"Sống là một quá trình dài học tập, rèn luyện, thử thách và dâng hiến. Đời sống không đòi ta trả ơn, nhưng đã được làm người, được sống khỏe mạnh, thì phải biết ơn đời. Cho đi, chính là trả cái ơn đó." Quốc Bảo nói. | |
Thứ Bẩy, 24/03/2012 - 05:58
Quốc Bảo: Đời không bắt ta trả ơn nhưng ta phải biết ơn đời
(Dân trí) - "Sống là một quá trình dài học tập, rèn luyện, thử thách và dâng hiến. Đời sống không đòi ta trả ơn, nhưng đã được làm người, được sống khỏe mạnh, thì phải biết ơn đời. Cho đi, chính là trả cái ơn đó." Quốc Bảo nói.
“Bài hát anh viết trong lúc có cảm xúc, tới hôm nay đã quên mất lời. Nghe lại sao mà thấy hay và mới lạ ghê”, Quốc Bảo đùa khi nói về bài hát của mình. Phòng thu bừa bộn và một Quốc Bảo nói cười điềm đạm, ngồi ở giữa phòng với những bản nhạc đang thu dở. Sau khung kính là Hà Hồ đang phiêu bồng với âm nhạc, thỉnh thoảng nói vọng ra sau khi thu âm những đoạn hát. Buổi chiều nắng chang chang, gặp lại người viết tình ca có một điều đặc biệt. Bởi trong những giờ bận rộn thế này, ở Quốc Bảo luôn toát ra cái tinh tường của một người quen trong âm nhạc. Cười thì hiền, nói ngắn gọn và luôn biết pha trò, Quốc Bảo lúc nào cũng trung dung, một phong thái của người thấu thị hơn nửa cuộc đời. Câu chuyện bắt đầu khi Quốc Bảo bắt đầu trải lòng nhiều hơn, về cuộc đời và một dự án âm nhạc đặc biệt sắp ra mắt.
Cho đi là nhận lại Vừa tham gia làm giám khảo cho một cuộc thi lớn, một cây bút nổi tiếng và là một nhạc sỹ, Quốc Bảo bận rộn của ngày hôm nay có đủ thời gian dành cho bản thân và những cảm xúc hay không? Một ngày chỉ có 24 tiếng, dành cho việc thì phải cắt bớt giờ riêng của mình. Nhưng tôi thuộc loại nghiện việc, rất sợ rảnh rỗi. Tôi cảm thấy cuộc sống đáng yêu, tâm hồn nhẹ nhõm khi làm việc. Có lẽ vì những lúc rảnh rỗi, tôi chăm lo cho gia đình, cho người yêu. Và chăm sóc cho những thú vui nho nhỏ: đọc, chụp ảnh, sưu tập bút máy. Ở tuổi này, chắc hẳn Quốc Bảo cũng có những phút thấy tiếc nuối thời gian? Biết thế nào mà tiếc? Những gì cần làm cho đời mình, tôi đã làm tạm đủ. Còn một vài việc sẽ sắp xếp để làm cho trọn vẹn. (Cười). Sống là một quá trình dài học tập, rèn luyện, thử thách và dâng hiến. Đời sống không đòi ta trả ơn, nhưng đã được làm người, được sống khỏe mạnh, thì phải biết ơn đời. Cho đi, chính là trả cái ơn đó. Có người nói: “Cho đi là nhận lại”. Dâng hiến sức lực, tim óc cho xã hội, chính là trả cái ơn đó. Ta nhận lại sự thanh thản. Tôi nghĩ nghề sáng tạo ra âm nhạc khiến Quốc Bảo phần nào có sự thanh thản đó! Như mọi nghề khác, nghề nhạc cũng đóng góp vào xã hội. Đóng góp theo cách làm đời sống đẹp lên, có ý nghĩa hơn, tác động tốt đến tâm hồn con người. Âm nhạc không cụ thể như cơm áo, như nhà xe, như vàng bạc, nhưng xét ra nó không thể thiếu.
