Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
Những phụ nữ không muốn sinh con
Kết hôn gần 2 năm, mỗi lần bị gia đình hai bên giục giã chuyện con cái, Nhật lại lơ đi. Cô chưa dám nói với mọi người rằng mình không thích trẻ con và chẳng có ý định sinh em bé.
Những phụ nữ không muốn sinh con
Ảnh: Vi.sualize.us.
Nhiều người muốn sống trọn vẹn cho bản thân và cống hiến cho xã hội nên ngại sinh con. Ảnh minh họa: Vi.sualize.us.
Kết hôn gần 2 năm, mỗi lần bị gia đình hai bên giục giã chuyện con cái, Nhật lại lơ đi. Cô chưa dám nói với mọi người rằng mình không thích trẻ con và chẳng có ý định sinh em bé.

"Ông xã chỉ nghĩ rằng cả hai vợ chồng đều còn trẻ, hoãn lại vài năm để tận hưởng cuộc sống tự do và lo cho sự nghiệp, chứ không biết mình có ý định này. Mình rất yêu chồng và chỉ lo anh ấy sẽ không chấp nhận", cô nhân viên ngân hàng 27 tuổi ở Hà Nội chia sẻ.

Nhật cho biết, bản thân cô cũng không biết ý tưởng này có trong đầu mình từ bao giờ, chỉ biết là cô chưa khi nào thích trẻ con và rất sợ tiếng bọn chúng khóc. Cô cũng hoang mang khi nghĩ tới chuyện sinh con ra phải nuôi dạy bé thế nào, bảo vệ con ra sao trong xã hội phức tạp, rồi con sẽ tủi thân thế nào nếu mẹ không dành nhiều tình cảm cho nó.

"Khoảng thời gian qua vợ chồng mình đã sống rất hạnh phúc, dành trọn vẹn sự quan tâm cho nhau. Bao cặp khác có con rồi mà vẫn tranh cãi, làm cho nhau đau khổ rồi chia tay đấy thôi", Nhật phản bác khi có người nói khó giữ gia đình nếu không sinh con.

Xinh đẹp, tháo vát, khá thành đạt trong công việc, chị Kiều, 30 tuổi (phó giám đốc một công ty tổ chức sự kiện ở Hà Nội) được nhiều chàng trai săn đón nhưng vẫn đi về lẻ bóng vì không ai chấp nhận ý định không sinh con của chị.

"Trong số họ, người thì cho là tôi ích kỷ nên tự rút lui, người lại nghĩ tôi chỉ nói chơi để thử lòng hoặc cho đây là ý thích nhất thời và cố thuyết phục rằng sau này tôi sẽ thay đổi. Không ai hiểu và ủng hộ cách sống của tôi", chị Kiều kể.

Hiện tại, chị vẫn sống chung với mẹ và các em. Chị không ghét trẻ con, thậm chí còn thích chơi, nựng nịu tụi trẻ và rất sốt sắng mỗi khi các cháu của mình bị bệnh. "Tôi không muốn sinh vì rất sợ nhìn thấy cảnh các con mình gặp tai nạn, bị bệnh hoặc trở thành người xấu... Tôi cũng không tự tin mình sẽ là người mẹ tốt. Sau này thích tôi có thể nhận một đứa con nuôi hoặc tham gia các hoạt động từ thiện cho trẻ em", chị bày tỏ.

Chị cho biết, chị sẽ không lấy chồng nếu không gặp được người đàn ông chấp nhận cách sống này của mình.

Cũng từng day dứt khi có suy nghĩ "khác người" như Kiều, Nhật, nhưng may mắn hơn, chị Quỳnh (Tây Hồ, Hà Nội) gặp được một người đàn ông có cùng quan điểm sống.

Chị Quỳnh cho biết, ý định không làm mẹ bắt đầu xuất hiện trong đầu chị sau mấy năm sống và làm việc ở châu Âu. "Đơn giản là mình muốn có nhiều thời gian để sống cho chính mình và cống hiến cho cộng đồng, sự nghiệp, hơn là lu bu với việc sinh, chăm sóc con và bon chen trong xã hội để lo cho bọn trẻ đi học, thành tài. Mình không muốn phải cố sinh con chỉ để 'báo hiếu' với bố mẹ hai bên hay có người chăm lo lúc về già hoặc để tránh bị mọi người chê trách", chị giải thích.

Dù vậy, khi yêu và mới kết hôn, chị không dám chia sẻ tâm tư này với "nửa kia" vì sợ sẽ vấp phải sự phản đối của anh. Không ngờ, chính ông xã lại là người mở lời, nói về mong muốn vợ chồng sẽ chia sẻ cuộc sống cả đời với nhau mà không cần tiếng khóc, cười trẻ thơ trong nhà.

"Cho dù sau này tình cảm vợ chồng không được như giờ nữa, mình cũng sẽ không ân hận vì quyết định này", chị Quỳnh quả quyết.

Theo nhà tâm lý Thanh Hà, Trung tâm tham vấn tâm lý Hoàng Nhân (Đống Đa, Hà Nội) thực tế, không ít phụ nữ không muốn sinh con, cả trước, sau khi kết hôn lẫn khi đã "đẻ cho xong chuyện".

