Chồng em là trưởng khoa của bệnh viện tỉnh, chuyên môn giỏi và có nhiều mối quan hệ với giới lãnh đạo, vì thường xuyên có người nhờ vả. Em thì từ trước nay chỉ biết lo việc nhà, nuôi con và chăm bố mẹ chồng. | |
Thứ Hai, 26/12/2011 - 07:07
Tập làm “Phu Nhân”
Chồng em là trưởng khoa của bệnh viện tỉnh, chuyên môn giỏi và có nhiều mối quan hệ với giới lãnh đạo, vì thường xuyên có người nhờ vả. Em thì từ trước nay chỉ biết lo việc nhà, nuôi con và chăm bố mẹ chồng.
Gia đình yên ấm bao năm. Gần đây bạn bè anh ở bệnh viện, phần lớn là các cô các chị đã có gia đình, hay góp ý với em về chuyện ăn diện, quảng giao. Các chị cho rằng em không hỗ trợ chồng, kém khôn ngoan quảng giao để khai thác các mối quan hệ.
Họ lấy gương các bà phu nhân trong tỉnh ăn diện, giao tiếp, hay xuất hiện bên chồng. Em cũng lo lắng về sự đơn giản của mình. Nhưng khi em học theo, thì chính anh lại bảo em đừng kệch cỡm, người như em không theo nổi các bà ấy đâu.
Em cứ lo lắng và tự nhiên thấy mình kém cỏi, dốt nát quá. Có nơi đâu để mình đi học và có nên thay đổi không, thưa chị? Hồ Thị Bàng (Cần Thơ)
Họ lấy gương các bà phu nhân ăn diện, giao tiếp, hay xuất hiện bên chồng.
Em cũng lo lắng về sự đơn giản của mình. (Hình minh họa: Getty Images).
Em Bàng quý mến,
Có hai việc em phải tìm hiểu: Thứ nhất là chồng em có khó chịu, xấu hổ với mọi người vì vợ mình quá chất phác, không khôn ngoan để khai thác các mối quan hệ không? Và khai thác như vậy để làm gì? Trục lợi thêm hay là chỉ làm phong phú tình thân?
Thứ hai là bản thân em phù hợp với cuộc sống như thế nào, việc thay đổi có quá khó với em hay không?
Ở một số địa phương, đúng là những ông chồng mang trọng trách rất cần có “phu nhân” để làm cho mối quan hệ và uy tín của mình thêm tốt đẹp. Tuy nhiên, các “phu nhân” có thể giúp chồng nhưng cũng có nhiều người làm mất uy tín của chồng. Nhiều bà quảng giao biết hết “đường đi lối lại” của các mối quan hệ, những chỗ có thể có lợi lộc để “tham mưu” phía sau cho chồng. Vì vậy họ làm giàu cho gia đình nhưng hại cho xã hội và uy tín của chồng, thậm chí đưa chồng vào vòng tù tội. Nếu các chị ấy muốn em thay đổi để trục lợi, thì đừng theo, em ạ. Có lẽ em thử hỏi chồng em xem anh ấy nghĩ gì về lời khuyên nhủ của các đồng nghiệp.
Để giúp cho cuộc sống của gia đình thêm ý nghĩa, không “thoát ly” hẳn với chồng (dù có lý do rất đáng trọng là để chăm lo cho gia đình), em nên dành thời gian cùng chồng xuất hiện trong các cuộc vui, công việc cần thiết. Thí dụ đi ăn cưới, đến lễ hội, các cuộc vui chung. Ở các thành phố bây giờ đều có các trung tâm giúp phụ nữ học nữ công gia chánh, trang điểm, thời trang. Các báo, tạp chí, trên truyền hình và ngay cả các bạn gái, cũng có thể giúp ý kiến, kinh nghiệm. Em nên học hỏi, chọn lựa áp dụng cái gì phù hợp, đừng vội vã làm những điều lố lăng, làm anh ấy ngượng về sự thay đổi quá mức thì nguy. Khi bảo em “đừng kệch cỡm, em không theo nổi các bà ấy đâu” là anh có ý sợ đó, thậm chí anh không tin là vợ mình chân quê chất phác lại có thể biến thành “các bà ấy”. Em hỏi chồng có nên thay đổi không, nên thay đổi điều gì để tốt hơn mà không phải khổ sở xóa đi lối sống tốt đẹp của mình.
Đối với em, điều đáng quan tâm nhất là cần gắn bó vợ chồng hơn nữa trong các sinh hoạt, đừng “phân công dứt khoát” theo kiểu vợ chỉ biết lo trong nhà, còn mặc kệ ông chồng xoay xở bên ngoài. Nhất là khi người chồng ấy sống trước nhiều mối quan hệ xã hội rộng rãi.
Chúc em vui mạnh và hạnh phúc.
Theo Hạnh Dung PNO |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|