Tại buổi trao đổi với báo chí ngày 16/3, Tổng cục Dân số đưa ra số liệu thống kê cho thấy, chỉ riêng trong tháng 1/2012, số trẻ sinh ra đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hơn 8.000 trường hợp là con thứ 3, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) thì rõ ràng vì năm nay là năm rồng nên đã có tình trạng tăng sinh. Đây thực sự là một vấn đề rất đáng báo động.
Năm rồng không phải là năm đặc biệt với người Việt. Ảnh minh hoạ: N.P. |
Trong khi thực tế thì tất cả các năm Thìn trước đây đều không có sự tăng sinh đột biến. Lấy một ví dụ, những người sinh năm 1963 còn sống cho đến ngày 1/4/2009 là 1.161.000, những người sinh năm 1964 (Giáp Thìn) là 1.181.000 và những người sinh năm 1965 là 1.228.000. Như vậy năm Giáp Thìn mức sinh vẫn nằm trong phạm vi cho phép, tương tự với các năm Mậu Thìn (1988), Canh Thìn (2000)….
“Vậy thì tại sao tỷ suất sinh trong năm nay lại tăng cao hơn? Theo tôi chính là do chúng ta chịu ảnh hưởng tâm lý đám đông của các nước và vùng lãnh thổ xung quanh có nền văn hoá tương tự như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản...”, ông Trọng nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông, tình trạng ở những nước này khác với Việt Nam. Đây đều là những nước có tỷ suất sinh rất thấp, họ cần làm mọi cách để khuyến sinh. Vì thế, nhân năm rồng, họ ra sức ca tụng nó để người dân đẻ nhiều hơn. Và như thế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi tâm lý này, cũng tìm mọi cách “săn rồng”, đặc biệt là “rồng đực”.
“Vậy có nên sinh vào năm rồng không? Người Việt từ xưa không hăng hái sinh con vào năm rồng. Tôi chả thấy năm rồng có ưu điểm gì đặc biệt. Và năm nay cũng cũng giống như tất cả các năm khác, cũng có những người thành đạt, cũng có người không thành đạt”, ông Trọng cho biết.
Thực tế, theo tìm hiểu của ông thì tỷ trọng những người sinh năm rồng giữ vị trí lãnh đạo tại nước ta gần như thấp nhất.
Theo lý thuyết một năm có 12 con giáp thì tỷ lệ phải là 8,3%. Thế nhưng, trong số 200 đồng chí Ủy viên Trung ương hiện này thì chỉ có 9 người sinh năm Thìn, chiếm 4,5%, rất thấp so với lý thuyết.
Các vĩ nhân của Việt Nam cũng không thấy có ai sinh năm rồng như Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh năm Canh Dần, Đại thi hào Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh năm Tân Hợi, nghệ sĩ piano nổi tiếng Đặng Thái Sơn sinh năm Mậu Tuất…
Khác với các giai đoạn trước, Việt Nam cố gắng hết sức để giảm sinh thì nay mức sinh đã có sự khác biệt lớn giữa các vùng.
Như tại TP HCM, theo tổng điều tra dân số 2009, tổng tỷ suất sinh là 1,45 con trên một phụ nữ, thế nhưng hiện chỉ còn 1,3 con. Trong khi một loạt các tỉnh miền núi phía Bắc con số này là trên dưới 3 con.
“Nếu TP HCM là một quốc gia riêng biệt thì đã bắt đầu phải có chính sách khuyến sinh. Lý do là vì rất nhiều nước thành công trong việc giảm sinh thế nhưng chưa có nước nào thành công trong việc nâng mức sinh”, ông Trọng nói.
Như Nhật Bản quy mô dân số hiện là 117 triệu dân, các chuyên gia dự báo đến năm 2110 dân số nước này chỉ còn 42 triệu. "Điều đó thực sự là một thảm hoạ, vì chủ yếu có nguời già, người cao tuổi, lấy ai ra để lao động", ông Trọng cho biết.
Hay như Trung Quốc, trước thực hiện chính sách 1 con, thì nay đã nới lỏng ra 1,5 con. Tại đất nước này mô hình gia đình hiện là 4:2:1 tức là 4 ông bà nội ngoại hai bên, 2 bố mẹ và một đứa cháu. Theo ông Trọng, hiện tại thì chưa có vấn đề gì nhưng 20 năm nữa công thức này sẽ ngược lại thành 1:2:4, 1 người phải chăm sóc cho tất cả 6 người.
Cũng vì thế, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đề ra nhiệm vụ cụ thể, tỉnh nào chưa đạt được mức sinh thay thế thì vẫn tiếp tục giảm sinh, tỉnh nào đã đạt thì cố gắng duy trì ở mức 1,8-2 con trong 10 năm tới, đặc biệt là không để giảm quá mức. Chiến lược cũng đặt mục tiêu trong 15 năm nữa bằng mọi giá phải đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức bình thường là 105-106 bé trai/100 bé gái…
Nam Phương