Nắng đầu hè chói chang biến căn nhà cấp bốn xập xệ của em thành lò nung thực sự. Tự dưng em thấy giận mỗi khi chiều về cứ phải chui vào cái “lò bát quái” này. Hôm nào cũng 8h tối nhà em mới ăn cơm được vì nóng, vì chán chẳng buồn ăn. | |
Thứ Năm, 10/05/2012 - 09:07
Tản mạn về chung và riêng
(Dân trí) - Nắng đầu hè chói chang biến căn nhà cấp bốn xập xệ của em thành lò nung thực sự. Tự dưng em thấy giận mỗi khi chiều về cứ phải chui vào cái “lò bát quái” này. Hôm nào cũng 8h tối nhà em mới ăn cơm được vì nóng, vì chán chẳng buồn ăn.
"Với em, có chồng là vui rồi..."
Những lúc rảnh rang trong khổ cực ấy em lại thấy thèm thuồng khi nhớ đến đứa bạn số đỏ. Em thì đến viên đá ném vào cốc nước cho mát cũng phải đi mua, nói chung cưới xong vẫn là vô sản. Hai thân phận con ong cái kiến phải lần hồi đi tìm mồi mỗi ngày. Còn nó lấy chồng một cái có sẵn phòng điều hòa mát lạnh, sẵn nhà, sẵn cửa, lại còn được mảnh đất cất làm vốn. Cơm nước bố mẹ chồng rảnh rang “bao thầu” hết cho, con ra đời ông bà cũng sẵn sàng trợ giúp.
Xuất phát điểm nhàn hạ vậy nên lương có bao nhiêu nó đắp vào người hết, được ăn chơi, tiêu xài xả láng. Hàng tháng chỉ việc đưa mẹ chồng tí ti “làm phép” gọi là góp sinh hoạt phí. Chúng thoải mái đi café với bạn, đi làm tóc mất cả ngày cũng chẳng hề hấn gì. Con ốm, sốt hết ông đến bà cưng nựng.
Còn em thì cặm cụi, tự tính toán cân đối từng tí một, việc này vợ làm, việc kia chồng phụ trách. Mua cái này, không mua cái kia, tự sắm sửa từ cái kim sợi chỉ cho đến cái tăm, rồi đến những cái lớn hơn như máy giặt hay mua đất làm nhà, tất cả phải tự lực hai vợ chồng. Bởi bố mẹ ở xa và đều nghèo. Con ốm hai vợ chồng cứ phải tự túc thay phiên nhau mà nghỉ việc chăm nom, làm gì có thừa thời gian mà thay đổi kiểu tóc…
Em sẽ mãi so bì với chúng bạn như thế nếu không có người kéo em nhìn xuống. Con bé bạn ngày trước em ngưỡng mộ “nhìn lên” nó suốt, vậy mà vừa hôm nọ gặp lại nom nó già xọm, gầy rộc. Nghe nói ở cùng với mẹ chồng phải nhẫn nhịn quá đến nỗi có lẽ lục phủ ngũ tạng bị đau đến tím đen hết cả lại rồi.
Ban đầu cứ ỷ vào ông bà chăm con cho, rồi nó bị “cướp trắng” con từ trên tay mà không làm gì được. Trong lúc đó chồng rảnh rang quá nên lập phòng nhì. Nó chẳng dám làm lớn chuyện, đành ngậm ngùi sống tiếp.
Ở vào thế yếu nên nó không muốn đường ai nấy đi vì khả năng phải “cuốn chiếu” ra ngoài với hai bàn tay trắng là cực lớn. Dù có góp khối tiền vào sửa sang nhà đang ở song tài sản vẫn đứng tên bố mẹ chồng nên chẳng thể “xơ múi” gì. Của cải mình sắm thật, nhưng nhà của họ chẳng tự dưng nhảy bổ vào mà khuân ra được.
Đến lúc cực chẳng đã khi sống trong địa ngục ấy, nó đành ly hôn. Chồng không cho nó mang ra khỏi nhà bất cứ cái gì, còn định giữ nốt cái xe mua đứng tên nó, nhưng nó đòi lại được. Tất nhiên lúc đến với nhau, yêu thương còn chẳng hết, ai đếm xỉa tính toán làm gì. Nhưng đời lắm bất trắc.
Chia tay phụ nữ thiệt đủ đường, đặc biệt là khi sống chung với nhà chồng. Có những đứa thì bất đồng với bố chồng, em chồng, em dâu và có những bạn lại đen đủi mâu thuẫn với tất thảy những ai liên quan đến nhà chồng. Lúc đó lại phải yêu cầu một người cực kỳ nền nã, hiền dịu thì mới có thể “giải nhiệt” được mối quan hệ đó. Xin tự nhận em chẳng phải là kẻ khéo léo như thế, vậy nên đừng ham hố làm gì. Sống chung với nhà chồng có cái hay của nó, mà sống riêng cũng chẳng dở chút nào. Thôi thì hãy cứ sống với tinh thần tự sung sướng thật cao độ. Bao nhiêu người đang mong được như mình còn chẳng được, và dù với bất cứ giá nào cũng không bao giờ đánh đổi những thứ hiện tại.
Một nhà văn chẳng từng nói “Hôn nhân là một cuộc xổ số, không mấy ai được lĩnh giải đặc biệt, mà người hạnh phúc nhất là người bằng lòng với lô an ủi của cuộc đời”. Và với em miễn là trúng giải, miễn có chồng là vui rồi.
TSL |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|