Tới công sở ngày đầu năm, chỉ vừa kịp chúc nhau vài câu, không ít chị em có gia đình ở cơ quan chị Hoài đã than thở cảnh gia đình nháo nhào vì nếp sinh hoạt đảo lộn. Chị Hoài (Nghĩa Tân, Hà Nội) cho biết, trong những ngày nghỉ, cậu con trai 6 tuổi theo bố mẹ về quê nội và được ông bà cho "sổ lồng", thích ăn, chơi, ngủ lúc nào cũng được. Hằng ngày, bé thường theo người lớn đi chúc Tết, ăn uống ở hết nhà này tới nhà khác, tối đến lại mải chơi với mấy anh em họ hay bạn cùng xóm nên toàn ngủ khuya.
"Mình cũng lo con khó trở lại nếp cũ khi bắt đầu phải đi học nên mấy hôm vừa rồi đã bắt con đi ngủ sớm hơn, nhưng bố cháu lại bênh, bảo cứ để con chơi nốt. Kết quả là, sáng nay gọi thế nào cu cậu cũng không chịu dậy, cuộn chặt chăn rên rỉ, mè nheo", chị Hoài kể.
Cuối cùng, chị Hoài đành gọi điện xin phép cô giáo cho con nghỉ với lý do "cháu ho nhiều vì về quê lạnh".
Nhiều bé quen nếp ăn, chơi thả phanh dịp Tết nên không thích đi học lại. Ảnh: Minh Thùy. |
Cũng rơi vào hoàn cảnh như chị Hoài, sáng nay, chị Ngọc (Thanh Trì, Hà Nội) phải vất vả lắm mới đưa được cô con gái 3 tuổi vào lớp.
"Nàng này rất thích được đi chơi, đi ăn cỗ nên mấy ngày Tết hí hửng lắm, giờ không muốn đi học lại. Mẹ đưa đi học thì nàng la khóc um xùm, y như lần đầu tiên đến trường vậy", chị Ngọc nói.
Tới trường con, chị cũng bắt gặp không ít cảnh tượng tương tự: Bố mẹ vội vàng vì không muốn đi làm muộn ngày đầu năm, con thì khóc lóc nhùng nhằng không chịu vào lớp...
Ngoài nỗi lo con chưa trở lại được nếp sinh hoạt thường ngày, không thích tới lớp, sau Tết, chị Ngọc còn cuống cuồng vì bé bị táo bón nặng. "Mình không quản được, để con ăn quá nhiều kẹo, bánh, rồi uống coca, lại lười ăn rau... nên mấy ngày liền bé không đi ngoài được, phải thụt tháo", chị nhăn mặt.
Nhà chị Thục (Mỹ Đình, Hà Nội) thì lại nháo nhác vì osin về nghỉ quá lâu chưa trở lại.
Con gái chị vừa tròn tuổi rưỡi, bình thường ở nhà với người giúp việc và có nề nếp sinh hoạt khá quy củ. Thế nhưng, từ khi bác osin về quê nghỉ, cặp vợ chồng trẻ đi đâu chúc Tết, ăn uống cũng tha con theo, rồi giờ giấc ăn ngủ của con lộn tung theo bố mẹ... Tới hôm qua vẫn chưa thấy người người giúp việc tới, gọi điện thì họ ậm ừ chẳng hẹn chính xác hôm nào ra, chị Thục mới tá hỏa nhờ người chăm con giúp.
"Sáng nay may quá có bà dì qua trông hộ để đi làm. Nhưng con bé quen hơi mấy hôm nghỉ, nên lúc mẹ đi khóc như mưa, nhất định không theo bà khiến mình cũng lấn bấn mãi. Vừa gọi điện về nhà, thấy bà dì kể, nàng cứ đi khắp nhà tìm mẹ rồi khóc, cũng chẳng chịu để bà cho ăn", chị Ngọc thở dài.
Chị cho biết, điều chị lo nhất là người giúp việc không quay trở lại, khi đó, tìm người mới đầu năm khó như mò kim đáy bể, mà công việc của hai vợ chồng đều bận, chẳng thể ở nhà giữ con.
Rút kinh nghiệm đầu năm ngoái mệt nhoài mới đưa được hai con vào nếp cũ, từ trước Tết năm nay, anh Trung (Đội Cấn, Hà Nội) đã lên kế hoạch ăn - ngủ - học cho cậu con trai lên lớp 2 và cô con gái học lớp lá.
"Mấy ngày trước Tết, ngoài thời gian giúp bố mẹ dọn và trang trí nhà, hai bé nhà mình vẫn phải ngồi vào bàn để làm bài tập cô giáo giao. 3 ngày Tết thì bọn trẻ được chơi thả phanh nhưng vẫn phải đi ngủ trước 11 giờ, trừ đêm giao thừa. Từ mùng 5 Tết trở ra thì tối nào bố hoặc mẹ cũng cùng con vừa học vừa chơi, rồi đi ngủ đúng giờ, sáng dậy sớm", anh Trung chia sẻ "bí kíp".
Chính nhờ thực hiện những cách đơn giản này mà sáng nay, mới 6h rưỡi sáng, cả hai bé nhà anh đã thức dậy tỉnh táo, ăn sáng rồi đi học đúng giờ. "Các con còn có vẻ rất hào hứng trở lại trường", anh Trung kể.
Anh cho biết, để các con vào quy củ, bản thân bố mẹ cũng phải chịu khó giữ được nếp sinh hoạt điều độ. Năm ngoái, tận dụng những ngày nghỉ, vợ chồng anh thường ngủ nướng rồi để các con được tự do thích gì làm nấy, nên cuối cùng, đến ngày đi làm, cả hai vợ chồng đều dậy muộn, các con cũng uể oải không muốn đi học.
"Người xưa vẫn quan niệm ngày đầu năm thuận lợi thì cả năm suôn sẻ, nên vợ chồng mình cũng cố gắng để làm sao ngày đầu tiên trở lại với công việc, học hành, bố mẹ và con cái đều chủ động, hứng khởi, để mọi điều thuận lợi", anh Trung nói.
Vương Linh