Triết lý của anh về những cách cho đi, những hoạt động từ thiện ra sao? Có người nghĩ làm từ thiện như một cách trao đổi với đời, với vận mệnh: Tôi cho cái này tôi nhận cái kia. Người khác lại nghĩ vì mình có khả năng giúp đỡ, thì mình giúp, chẳng đòi hỏi gì, chẳng nghĩ ngợi gì. Với tôi, từ thiện là thể hiện từ tâm của mình đối với người khác bằng hành động cụ thể. Tôi luôn cho đi những gì mình có thể cho. Đó là tài lực, tâm lực, sự cảm thông, sự chia sẻ, hỏi han, chăm sóc. Có lẽ những lần từ thiện trong quá khứ đã để lại khá nhiều suy nghĩ trong anh? Cuộc sống cá nhân của tôi gần với người tu, thể hiện từ tâm là việc tôi làm hàng ngày. Bản thân tôi và nhiều người, rất nhiều người, đều đã trải qua các tình huống ngặt nghèo ranh giới sống chết, nên tôi đồng cảm với các em các cháu, hình dung ra được nỗi đau và ý chí của các bệnh nhi. Ta cứ mở lòng ra, ta sẽ được đồng cảm Anh nổi tiếng với những bản tình ca giành cho đôi lứa yêu nhau, thế phần xã hội và tấm lòng từ thiện có được anh đưa vào sáng tác không? Tôi có bài Đừng Thắp Hương viết sau nạn cháy tòa nhà Intershop 2002, bài Những Trái Tim Không Vỡ ở sự cố sập cầu Cần Thơ 2007, và Một Góc Tim Hồng viết riêng cho một bệnh nhân phải thay tim. Năm 2005 tôi tham gia chương trình từ thiện y tế Ngàn Năm Sau Hoa Sen Vẫn Nở, tôi đã tận mắt chứng kiến vài ca mổ tim trẻ em và hiểu rất nhiều về trẻ em bệnh. Và trong thời gian sắp tới là dự án ca khúc quy tụ nhiều ca sỹ Gắn kết Yêu thương. Quỹ từ thiện dành Gắn kết yêu thương cho các bệnh nhi hiểm nghèo đã chinh phục được tôi. Tôi nhìn thấy ở hoạt động này một tấm lòng thực sự, đáng trân trọng, đáng khuyến khích. Tôi viết bài hát như một hành động cụ thể góp tay vào Quỹ, góp lòng tôi vào hoạt động nhân đạo đó.
Trong những đứa con tinh thần của mình, Gắn kết Yêu thương với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ chắc hẳn mang ý nghĩa to lớn đối với anh? Câu đầu tiên của bài "Em còn đau không, nỗi đau em san bớt cho tôi này" chính là câu tôi đã viết trong email cho bệnh nhân thay tim mà tôi đã nhắc ở trên. Tôi đã trải nghiệm cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi, cảm giác sợ thế giới quay lưng với mình, sợ bệnh tật chết chóc, nên tôi viết: "Không cô đơn và không lo lắng nữa em, quên lo sợ đi Xung quanh em còn bao đôi tay nâng đỡ" cứ như tôi viết cho chính mình vậy. Sự đồng ý tham gia của hơn 20 ca sỹ có làm cho anh cảm thấy ấm lòng? Tôi muốn như vậy và đã chủ định sáng tác một hợp ca quy tụ đông đảo như vậy để thoải mái sáng tạo và cũng là dịp để mở lòng ra. Đây chỉ là một bài hát nhỏ bé, tôi đâu có góp gì to tát. Tôi mong rằng cùng với sự chung tay của nhiều nghệ sỹ giai điệu bài hát sẽ vang xa, vang rộng, vang lâu để khơi dậy từ tâm ở nhiều người. Anh mong đợi gì từ dự án âm nhạc Gắn kết Yêu thương này? Ta cứ mở lòng ra, ta sẽ được đồng cảm. Không thiếu người có trái tim yêu thương đâu. Sau dự án này, trong tương lai, chắc chắn tôi sẽ có thêm nhiều dự án ý nghĩa như thế! Cảm ơn anh. NP |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|