Cưới vợ mới được 2 tháng, anh Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) thấy như mình bị... lừa. Anh cho biết, Hoa (vợ anh) bắt đầu lộ tính lười nhác, ỷ lại vào mẹ chồng và chị dâu. | |
Thứ Năm, 05/01/2012 - 09:22
Khi đàn ông “sốc sau cưới”
Cưới vợ mới được 2 tháng, anh Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) thấy như mình bị... lừa. Anh cho biết, Hoa (vợ anh) bắt đầu lộ tính lười nhác, ỷ lại vào mẹ chồng và chị dâu.
Tan sở, Hoa chẳng bao giờ chịu về nhà đúng giờ. Thay vào đó, Hoa la cà, dạo chơi với bạn bè, đồng nghiệp tới tối mịt. Khi về, Hoa chỉ việc ngồi vào bàn ăn vì cơm nước đã có chị, có mẹ dọn sẵn. Ăn xong, Hoa dọn dẹp qua loa (có khi mẹ chồng phải lau chùi lại bếp nấu và chỗ rửa bát) để còn có thời gian vào mạng tán ngẫu cùng bạn bè hoặc nằm dài trên phòng xem phim.
Cuối tuần, sáng sớm là Hoa xin về bên ngoại, thực chất là muốn trốn nấu ăn, dọn nhà và cọ toilet... Có lần, mẹ chồng bảo: “Thôi tuần này con ở nhà. Hai mẹ con đi chợ rồi cả nhà ăn lẩu”, Hoa “vâng, dạ” nhưng sau đó, chẳng chào hỏi ai đi về bên ngoại luôn. Không thấy vợ, anh Thắng lo lắng gọi điện nhưng đầu kia không nghe máy. Gọi đến gần 20 cuộc không thành, sợ vợ có việc gì, anh Thắng gọi vào máy bàn cho bố mẹ vợ. Lúc đó, mẹ vợ mới báo: “Vợ con kêu mệt nên về đây ngủ rồi” nhưng thực ra, lúc đó, anh Thắng nghe rõ tiếng vợ mình đang sai đứa em gái đi mua sữa chua, đồ ăn...
Không ít lần, thấy mẹ và chị dâu bận bịu trong bếp còn vợ thì ngồi xem tivi, anh Thắng nhắc vợ xem có gì thì giúp mẹ nhưng vợ anh cau có: “Mẹ bảo không cần còn gì”. Mẹ anh Thắng vốn thương con dâu, tính chăm chỉ nên hay bảo: “Cứ để mẹ làm” hoặc “Con nghỉ đi”... thế nên vợ anh nghe theo luôn. Anh Thắng phải giải thích: “Đành rằng mẹ nói thế nhưng em vẫn nên giúp mẹ” thì vợ anh từ chối: “Em chẳng giúp được gì đâu. Vướng chân mẹ. Mẹ làm tý là xong thôi”.
Anh Thắng tuy bực mình nhưng nghĩ vợ “chân ướt chân ráo” về làm dâu nên từ từ sẽ “chỉnh”. Song, anh càng nhẫn nhịn thì vợ anh càng làm tới.
Cũng “sốc” với vợ do yêu quá nên vài tháng đã cưới là anh Quân (Hà Đông, Hà Nội). Vợ chồng anh Quân là nhân viên bình thường nhưng Hương (vợ anh) rất thích “đua” ăn chơi theo đám bạn nhà có điều kiện. Nhà Hương ở dưới quê, bố mẹ đẻ làm ruộng nuôi 2 em đang đi học, bà nội gần 80 tuổi vẫn phải ra chợ bán rau, thế mà Hương đã vay bà nội 4 chỉ vàng mua xe ga từ năm ngoái tới giờ chưa thèm trả. Anh Quân nhắc thì vợ gạt đi, bảo: “Bà già rồi, chết có mang vàng đi được đâu”, trong khi đó, Hương sẵn sàng ném gần tháng lương vào quần áo, giày dép, mỹ phẩm, ăn hàng...
Hôm trước về thăm bố mẹ vợ, thấy trời đã trở lạnh, bố mẹ vẫn chưa có đệm nằm, hai đứa em vợ đắp chung một cái chăn mỏng, anh Quân bàn với vợ mua biếu bố mẹ bộ đệm, chăn nhưng vợ anh lại bình thản: “Úi trời, bố mẹ bảo nằm đệm đau lưng lắm. Còn 2 đứa em chúng nó khỏe như trâu, biết lạnh là gì”... Anh Quân buồn vì giá vợ anh đừng chỉ biết có bản thân mình, nghĩ cho bố mẹ và các em thì chỉ cần bớt một chiếc áo, vài chiếc váy là cả nhà có đệm, có chăn mới thì tốt biết bao.
Anh Quân buồn và thất vọng vì vợ mình quá ích kỷ, cái gì cũng chỉ lo sắm cho bản thân, cho nhà chồng để lấy lòng nhà chồng, còn cha mẹ đẻ ra mình thì mặc kệ. Chán vợ nhưng anh Quân không thể nghĩ tới ly hôn vì mới cưới có vài tháng được.
Không chỉ riêng phụ nữ, đàn ông cũng có thể vấp phải hội chứng “sốc sau cưới”. Tức là khi họ phát hiện ra một nửa bên kia không tốt đẹp như mình tưởng. Từ đó, dẫn tới cảm giác thất vọng, chán nản, thậm chí là hối tiếc vì đã trót “lấy nhầm người”. Các chuyên gia cho rằng, sau cưới là giai đoạn rất khó khăn vì hai bên đang trong quá trình hòa nhập và thích ứng lẫn nhau. Nhiều cặp không phải yêu vài tháng mà yêu vài năm vẫn bị sốc sau kết hôn. Bởi vì dù yêu lâu nhưng do hai người sống ở hai mái nhà khác nhau thì những giận hờn cũng dễ thở hơn. Khi sống cùng một mái nhà, va chạm sẽ nảy sinh nhiều hơn, xung đột nhiều hơn và cảm giác chán nản, hụt hẫng cũng từ đó mà gia tăng.
Trong hoàn cảnh này, người trong cuộc thay vì buông xuôi hay ngồi đợi thì nên góp ý với nửa bên kia ngay từ đầu. Nên trao đổi thẳng thắn với đối phương một cách chân thành, nghiêm túc để nửa kia “ngấm”. Sau đó, tùy tình huống mà nhắc nhở vợ dần dần. “Vợ chồng nên đóng cửa bảo nhau”, không nên làm to chuyện hoặc mạt sát nhau trước mặt người thân trong nhà. Nhiều người vợ lười thành quen (do được bố mẹ đẻ chiều hoặc do từ trước đến nay đã quen sống có người khác chăm sóc) hoặc ích kỷ (quen chỉ nghĩ đến bản thân mình)... có thể từ từ sửa đổi nếu được chồng góp ý, chỉ bảo, phân tích đúng sai hợp tình, hợp lý.
Theo Ngọc Bình Mevabe |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|