Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
Những cô dâu “gãy cổ” ... vì vàng
Xung quanh những món quà “nặng ký” này, có biết bao chuyện cười ra nước mắt.
Chủ Nhật, 04/03/2012 - 09:27

Những cô dâu “gãy cổ” ... vì vàng
Xung quanh những món quà “nặng ký” này, có biết bao chuyện cười ra nước mắt.
 
Hình chỉ có tính chất minh họa.
 
Tặng vàng cưới làm của hồi môn cho con dâu, nhưng khi đôi trẻ “cơm không lành, canh không ngọt” không ít bà mẹ chồng lại lên tiếng đòi lại vàng cưới đã cho. Thậm chí vì vàng cưới, mẹ chồng nàng dâu còn lôi nhau ra tòa.

 

Câu chuyện của Nguyễn Đặng Xuân T. (SN 1993, ở phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) bị nhà chồng trả về nhà mẹ đẻ vì cho rằng cô không còn trinh tiết xôn xao dư luận gần đây khiến ta cười ra nước mắt. Gia đình chú rể không những “trả” lại con dâu cho nhà gái mà còn nhờ tòa án can thiệp để “lấy lại tiền cưới và vàng vòng đã tặng cô dâu”.

 

Ông Nguyễn Hoàng Năm - Bố chồng chị T - cho biết, ông đã có tờ tường trình gửi Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, viết rõ: “…Đêm tân hôn chú rể phát hiện cô dâu không còn trinh tiết và chúng tôi đã thông báo cho gia đình nhà gái (…) Việc tôi cưới lầm cô dâu vì tin tưởng chỗ bạn bè. Tôi xin đề nghị Tòa án giải quyết cho tôi lấy lại tiền cưới và vàng vòng đã tặng cô dâu”.

 

Trong khi đó, đơn của cô dâu lại viết: “Lúc đám cưới cha mẹ chồng cho tôi 3,6 lượng vàng 24k và một chiếc xe máy Attila nhưng sau đám cưới thì mẹ chồng tôi yêu cầu gửi lại vàng vòng bà giữ dùm và tôi đã gửi theo yêu cầu bà. Nay tôi viết đơn gửi cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm quan hệ vợ chồng với anh Duy và yêu cầu mẹ anh Duy hoàn trả lại số nữ trang mà tôi đã gửi bà…”.

 

Một vụ ly hôn khác ở Bình Dương cũng khiến tòa phải lắc đầu ngao ngán khi hai bên thông gia nhùng nhằng đòi lại vàng cưới. Đó và vụ ly hôn của anh D. và chị H. Sau nhiều lần bị người chồng vũ phu đánh đập, chị H. quyết định đệ đơn ly hôn với chồng.

 

Từ đây phát sinh mâu thuẫn mới không phải giữa hai vợ chồng, mà chuyển sang hai bên sui gia với nhau. Họ yêu cầu lấy lại phần tiền, vàng đã cho cô dâu trong ngày cưới; yêu cầu vàng chia đôi hoặc của ai cho thì người đó lấy lại...

 

Số vàng họ hàng hai bên cho chị H. và anh D. trong ngày cưới tổng cộng khoảng 2 cây, cùng vài triệu tiền mặt. Sau đám cưới, số vàng trên đã được trích ra đem bán để trả tiền tiệc cưới còn thiếu, số còn lại hai người sử dụng làm vốn buôn bán nhỏ và ăn dần vào vốn dẫn đến việc chị H. phải đi làm xí nghiệp. Thế nhưng, cha mẹ chồng vẫn không chịu hiểu mà nhất định lấy lại số vàng đã cho trước đó.

 

Phía mẹ vợ cũng không chịu thua khi yêu cầu sau khi ly hôn, anh D. phải có nghĩa vụ trả lại số tiền mà bà đã cho mượn làm ăn trước đó. Anh D. không đồng ý vì đó là số tiền bà hứa cho con gái mượn làm ăn, giờ thua lỗ lại quay sang đòi con rể. Dù chuẩn bị ly hôn nhưng anh D. và chị H. đều rối bời khi gia đình hai bên nhất định thưa kiện để lấy lại tiền, vàng đã cho con trong ngày cưới.

 

Mẹ chồng chị H. nhất định không trả, còn phía chị sui thì nhất quyết đòi cho bằng được, bất chấp lời khuyên can, hòa giải của tòa án.

 

Cưới xong bán đi trả nợ

 

Để đẹp mặt họ hàng, nhiều bà mẹ chồng tặng vàng cho con dâu vào ngày cưới nhưng cưới xong vội đòi lại. Chuyện cho vàng rồi đòi lại đã không còn là chuyện hiếm, đặc biệt trong thời điểm “giá vàng đang lên” này.

 

Chị H. Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) kể: “Ngày cưới mẹ chồng mình tặng cho một đôi khuyên tai 3 chỉ, một vòng kiềng 3 chỉ, một nhẫn 1 chỉ và một lắc 2 chỉ. Ai cũng bảo số mình sướng, có được bà mẹ chồng hào phóng. Vừa làm lễ xong, mẹ chồng bảo “con đang mặc đồ cô dâu, để mẹ cất hộ cho”. Thế là mẹ chồng cầm luôn, mình cũng không dám ho he nửa lời. Một tuần sau mẹ chồng bảo, đám cưới của các con nợ gần 50 triệu, mẹ bán vàng đi trả nợ rồi. Mình còn chưa kịp nhìn lại mặt mũi mấy món đồ đó ra làm sao”.