Ngoài những lý do thường thấy như sợ sinh con sẽ gặp nguy hiểm vì bản thân có bệnh (tim mạch, nhiễm phóng xạ hoặc người chồng mắc bệnh, bạo hành, vô trách nhiệm) thì một số phụ nữ lại do mê tín, bị ám ảnh hoặc cả tin theo lời thầy bói hay một lời truyền, đồn trong dòng họ rằng sinh con sẽ xung khắc, chết hoặc không hợp... Có những chị em có ý định này vì mang nỗi sợ vô thức bên trong, bắt nguồn từ một sang chấn tâm lý sâu kín nào đó từ tuổi thơ dẫn đến sợ tiếng khóc, sợ sinh con gái...

Ngoài ra, tâm lý này còn thấy ở một số bạn trẻ thích tự do cá nhân, không muốn ràng buộc với ai, sợ gánh trách nhiệm. Cuộc sống đô thị hóa và giáo dục chuyên biệt là môi trường thuận lợi thúc đẩy hiện tượng này.

Ông Hà cho rằng, người Á đông nói chung đều quan niệm sinh con vừa là thiên chức tự nhiên vừa là trách nhiệm của người trưởng thành. Điều đó càng quan trọng khi tinh thần tam giáo tạo ra nhu cầu nối dõi, duy trì sức mạnh... của dòng họ. Vì thế, rất ít người chấp nhận chuyện không sinh con, và những người mang tâm lý này dễ vấp phải sự phản đối, chỉ trích từ những mọi người xung quanh và trong chính gia đình mình.

"Tốt nhất, nếu bạn không muốn làm mẹ, thì nên chia sẻ với 'nửa kia' từ trước khi kết hôn bởi nếu không được sự ủng hộ của bạn đời về điều này thì hôn nhân khó bền vững", ông Hà nói.

Tuy nhiên, theo ông, trong trường hợp người phụ nữ có tâm bệnh, ám ảnh vô thức hoặc mê tín - tức bản thân họ không làm chủ được vấn đề của mình thì cần sự thấu hiểu và chia sẻ sâu sắc từ chồng, người thân, giúp họ được tham vấn chuyên gia để có cách trị liệu phù hợp.

Cá nhân ông cho rằng không sinh con có thể ảnh hưởng tới việc duy trì một gia đình hạnh phúc vì con cái thường là sợi dây kết nối để phát triển tình yêu và trách nhiệm trong mỗi người. Dù vậy, nếu đây là sự lựa chọn mang tính chủ động, thì cũng cần tôn trọng, vì đó là quyền con người. "Chỉ mong sao điều này được sự thấu hiểu, chấp nhận của người bạn đời", ông bày tỏ.

Ông cũng lưu ý, ở mỗi giai đoạn và hoàn cảnh khác nhau, con người lại có những nhu cầu mới. Vì thế, với những việc quan trọng, họ cần thời gian suy ngẫm, trải nghiệm... thật kỹ trước khi đưa ra quyết định.

Về điều này, nhà nghiên cứu xã hội, thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh, khoa xã hội học, Học viện Báo chí truyền thông (Hà Nội) cho rằng, quan niệm từ xưa đến nay coi việc nam nữ đến tuổi thì lập gia đình rồi sinh con là đương nhiên thể hiện định kiến xã hội.

Mọi người sinh ra, lớn lên và được dạy dỗ theo khuôn mẫu sẵn có này nên đều coi đây là chuyện tất yếu. Trước đây phụ nữ vô sinh còn bị coi là mắc tội lớn, bị đuổi ra khỏi nhà chồng. Trong khi thực tế, giá trị của người phụ nữ không xác định thông qua chức năng sinh sản.

Theo bà, có con hay không là lựa chọn của cá nhân, và cần được sự tôn trọng của mọi người. Mong muốn sinh con là quyền của bố mẹ nhưng cũng phải đi liền với nghĩa vụ, xem trẻ ra đời sẽ được hưởng gì, và cần tính đến các yếu tố ảnh hưởng tới cả bố mẹ và con như sức khỏe, kinh tế, mối quan hệ giữa vợ chồng...

Vương Linh

* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi


Tin đã cập nhật trước đó
   Đôi khi...
Vậy là nó đã quyết định nghỉ việc, theo chồng về nơi ở mới để tránh cảnh chồng một nơi,...

   Mùi nước mắm của mẹ
Hạ rất xinh. Từ nhỏ, ai thấy nó cũng hỏi sao nó khác mẹ thế. Mẹ nó vừa đen, vừa...

   Quý ông trốn vợ lập...
Chán cảnh mỗi lần đi đâu làm gì cũng phải ngửa tay xin vợ từng đồng, anh Toàn quyết định...

   Muôn hình vạn dạng những...
Trong gia đình người đàn ông luôn đóng vai trò “trụ cột”. Tuy nhiên không phải bất kì người đàn...

   Vì chồng em phải bán...
Cúc choàng tỉnh, khi ấy quá nửa đêm. Chiếc đèn ngủ phản chiếu những ánh sáng ma quái tỏa khắp...

   Chạnh lòng dâu sống chung
Thấy bố chồng khen em dâu hiếu thảo vì mua biếu thùng bia, Mai chạnh lòng. Cùng cảnh làm dâu...

   Lênh đênh
Cúc choàng tỉnh, khi ấy quá nửa đêm. Chiếc đèn ngủ phản chiếu những ánh sáng ma quái tỏa khắp...


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top