Trên những quả đồi xanh nằm rải rác ven quốc lộ 14B kéo dài đến xa tầm mắt với điệp trùng núi đồi là nơi mà người dân các xã miền núi chọn để trồng giống thơm đặc sản của Quảng Nam. Những trái thơm loại này không to hoành tráng như những giống thơm khác, nhưng chất lượng của nó thì khó có giống thơm nào sánh bằng.
Theo người dân, từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5 là mùa thơm chín và người dân thu hoạch rải rác cho đến giữa tháng 7 là hết mùa. Ngay từ sáng sớm, những nhà trồng thơm đã cơm đùm cơm nắm lên rẫy hái thơm. Sau khi hái xong, họ chất đầy kín trên những chiếc xe, rồi buộc vào những chú trâu lực lưỡng kéo ra quốc lộ để bán cho thương lái. Không ít người có việc lên vùng cao Quảng Nam như Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang hay ở Gia Lai, Kon Tum mỗi khi xuôi ngược theo quốc lộ 14B cũng đều cố nài bác tài dừng xe đôi lát, để tự tay mua chục trái thơm về làm quà cho bà con. Thơm ở đây bán khá rẻ, chỉ từ 8.000 - 10.000 đồng/trái. Đối với những bà nội trợ có tay nghề “cò kè bớt một thêm hai” cũng có thể hạ đôi chút giá.
Công dụng của trái thơm rất nhiều. Trong thơm có rất nhiều vitamin C giúp cơ thể đề kháng, kích thích tiêu hóa... Thơm được dùng trong quá trình chế biến các món ăn, từ kho xào, nấu canh chua đến băm nhuyễn làm nước đun các loại cá, thịt trong món nhúng giấm (nhằm giảm bớt sử dụng giấm mà nước vẫn chua tự nhiên)... Tuy nhiên, để đãi khách quý ở phương xa về Quảng Nam hay Đà Nẵng thì người dân thường chọn “thơm rin”. Nghĩa là thơm chín gọt bỏ vỏ, tỉa sạch mắt thơm rồi cắt lát (tùy theo người thích cắt ngang hay dọc) cho lên đĩa, bên cạnh để một muỗng muối tinh. Với thơm Đại Lộc phải ăn kiểu này mới đúng gu. Bởi, chỉ cần cắn nhẹ một miếng, rồi nhai từ từ mới thấm thía vị thanh ngọt đặc trưng của giống thơm đặc biệt xứ này.
Hữu Trà