Sẽ chẳng có gì phải phàn nàn nếu bố mẹ, anh chị em chồng luôn hết mình ủng hộ và giúp đỡ bạn. Nhưng sẽ ra sao nếu họ thường xuyên gây ra những tình huống khó xử cho nàng dâu? | |
Thứ Hai, 24/10/2011 - 10:18
Giải quyết những tình huống khó xử với nhà chồng
(Dân trí) - Sẽ chẳng có gì phải phàn nàn nếu bố mẹ, anh chị em chồng luôn hết mình ủng hộ và giúp đỡ bạn. Nhưng sẽ ra sao nếu họ thường xuyên gây ra những tình huống khó xử cho nàng dâu?
Theo tiến sĩ Susan Forward: “Một trong những trường hợp đáng sợ nhất sau khi lấy chồng là bạn bất đồng quan điểm, thậm chí đối đầu với gia đình chồng”. Bạn có thể phàn nàn, cáu gắt hay giận dữ với mẹ đẻ khi bà khiến bạn phải khó xử. Nhưng bạn không thể làm vậy với mẹ chồng bởi đơn giản, bà không phải mẹ đẻ, bạn không lớn lên cùng bà và không biết cách bà phản ứng trước những bất đồng.
Tuy nhiên, bạn không thể coi như không có vấn đề gì suốt đời. Bạn phải sớm giải quyết để đảm bảo cuộc sống hôn nhân cũng như các mối quan hệ của mình. Trước tiên, hãy xác định khi nào mình nên hành động. “Mỗi người có sức chịu đựng khác nhau. Có thể bạn đã cố gắng im lặng và phớt lờ nhưng nếu bạn thường xuyên bị chửi mắng, sợ hãi, đau đầu khi rơi vào những tình huống căng thẳng với một thành viên/ gia đình chồng, bạn cần đối mặt với nó”, Tiến sĩ Forward nói.
Sau đó, hãy nói chuyện với chồng bạn và nhờ anh ấy can thiệp. Dù anh ấy bị mắc kẹt ở giữa và cảm thấy khó xử nhưng bạn là vợ anh ấy và anh ấy có trách nhiệm bảo vệ và hậu thuẫn cho bạn. Tiến sĩ Forward nói: “Như vậy không có nghĩa là bắt anh ấy phải chọn lựa giữa bạn và gia đình, không phải là anh ấy phải tách bản thân khỏi bố mẹ hay anh chị em mình. Một cách thực tế là anh ấy phải có dũng khí để nói chuyện với người thân của mình rằng “Cô ấy là vợ con, thật không phải nếu bố/ mẹ/ anh chị… đối xử với cô ấy như vậy”.
Còn nếu anh ấy từ chối can thiệp và khuyên bạn nên tự tìm cách giải quyết vấn đề, bạn có 2 lựa chọn: Hạn chế liên lạc với gia đình chồng hoặc mạnh mẽ hơn để đối mặt với họ.
Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn nếu bạn chọn giải pháp thứ 2:
Tình huống: Mẹ chồng thường xuyên chỉ trích mọi thứ về bạn, từ cách ăn mặc tới cách giáo dục con cái.
Giải pháp: Hãy xem như mẹ chồng cảm thấy bất an và muốn thử thách con dâu. Bạn càng phản ứng mạnh mẽ, bà càng thỏa mãn. Do đó, hãy hít thở thật sâu, bình tĩnh và đáp lại một cách không thù địch: “Mẹ và con đều có những ý kiến riêng, thế nên chúng ta hãy cố gắng dung hòa với nhau nhé”.
Tình huống: Bố chồng liên tục gọi điện, ghé qua nhà 2 vợ chồng mà không báo trước và ép cả gia đình phải tụ tập vào chủ nhật hàng tuần.
Giải pháp: Hãy cố gắng mềm dẻo nhưng thể hiện rõ quan điểm của bạn: “Tất nhiên cả gia đình nên tập trung vào chủ nhật nhưng hàng tuần thì không khả thi lắm bởi chúng con còn phải về thăm nhà con và thực hiện một số kế hoạch nữa”. Hãy đặt ra những giới hạn rõ ràng, lên kế hoạch thực tế và khả thi với bạn và chồng bạn. Nếu cứ hứa cho qua rằng cả gia đình bạn sẽ có mặt vào chủ nhật hàng tuần nhưng sau đó không thực hiện, bạn sẽ mất điểm nghiêm trọng với nhà chồng.
Tình huống: Em chồng thường xuyên đến hỏi vay/ xin tiền vợ chồng bạn
Giải pháp: Một vài lần cơ nhỡ có thể thông cảm được được nhưng nếu em chồng thường xuyên đến hỏi vay tiền (mà không trả), thậm chí “vòi tiền”, bạn cần dứt khoát từ chối.
Hãy thống nhất cách giải quyết với chồng, tránh để anh ấy lén lút cho em gái tiền, giải thích rõ ràng anh không thể theo sau giải quyết hậu quả cho cô ấy cả đời được.
Vũ Vũ Theo WD |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|