. Mình càng nói, thằng bé càng cố tình làm ngược lại", chị Trà (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) thổ lộ.
Chị kể, ngay hôm qua, khi đưa con sang nhà một người bạn chơi, chị đã muốn độn thổ vì cháu quá nghịch và không nghe lời mẹ. "Ai đời, nó ra giật tóc con gái bạn mình khiến cô bé ngã ngửa ra sau rồi khóc toáng lên. Mình quát con thì lúc sau nó lại tiếp tục làm vậy, thậm chí còn cố tình như kiểu trêu ngươi. Ngại quá mình phải xin lỗi bạn rồi đưa con về luôn", chị Trà nói.
Ngày nào chị Trà cũng phải khản cổ mắng hay mệt mỏi chỉ vì nhắc con những việc đơn giản như đi ngủ, đánh răng, ăn cơm, rửa mặt... mà cậu nhóc nhất định không làm theo.
Vốn tự hào vì có cô con gái rất tình cảm lại biết nghe lời, nhưng thời gian gần đây, chị Quỳnh, nhân viên kinh doanh một công ty dược ở Tân Mai, Hà Nội cũng rơi vào thế khó khi thấy con bỗng ngang bướng, hay làm trái ý mẹ.
Chị Quỳnh cho biết, trước đây, bé rất ngoan, gặp ai cũng chào hỏi, mẹ nhắc làm gì là làm ngay. Nhưng bây giờ, khi chị bảo con đi tắm thì bé giả vờ không nghe thấy, vẫn ngồi xếp hình tiếp. Chị nhắc nhở thì cô nhóc đáp gọn lỏn: "Con đang bận chơi". Hay lúc mẹ muốn con đi ngủ thì bé ngồi lỳ trước màn hình TV, nhắc bé rửa tay thì con lơ đi, bảo bé cất đồ chơi thì con càng bày ra...
"Mình bắt đầu thấy bối rối chẳng hiểu phải làm thế nào với con rồi. Hơi tí là nàng ấy lỳ mặt ra rồi nhìn mẹ kiểu rất thách thức, hoặc cố tình gào lên ầm ĩ. Mình thì không muốn đánh con chút nào nhưng nhiều khi bực quá chẳng biết phải làm gì khác", chị Quỳnh nói.
Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng Smile's House (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, nếu như hồi nhỏ, trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn, rất thích bắt chước, làm theo lời bố mẹ nói, thì giai đoạn 3 -5 tuổi, các bé thích khẳng định sự độc lập của mình. Và một trong những cách thực hiện việc này chính là làm ngược với ý bố mẹ, chứng tỏ sự "quyết đoán" của bản thân.
Theo nhà giáo, để tránh stress, căng thẳng vì điều này, trước tiên, cha mẹ không nên nhất nhất phải bắt con “vâng lời”. Hãy tùy vào từng hoàn cảnh, sự việc để “yêu cầu” con. Khi đưa ra yêu cầu với trẻ, cha mẹ cũng cho con sự lựa chọn mà trong hoàn cảnh lúc đấy là hợp lý nhất. Chẳng hạn, thay vì hét khản cổ “con đừng nghịch nước nữa” hãy cố bình tĩnh “con nghịch nước lúc tắm nhé, trong buồng tắm thì không sao còn bếp thì mẹ con mình sẽ cùng bị ngã đấy”.
Ngoài ra, bố mẹ hãy chỉ cụ thể tác hại của việc bé đang làm và biểu lộ thái độ cương quyết trước việc đó. Muốn hiệu quả cao, bạn cần tách hành vi của bé ra khỏi bản thân bé. Chính sự khéo léo của người lớn sẽ cho trẻ thấy bé là đứa trẻ tốt, chỉ cần chú ý sửa chữa một vài cử chỉ nữa thôi. Ví dụ, trường hợp cậu bé giật tóc bạn gái, mẹ có thể nghiêm khắc khẳng định với bé: “Con là cậu bé thông minh như thế cơ mà, chắc chắn con biết giật tóc bạn như vậy đúng hay sai?”.
Bà Lệ Thủy cho rằng, mỗi trường hợp cần có cách giải quyết khác nhau. Tuy nhiên, ngay từ khi con còn rất nhỏ, cha mẹ cần có những nguyên tắc rất rõ ràng, cụ thể và phải áp dụng thường xuyên, ngay trong nhà. Khi trẻ đã có những kỹ năng giao tiếp, ứng xử cơ bản ngay từ trong gia đình thì các bé sẽ có ứng xử phù hợp khi tiếp xúc với xã hội, cộng đồng. Trong cuộc sống hằng ngày, bạn có thể chỉ cho con biết những quy tắc đơn giản nhất cần tuân thủ: “Salon, ghế là để ngồi chứ không phải để nhảy”; “Nước chỉ có thể chảy trong buồng tắm.”; “Tóc mẹ không phải để con giật.”; “Đồ chơi là của con, con hãy tự dọn”...
Bên cạnh đó, đôi khi bố mẹ có thể cho phép trẻ khẳng định sự độc lập của mình trong mức độ nhất định. Chẳng hạn: Nếu mẹ yêu cầu con dọn đồ chơi để ăn cơm mà bé vẫn không nhúc nhích và đòi tiếp tục, hãy nói: "Mẹ biết là con đang rất thích chơi. Vậy con chỉ được chơi thêm một chút thôi, mẹ bận lắm, không đợi được đâu"... Ít phút sau bạn cần cương quyết yêu cầu bé thực hiện yêu cầu. Bạn cũng cần nghiêm khắc, chỉnh ngay hành vi xấu ngay lần đầu và có hình phạt phù hợp với từng độ tuổi và hành vi của trẻ để bé hiểu rõ điều gì là không được phép và không thể tái diễn.
Minh Thùy