 

“Cô bạn mình còn gặp trường hợp trái khoáy hơn. Ngày cưới nàng ta được mẹ chồng tặng gần 10 cây vàng, nào nhẫn, vòng kiềng, khuyên tai, lắc tay đủ cả. Hai vợ chồng mừng rơn tưởng sẽ có vốn để làm ăn. Ngay sáng hôm sau mẹ chồng đã chìa tay ra hỏi “vàng đâu con, mẹ mượn chị con đấy, mang đi trả để chị con còn bán”. Hóa ra nhà chị chồng bán vàng, mẹ chồng mượn cho con dâu đeo trong ngày cưới để lấy mặt với họ hàng. Nàng ta tủi thân ứa nước mắt mà không nói được gì”, chị Hà kể thêm.

 

Cũng chung cảnh “tặng xong bị đòi lại” như chị Hà, chị N. Thủy (Khu đô thị Mỹ Đình) chua xót kể: “Ngày mình đi lấy chồng, bố mẹ đẻ cho 1 kiềng 2 cây, 2 lắc tay 1.5 cây, 2 nhẫn vàng. Mẹ chồng cho 1 dây chuyền vàng nghe đâu 4 chỉ. Ngay đêm tân hôn chưa kịp động phòng mẹ chồng đã gõ cửa vào hỏi vàng đâu để mẹ cất cho, phòng con không có két sắt. Nghe kể nhiều về chuyện mẹ chồng giữ vàng cho là không đòi lại được mình mới bạo gan bảo mai con mang đi bán lấy tiền gửi tiết kiệm để sau này sinh con rồi dùng. Bà tỏ ý khó chịu nhưng cũng không hỏi nữa.

 

Dạo gần đây chồng mình làm ăn thua lỗ, về hỏi vay bố mẹ chồng. Mẹ chồng bảo nợ bao nhiêu để mẹ giúp. Chồng mình mừng rơn tưởng mẹ ứng tạm tiền cho vay, ai dè mẹ bảo về bảo vợ mày mang vàng ra đây mẹ bán giúp cho. Giúp thế thì mình cũng tự làm được”.

 

Thế mới có chuyện “mẹ chồng nàng dâu”

 

Chuyện cho vàng rồi đòi lại không chỉ khiến “người trong cuộc” ấm ức mà còn làm mất đi hình ảnh mẹ chồng trong mắt nàng dâu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cảnh “hục hoặc” mẹ chồng nàng dâu trong nhiều gia đình.

 

Chị H. Hà (Hoàng Mai) ấm ức: “Cho tượng trưng xong đòi lại thì thà không cho còn hơn. Nói thì bảo bất hiếu nhưng mẹ chồng làm thế khiến mình cảm thấy kinh kinh. Mẹ chồng đã không khiến mình tôn trọng ngay từ đầu thì sau này kiểu gì cũng có lúc hục hặc”.

 

Không được đeo vàng lủng lẳng trong ngày cưới, nhưng cô dâu cho rằng đó cũng là điều tốt để tránh va chạm với mẹ chồng sau này.

 

“Nghĩ lại ngày cưới mình vẫn tủi. Bố mẹ chồng không cho một xu một cắc. Hai vợ chồng tự tích cóp mua nhẫn cưới rồi thuê nhà ở, tự mua tất cả đồ đạc không thiếu thứ gì. Mình thấy như thế cũng tốt, dù không được cho thứ gì nhưng hai vợ chồng vẫn sống một cách đầy đủ, thậm chí là thoải mái.

 

Bây giờ mình muốn làm gì, mua gì không phải xin phép bố mẹ chồng. Mình tự làm ra thì mình dùng thôi, bố mẹ có cho được đồng nào đâu mà quản lý. Đỡ bị phụ thuộc”, chị Quỳnh Trang (Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy) chia sẻ.

 

Bạn nghĩ gì về phong tục trao hàng chục cây vàng trong đám cưới của một số người dân Việt Nam? Đó là sự khoe mẽ hay là phong tục đáng trân trọng?

 

Theo VietNamNet


Tin đã cập nhật trước đó
   Hôn nhân không sex
Mỗi lần nhớ tới lời đay nghiến của chồng "mày vừa ngủ với thằng nào" là cơ thể chị Nhung...

   Hoa cải cuối mùa
Năm nó học cấp hai, người ấy vào cấp ba, thì nhà họ chuyển về Hà Nội do bác trai...

   Sai lầm thường gặp của...
Xây dựng một mối quan hệ tốt với mẹ chồng thực sự không phải dễ. Nhưng nếu bạn thực sự...

   Những phụ nữ không muốn...
Kết hôn gần 2 năm, mỗi lần bị gia đình hai bên giục giã chuyện con cái, Nhật lại lơ...

   Đôi khi...
Vậy là nó đã quyết định nghỉ việc, theo chồng về nơi ở mới để tránh cảnh chồng một nơi,...

   Mùi nước mắm của mẹ
Hạ rất xinh. Từ nhỏ, ai thấy nó cũng hỏi sao nó khác mẹ thế. Mẹ nó vừa đen, vừa...

   Quý ông trốn vợ lập...
Chán cảnh mỗi lần đi đâu làm gì cũng phải ngửa tay xin vợ từng đồng, anh Toàn quyết định...


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top