Nhiều nàng dâu sau khi vất vả với bé thứ hai mới thấy rõ “tầm quan trọng” của mẹ chồng. | |
Thứ Ba, 22/11/2011 - 10:01
Bà “bện” cháu, mẹ “khỏe re”
Nhiều nàng dâu sau khi vất vả với bé thứ hai mới thấy rõ “tầm quan trọng” của mẹ chồng.
Nghe cô bạn thân kể lể đang căng thẳng với mẹ chồng vì bà cứ “ôm rịt” con nhỏ cả ngày lẫn đêm, Thư cười nhắc: “Gớm, cứ sản xuất thêm tập 2 như tôi xem, sẽ biết bà bện cháu có giá thế nào”.
Hồi đầu làm mẹ, Thư khúc mắc liên tục với mẹ chồng. Nguyên nhân vì Thư bị mẹ chồng “giành” mất phần chăm con nhỏ. Mẹ chồng chê Thư chậm, lại hậu đậu, chưa làm mẹ bao giờ, thêm tâm lý là cháu đầu nên việc chăm con nhỏ của Thư “tất tật” vào tay bà nội cả.
“Trừ lúc cho con bú, còn lại lúc nào bà nội cũng quanh quẩn trong phòng, “hở” ra là bế cháu, vui chơi, trò chuyện. Kể cả chuyện thay tã hay tắm rửa cho con, mình cũng bị bà nội tranh mất. Thậm chí tối ngủ, bà cũng “đuổi” chồng mình sang phòng khác, ‘chiếm’ luôn góc giường trong, bảo bao giờ con nhỏ cứng cáp thì mới yên tâm về ngủ cùng ông” - Thư kể.
Cảm giác luôn bị mẹ chồng “chen ngang”, chỉ cái này, hướng dẫn cái kia, chê chỗ nọ, nhắc nhở chỗ kia khiến Thư ức chế nặng nề. Thậm chí, nhiều lần cô còn “thù ghét” mẹ chồng cho dù vẫn biết bà rất quý con, xót cháu. Đôi lần, mẹ chồng đi chùa hoặc bận cỗ giỗ ở quê một vài ngày, Thư thở phào như trút được gánh nặng.
Con lớn được 4 tuổi, Thư sinh bé thứ hai. “Lúc này, mới thấy ơn trời vì có bà nội” - Thư cười nói. Nguyên việc cho ăn, tắm rửa, đưa – đón bé lớn tới lớp đã khiến Thư “mệt bã”, giờ lại thêm con nhỏ, nếu không có “tay” bà nội thì không biết phải xoay thế nào.
“Giờ thì mình tự nguyện “nhường” bà nội chăm cô con út rồi. Sáng ra, cho ‘ti’ xong là trao “sản phẩm” cho bà để bà lo khoản rửa mặt mũi rồi bột bẹt cho con. Tiếp đến là gọi cu anh dậy rồi đánh răng, rửa mặt, cho con ăn sáng, đi chợ rồi về đi làm. Chiều, vẫn bà trông con hộ nên mình rảnh rang lo việc nhà. Định bao giờ cai sữa, cho con ngủ cùng bà luôn” - Thư thổ lộ.
Nhiều lúc cuối tuần, Thư còn tranh thủ “trốn” con nhỏ đi mua sắm, làm đầu, đưa con lớn đến nhà sách, công viên... Dạo này, Thư được khen trẻ, đẹp ra bởi có nhiều thời gian làm đẹp, “tân trang” nhan sắc, chứ không phải tối ngày ủ rũ lo “bon chen” việc chăm con với mẹ chồng.
Cùng tâm lý với Thư, Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng qua thời khó chịu vì bà nội “dính” cháu chẳng kém “keo 502”. Con lớn được 2 tuổi thì Huyền có bầu “tập 2”.
“Bé nhà mình rất hay khóc lóc, mè nheo. Hễ không vừa ý thứ gì là lăn ra khóc. Mình bầu bí rất mệt nên thấy con lè nhè là điên hết cả người. May có bà nội kiên nhẫn dỗ dành cu cậu nên mình mới có thời gian nghỉ ngơi” - Huyền chia sẻ.
Bé nhà Huyền cực kỳ “bện” bà vì được bà chăm chút từ nhỏ. Chính vì thế bà đi đâu là cháu theo đó, bà ngồi chỗ nào là cháu chạy tới chỗ đó, bà làm gì là cháu “lẽo đẽo” bám đuôi ngay... nên Huyền không lo bị con “bắt nạt”, đòi mẹ bế hay vòi vĩnh thứ này, thứ kia.
“Có hôm bà nội đi đưa dâu nhà hàng xóm mà mình rã rời với con. Nào cho ăn, nào ru ngủ, nào chơi cùng con. Muốn nằm một tý là con gào lên đòi mẹ phải ngồi dậy, rồi phải đứng lên để hai mẹ con chơi bóng. ‘Vật vã’ với con hết một ngày mà bủn rủn chân tay” - Huyền bộc bạch.
Huyền kể, nhà có ông nội nhưng ông chỉ đưa cháu đi chơi được một lúc. Khi ở nhà, ông thích đọc báo hay xem tivi trên phòng, chứ chẳng chơi với cháu được lâu, nói gì đến việc cho cháu ăn, “xi tè, xi ị”. Chính vì thế, lúc thấy mẹ chồng về Huyền mừng thế nào.
Nhiều nàng dâu sau khi vất vả với bé thứ hai mới thấy rõ “tầm quan trọng” của mẹ chồng. Khi mới làm mẹ, người phụ nữ nào cũng muốn dồn hết thời gian và tình yêu cho con mình. Ai cũng muốn được tự chăm con theo ý mình (cho dù được bà nội, bà ngoại giúp sức thì đôi khi cũng không tránh khỏi bất đồng). Từ đó, con dâu dễ có xu hướng phủ định hết “công” của bà nội (bà ngoại).
Khi sinh bé thứ hai, do thời gian chăm con bị hạn chế (vì còn bận bịu với con lớn) nên lúc này, được bà nội san sẻ bớt việc chăm con nhỏ sẽ khiến con dâu “nhẹ gánh” hơn. Chưa kể, khi đã có hai con thì tâm lý “ghen” vì bà bện cháu cũng bớt đi. Nhờ thế mà nhiều nàng dâu mới thấy lúc này mà không có bà nội (bà ngoại) thì chẳng biết phải làm sao.
Theo Ngọc Bình Mevabe |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|