"Từ lúc biết Tết này được nghỉ dài ngày mình đã thấy não lòng. Đến hôm nay thì thật sự oải lắm rồi, chỉ mong được đi làm ngay thôi", cô giáo mầm non này chia sẻ.
Chị cho biết, chồng là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em, lại quê ở vùng còn mang nặng tư tưởng phong kiến nên Tết đối với nàng dâu như chị chỉ là nghĩa vụ mệt mỏi. Suốt 3 ngày Tết, sáng nào chị cũng phải dậy sớm một mình làm đủ hai mâm cỗ cúng, giao lại hai con gái cho bà nội sang ngủ cùng.
Ngày mùng 1 Tết, như luật bất thành văn, cả gia đình chị không ai rời khỏi nhà, tập trung ăn bữa sáng cùng nhau xong là sấp ngửa chuẩn bị bữa chiều để các chị gái, anh rể cùng các cháu tới chúc Tết, liên hoan. Ngày mùng 2, vợ chồng chị cùng cô con gái lớn đi xe máy hơn chục cây số tới nhà ngoại chúc Tết, rồi chị lại nhanh chóng về cho con bú, chuẩn bị bữa cơm chiều. "Nhưng đáng sợ nhất vẫn là mùng 3, vì bố chồng là con trưởng nên hôm đó các cô, chú ở xa tụ tập về đông đủ, và lại điệp khúc nấu, ăn, dọn...", chị Hậu ngao ngán.
Nhiều người vật vờ chờ xe về quê dịp Tết. Ảnh: Bá Đô. |
Cả hai con đều còn nhỏ, nhưng dù ở nhà, chị cũng chẳng có nhiều thời gian chăm sóc chúng, trong khi chồng chị chẳng giúp được việc gì vì "bận" chúc Tết, ăn nhậu hết nhà này tới nhà khác.
"Còn hôm mùng 7 lễ tạ nữa là 'thoát xác'. Từ ngày đi lấy chồng, mình sợ Tết", chị Hậu nói.
Không phải tất bật lo chuẩn bị cơm nước, phục vụ nhà chồng như chị Hậu nhưng chị Thuận (Hải Phòng) cũng thở phào khi vừa trở về Hà Nội sau chuyến "chạy sô" Tết hết quê chồng tới quê vợ.
Nhà chồng ở Hà Tĩnh, ngay từ 28 âm, khi vừa tan làm buổi cuối, vợ chồng chị và cô con gái vừa tròn một tuổi phải bắt xe vượt hơn 400km về quê. Vốn say xe, quãng đường xa cộng với tâm lý không mấy thoải mái khiến chị Thuận nôn dọc đường, người mệt phờ. Dù vậy, vừa đặt chân tới nhà, chỉ kịp ngồi nghỉ vài phút, chị lại phải làm mặt tươi tỉnh đáp lễ, mời nước, phát quà khi anh chị em chồng, hàng xóm tới chơi, thăm hỏi. Sau đó, chị cũng phải thực hiện vai trò dâu đảm: rửa lá, gói bánh, giã giò... cùng mẹ chồng.
"Thực ra mình cũng chỉ lăng xăng bên cạnh chứ chẳng phải làm gì nhiều, nhưng vẫn thấy mệt. Sợ nhất là về quê điều kiện sơ sài, trời rét như cắt mà nhà thì thông thốc gió, nước thì lạnh ngắt mà suốt ngày hết rửa rau tới rửa bát, giặt đồ...", chị Thuận kể.
Sau 3 ngày ở tất bật đi thăm hỏi anh em họ hàng nhà chồng, gia đình nhỏ của chị lại đón xe về nhà vợ ở Hải Phòng. Điệp khúc ăn uống, đi chúc Tết họ hàng gần xa tiếp tục lặp lại.
"Chiều tối qua về tới nhà ở Hà Nội, dù mệt nhưng mình thấy nhẹ cả người. Nhưng khổn nỗi là con bé con sau khi bị 'khuân' đi khắp nơi thì quay ra ốm rồi. Mình quyết sang năm phải làm cuộc 'cách mạng' chứ cứ thế này thì chống sao nổi. Mỗi lần đi đi lại lại như vậy vừa ốm người, mà vừa tốn kém lắm, không những tiền tàu xe, còn quà cáp, tiết kiệm bao giờ cho lại", chị Thuận bộc bạch.
Chị Hòa (Tây Hồ, Hà Nội) lại sợ Tết vì một lý do khác. Nhà chuyên mổ và bán thịt gia cầm ở chợ, ngày thường, chồng chị rất chăm chỉ phụ vợ, nhưng cứ dịp nghỉ Tết là anh theo bạn bè tụ tập đánh bạc, có năm còn phải cắm cả xe máy. Năm nay, tình trạng lại tái diễn.
"Đã biết trước như thế nhưng chẳng làm sao ngăn nổi. Vợ nói nhẹ có, dọa dẫm có, nhưng cứ bạn bè rủ là chồng lỏn đi lúc nào không biết. Hôm tiệc tất niên, mình phải nhờ chú em chồng gạ cho anh ấy uống say nằm nhà để khỏi đi đâu, nhưng cuối cùng vẫn mất tăm, cả người cả tiền", chị Hòa kể.
Chị Hòa còn ngán Tết vì cứ dịp này chồng thì bỏ đi chơi, người giúp việc đã về quê, chị xoay như chong chóng với 3 đứa con nhỏ. Ngày thường, cháu lớn đi học, hai em nhỏ tới mẫu giáo, bố đảm trách việc đưa đón, mẹ chỉ cần tắm, cho ăn. Ngày Tết, 3 đứa được nghỉ lúc thì đùa nghịch, khi lại trêu, đánh nhau ầm ĩ, nếp ăn, nếp ngủ cũng lung tung.
"Mình chỉ mong nhanh đến ngày bọn trẻ đi học, nhịp buôn bán trở lại bình thường, sinh hoạt gia đình về nếp cũ, nếu không stress đến phát điên mất", chị bộc bạch.
Vương Linh