Trong “cuộc chiến” gia đình, nhiều cha mẹ lôi cả con cái vào làm vũ khí tạo nên thế mạnh. Theo thời gian, đứa trẻ cũng bắt đầu biết tuyên chiến và xem mình ngang hàng với cha hoặc mẹ, càng làm mâu thuẫn gia đình thêm rạn nứt. | |
Thứ Sáu, 16/09/2011 - 11:03
Cha mẹ chia phe, con lãnh đủ
Trong “cuộc chiến” gia đình, nhiều cha mẹ lôi cả con cái vào làm vũ khí tạo nên thế mạnh. Theo thời gian, đứa trẻ cũng bắt đầu biết tuyên chiến và xem mình ngang hàng với cha hoặc mẹ, càng làm mâu thuẫn gia đình thêm rạn nứt.
Hình minh họa: SGTT
Dùng con để yêu sách
Cho rằng mình không may mắn trong hôn nhân, chị H. thường trút bầu tâm sự với con gái ngay từ khi bé còn rất nhỏ, chị quy kết bao nhiêu tội lỗi cho chồng, làm cô bé luôn ác cảm và lạnh nhạt với cha.
Đau đớn hơn là hậu ly hôn, mỗi lần anh X. nhớ con đến thăm thì dù bé mới mười tuổi nhưng đã biết chì chiết và trách mắng cha không ngớt, khiến anh rất đau lòng. Giải thích, phân bua đúng sai thì chẳng khác gì là kể xấu mẹ nó, nên anh đành im lặng chấp nhận.
Một trường hợp khác, về làm dâu trong một gia đình gia trưởng, chồng là con trai một, chị D. ngậm đắng nuốt cay cho đến khi sinh được cháu đích tôn cho gia đình chồng. Biết “cái giá” của con trai nên ngay từ nhỏ chị đã rèn con rất kỹ để con biết yêu sách và giúp mẹ trả lại món nợ năm xưa! Mỗi khi cần gì, chị cứ nói đó là ý của đứa cháu đích tôn! Mỗi lời nói của “ông trời con” là mọi người lớn buộc phải nghe theo, từ đó vị thế của chị trong gia đình chồng cũng đổi khác.
Cho con sống đúng vị trí
Khi dùng trẻ làm công cụ cho những mục đích của mình, người lớn đã vô tình làm vẩn đục tâm hồn trẻ. Lối giáo dục gieo oán trách, hận thù vào sâu trong trí óc non nớt của trẻ, sẽ khiến thế giới nội tâm trẻ không thể phát triển lành mạnh. Đứa trẻ mang trong lòng những cảm xúc căm ghét, hận thù và trả đũa người thân yêu của mình thì bản thân đứa trẻ cũng bị tổn thương, đau đớn, lớn lên cùng cảm giác bất an, đến một lúc nào đó cảm xúc của trẻ cũng chai sạn, trẻ sẽ không có khả năng biết bộc lộ cảm xúc, biết cảm thông… từ đó bị trở ngại giao tiếp và hòa nhập xã hội.
Sự phản ứng của con cái trước mâu thuẫn của người lớn, chọn lựa thái độ và hành vi ứng xử thế nào, phần nhiều ảnh hưởng từ cách giáo dục và thái độ của cha mẹ. Hãy cho con sống đúng vị trí, đúng lứa tuổi, đừng bắt trẻ “vượt rào” quá sớm để xen vào chuyện của người lớn.
Ở những gia đình mà khi xung đột người lớn biết lắng nghe và cư xử tôn trọng nhau, con cái sẽ không dám xen vào mối quan hệ của bố mẹ, “chia rẽ” bố mẹ, mà biết thể hiện sự quan tâm, âm thầm làm vai trò sứ giả để hàn gắn và kết nối bố mẹ. Ý thức trách nhiệm ấy sẽ giúp trẻ có thêm kỹ năng ứng xử và giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
Theo ThS tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh SGTT |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|