Chiều cuối tuần đầu tháng 5, nhân dịp khai trương nhà hàng mới tại TP HCM, chàng đầu bếp sinh ra ở New Zealand, mang trong mình hai dòng máu Trung Quốc và Ai Cập, Bobby Chinn xuống bếp trổ tài nấu món ăn Việt. Anh trình diễn món trứng luộc 68oC ăn với bắp cải và bún bò Hà Nội trong sự thán phục của nhiều người. Hầu như món ăn nào anh cũng nêm nước mắm, một trong những loại nước chấm quen thuộc của Việt Nam nhưng người Âu - Mỹ ngại dùng.
Chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh nhưng khi được hỏi về món ăn Việt Nam, Bobby có thể đọc vanh vách thực đơn bằng tiếng Việt rất chuẩn. Anh xòe bàn tay liệt kê món ưa thích: bánh cuốn, bún bò, phở, chả cá, bánh xèo, nem, cua sốt me, miến gà, đậu phụ sốt cà chua, phở cuốn, xôi gà, chả giò...
Ít người biết về mối tình đằm thắm của chàng đầu bếp Tây với ẩm thực Việt Nam. Đó là câu chuyện dài được bắt đầu bằng sự gặp gỡ tình cờ nhưng lại đầy say mê, ám ảnh và để lại nhiều ấn tượng khó phai.
Bobby Chinn sinh năm 1966 tại New Zealand, mang hai dòng máu Trung Quốc và Ai Cập. Anh học về tài chính nhưng lại chọn ẩm thực là niềm đam mê lớn nhất đời mình và kinh doanh nhà hàng tại Hà Nội được 17 năm. Ảnh: B.C. |
Năm 1994, Bobby Chinn từ Mỹ lần đầu tiên đến Việt Nam, một vùng đất mà trong tâm trí anh mang đậm dấu ấn lịch sử về cuộc chiến tranh hào hùng. Bobby kể lại, anh biết đến Việt Nam qua hình ảnh cô bé bị dính bom bốc cháy đang chạy và gào thét trong lửa đạn. "Khi đọc sách, tôi nghĩ người Việt Nam thật kiên cường mới vượt qua được cuộc chiến tranh ấy. Cứ thế sự tò mò, ngưỡng mộ thôi thúc tôi đến vùng đất đặc biệt này", Bobby hồi tưởng lại mối lương duyên kỳ lạ của anh với Việt Nam.
Đến Hà Nội và TP HCM, chàng đầu bếp khi ấy bị chinh phục bởi sự thân thiện, nhiệt thành, hiếu khách của người Việt. "Tôi là người xa lạ nhưng họ đã đối xử với tôi nồng ấm như một gia đình", anh nhận xét. Bobby nhớ lại, một đêm tối đứng giữa bầu trời đầy sao ở ngoại ô TP HCM, nhìn ánh đèn màu từ quận 1 để lại những vệt dài xuyên bóng tối, anh thấy vùng đất này quá đỗi bình yên, thân thuộc. Việt Nam khiến anh nhớ về tuổi thơ của mình ở Ai Cập. Từ đó, đất lành nhẹ nhàng níu giữ chân vị khách nước ngoài.
Thế nhưng điều khiến chàng đầu bếp Tây đem lòng say mê, yêu mến Việt Nam lại không phải là lịch sử hay khoảng trời bình yên. Bobby thú nhận, anh cảm thấy vô cùng ấn tượng về những gánh hàng rong với tiếng rao êm tai và các món ăn đường phố tuyệt vời. Anh không quên kể thêm mình bị chinh phục gần như tuyệt đối bởi món nước mắm độc nhất vô nhị của xứ này.
Bobby trong trang phục đầu bếp tại nhà hàng. Ảnh: B.C. |
Bobby tâm sự, anh mê nước mắm Việt Nam nhưng không thể mang nó theo trong những chuyến công tác nước ngoài vì bị hải quan chặn lại và cứ ấm ức mãi không nguôi. Trong một chương trình phỏng vấn ở Mỹ, anh đã bày tỏ nỗi tiếc nuối này với khán giả. Không lâu sau đó, một doanh nghiệp đã tặng Bobby loại nước mắm Việt Nam xuất khẩu. "Giờ thì tôi có thể mang nó đi bất cứ đâu. Với tôi nước mắm còn hơn cả một loại gia vị vì nó không chỉ làm cho thức ăn đậm đà, có hương vị khó quên mà còn cung cấp nhiều đạm", anh nói.
Những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ và tai nạn nho nhỏ như bị trộm khoắng sạch tiền tại Hà Nội không làm Bobby Chinn chán nản. Ngược lại, càng khó khăn bao nhiêu anh càng quyết tâm ở lại Việt Nam bấy nhiêu. Năm 1996 anh mở nhà hàng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhưng thần may mắn không mỉm cười với Bobby. Chỉ trong vòng một năm rưỡi, chàng đầu bếp phải đổi địa điểm kinh doanh đến 3 lần vì bị lấy lại mặt bằng.
"Khi ấy tôi cảm thấy mệt mỏi. Nhưng tình yêu dành cho Việt Nam giúp tôi không từ bỏ và đã được đáp lại. Năm 2001 tôi tiếp tục mở nhà hàng tại Hà Nội và bây giờ là TP HCM, để cám ơn những người yêu mến mình", anh trải lòng.
Chàng đầu bếp với phong cách nghệ sĩ tối 5/5. Ảnh: Lâm Phạm. |
Với giọng trầm ấm, Bobby kể thời niên thiếu anh từng học tập tại Anh, sau đó học đại học và sinh sống tại San Francisco, Mỹ. Thế nhưng dù tốt nghiệp cử nhân Kinh tế và làm việc ở sàn chứng khoán New York Stock Exchange, anh lại không gắn đời mình với những con số.
Từ bỏ ngành tài chính để theo học diễn xuất hài kịch tại Los Angeles nhưng cuối cùng anh tin rằng ẩm thực mới là đam mê lớn nhất của đời mình. "Khi tôi đến Việt Nam 17 năm trước, tôi chỉ nghĩ mình sẽ ở đây một năm. Nhưng rồi vì say mê văn hóa ẩm thực xứ này, tôi đã chọn nơi đây làm nhà, là chốn bình yên để trở về sau những chuyến công tác dài", anh tâm sự.
Khi chế biến món ăn và thiết kế thực đơn, Bobby luôn muốn gây ấn tượng với thực khách bằng nguyên vật liệu địa phương. Trong 15 năm tìm hiểu về văn hóa, con người và ẩm thực Việt Nam, anh đã viết và xuất bản cuốn sách “Wild, Wild East”, sau này tái bản mang tên “Vietnamese food”. Đây cũng là cuốn sách dạy nấu những món ăn Châu Á và Việt Nam được nhận giải thưởng Gourmand International World Cookbook 2007. Bobby Chinn chia sẻ với VnExpress.net: "Dù đã đặt chân lên hơn 30 quốc gia và nghiên cứu ẩm thực ở nhiều nơi trên thế giới nhưng tôi sẽ chỉ gắn bó và dành nhiều thời gian cho Việt Nam. Giấc mơ của tôi là quảng bá thức ăn Việt Nam ra thế giới bằng phong cách cổ điển pha lẫn hiện đại".
Vũ Lê