Trở thành dâu đảm là mong muốn của tất cả chị em khi lấy chồng, tuy nhiên để có được “tiếng thơm” ấy khiến không ít chị em…kiệt sức. | |
Thứ Sáu, 27/01/2012 - 11:38
Kiệt sức vì làm “nàng dâu 9,9”
Trở thành dâu đảm là mong muốn của tất cả chị em khi lấy chồng, tuy nhiên để có được “tiếng thơm” ấy khiến không ít chị em…kiệt sức.
“Gánh nửa giang san”
Sau kỳ nghỉ tuần trăng mật, Hòa tất bật lo cơm nước cho bố mẹ chồng, cùng gia đình 4 người nhà anh trai chồng sống chung ở đó. Buổi tối, Hòa quay cuồng với việc kèm cháu lớn học bài hoặc trông nom cháu nhỏ đang tuổi chập chững.
“Mình vẫn tin có thể quán xuyến mọi thứ để làm nàng dâu đảm đang trong mắt nhà chồng. Nhưng ngoài giờ đi làm, cuộc sống xoay quanh cái bếp, rổ rau, hai đứa cháu khiến mình gần như kiệt sức” - Hòa bộc bạch.
Chẳng rơi vào cảnh đối đầu với mẹ chồng hay chị dâu như nhiều bạn bè cùng trang lứa, Hòa luôn là nàng dâu 9,9 điểm trong mắt nhà chồng. Bố mẹ chồng không phàn nàn một tiếng nào về con dâu. Chị dâu Hòa cũng rất yêu quý cô. Hai chị em hay “buôn chuyện” cơ quan, cùng xem phim Hàn Quốc, có chiếc váy mới mặc không vừa, chị dâu nhiệt tình đưa cho cô.
“Anh chị dâu bận rộn với công việc kinh doanh tối ngày. Mình thì nhàn hơn nhưng từ lúc lấy chồng, mình chưa có một ngày nghỉ trọn vẹn” - Hòa tâm sự.
Cũng từng được tiếng thơm dâu đảm nhưng sau gần 5 năm chung sống với đại gia đình chồng, Duyên xin ra ở riêng.
“Từ ngày ra ngoài ở, mình thấy cuộc sống nhẹ tênh. Chẳng bù cho ngày xưa” - Duyên kể. Hồi đầu về làm dâu, Duyên sống chung với bố mẹ chồng. Cả nhà 4 người, cơm nước, quét dọn, giặt giũ, Duyên lo được hết. Chỉ đến khi bà chị chồng ly hôn, ôm hai đứa con về sống chung, Duyên mới méo mặt.
“Ngày nào cũng phải đưa hai cháu đi học. Tối về lại lo tắm rửa cho cháu, cơm nước cho gia đình vì bà chị chồng ngày nào cũng làm việc đến 9 - 10h đêm. Ngày lễ, ngày cuối tuần, ngày giỗ Tết, cũng một tay mình lo hết. Đã thế, hai đứa cháu cứ bám riết lấy mình, tranh cãi chí chóe cũng gọi mình phân xử khiến mình bở hơi tai” - Duyên nhớ lại.
Thấy bố mẹ chồng tốt bụng, lại thương chị chồng không suôn sẻ trong hạnh phúc gia đình, Duyên càng gắng sức cáng đáng. Đến một bộ phim hay một cuốn sách, Duyên cũng không có thời gian mà xem. Khi có con nhỏ, nỗi vất vả của Duyên càng nhân lên bội phần.
Mãi sau, chồng Duyên phải đấu tranh mãi mới được ra riêng. Bây giờ, Duyên chỉ phải lo chăm sóc chồng và con mình nên cũng nhàn. Còn ở nhà chồng, bố mẹ cô đã thuê người giúp việc để lo cho hai cháu. Chỉ khổ cho Duyên, ngày xưa lo nhà chật, lại sợ người giúp việc lắm phiền toái nên một mình Duyên lúc nào cũng phải gắng sức chu toàn, chẳng dám hé răng kêu mệt hay đề xuất thuê người giúp việc. Bố mẹ chồng Duyên thấy con dâu khỏe mạnh, nhanh nhẹn nên nghĩ không sao. Ai ngờ không ngày nào là Duyên không mệt đến đứt hơi.
Để tránh gồng gánh nên chia sẻ công việc
Nếu phải sống chung với nhà chồng (nhất là với anh chị em chồng) thì nàng dâu thường phải “gồng gánh” thêm nhiều trách nhiệm. Gánh nặng hay gánh nhẹ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và sự chia sẻ, thống nhất của các thành viên trong gia đình chồng.
Để tránh quá tải, nên chia sẻ với chồng, bố mẹ và anh em bên nhà chồng để được cảm thông và trợ giúp đúng lúc. Tránh ôm đồm nhiều việc dẫn tới quá sức, suy kiệt về cả tinh thần và thể chất.
Nếu gánh nặng mới phát sinh, cần cân nhắc xem việc gì hợp sức, việc gì không. Nếu quá sức thì nên từ chối hoặc thảo luận với nhà chồng để tìm giải pháp khác (như thuê người giúp việc, được các thành viên trong nhà san sẻ...).
Nên cân bằng thời gian cho nhà chồng với công việc và thời gian cho bản thân mình. Bản thân người con dâu phải luôn khỏe mạnh, vui tươi thì mới đảm đương trách nhiệm làm dâu thảo, vợ hiền, người mẹ mẫu mực được. Còn nếu gắng gượng thì sớm muộn gì cũng mệt mỏi, chán nản hoặc dẫn tới bất ổn về tinh thần hay thể chất.
Theo Mẹ và Bé
|
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|