“6h tối đón vợ ở chỗ làm, tôi toàn bị vợ “lừa” vào hàng phở bò, miến ngan, bánh đa cua. Đói thì ăn thêm bánh mỳ, hoa quả, sữa... chứ vợ tôi than mệt, nhất định không chịu nấu cơm tối” - anh Tiến than thở. | |
Thứ Hai, 19/03/2012 - 09:18
Khi vợ ngại vào bếp
“6h tối đón vợ ở chỗ làm, tôi toàn bị vợ “lừa” vào hàng phở bò, miến ngan, bánh đa cua. Đói thì ăn thêm bánh mỳ, hoa quả, sữa... chứ vợ tôi than mệt, nhất định không chịu nấu cơm tối” - anh Tiến than thở.
Anh Tiến kể, tính anh vốn xuề xòa, dễ dãi trong chuyện ăn uống. Vợ anh vốn ngại chuyện cơm nước, lại được ở riêng, chưa có con cái nên càng mê hàng quán hơn cơm nhà. Bữa sáng, hai vợ chồng thỏa thuận ăn ở ngoài vì vợ anh không có thời gian nổi lửa. Bữa trưa, anh Tiến “lao” vào cơm văn phòng, đến bữa tối, anh cũng bị vợ “dụ” vào quán nốt. Chưa kể, cuối tuần hay ngày nghỉ, không bị vợ “gạ” ăn hàng thì anh Tiến cũng bị vợ đòi về ngoại. Đã từ lâu, nhà anh Tiến chưa phải thay bình gas nào vì vợ anh có nấu gì đâu mà dùng tới... gas.
“Biết vợ bận bịu công việc nên chểnh mảng chuyện cơm nước nhưng cứ thế này thì bao giờ mới có được bữa cơm nhà?” - anh Tiến chán nản nói.
Có vợ lười bếp núc nên anh Phong (Hà Đông, Hà Nội) đang bị “kẹt” giữa vợ và mẹ. Mang tiếng ngày nào cũng nấu cơm cho chồng nhưng bữa nào, vợ anh Phong cũng chỉ cắm cơm, còn rau, thịt thì cho tất cả vào nồi lẩu, ăn đến đâu gắp đến đó, rất tiện lợi... Vài lần, mẹ anh Phong ghé qua phát hiện ra “âm mưu” lười của con dâu nên không vừa ý. Sáng hôm sau, từ sớm, mẹ anh đã qua, gõ cửa: “Hôm này ăn cá kho. Cá và các loại gia vị mẹ đã mua sẵn cả đây, chiều vợ con về thì bảo vợ con nấu cho mà ăn”... Từ đó, mẹ chồng đều lên sẵn thực đơn và đi chợ giúp vợ chồng anh Phong. Thậm chí, nhiều buổi chiều, mẹ chồng đều qua xem con dâu có nấu đúng món yêu cầu không.
Vợ anh Phong không thích điều này nên khó chịu với mẹ chồng. Chỉ khổ cho anh Phong, bị “mắc kẹt” giữa hai người phụ nữ mà không biết phải làm sao.
Duy trì bữa cơm gia đình là một yếu tố để gắn kết hạnh phúc. Nhiều cặp vợ chồng son, bận kiếm tiền, chưa có con cái, lại được ở riêng thì người vợ dễ lơ là chuyện cơm nước, hoặc chỉ qua loa bếp núc lấy lệ... Một vài bữa thì dễ thông cảm, còn ngày nào cũng vậy thì ngay cả một anh chồng dễ tính nhất cũng thấy phiền lòng.
Đừng bao giờ nghĩ chuyện ăn uống không quan trọng hoặc có sao cũng được. Nếu sống độc thân thì mỗi người có thể tự ăn uống tùy thích, ăn hàng quán hoặc đơn giản hóa những bữa cơm. Còn một khi đã lập gia đình thì người phụ nữ bao giờ cũng được biết tới với vai trò “xây tổ ấm”, bếp núc và nội trợ. Nếu xem nhẹ điều này, tức là người vợ đang tự biến tổ ấm trong nhà thành tổ lạnh, thậm chí tạo nên thói quen xấu, vợ lười thì chồng cũng lười. Sau này, người vợ có tích cực bếp núc thì cũng khó có được sự trợ giúp của chồng vì người chồng đã quen ăn hàng...
Nếu quá bận thì vợ chồng có thể thu xếp để duy trì một bữa trong ngày ở nhà, có thể là bữa sáng hoặc bữa tối. Những ngày cuối tuần, ngày nghỉ thì có thời gian để đổi sang những món cầu kỳ hơn.
Theo Ngọc Bình Mevabe |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|