Lúc hai mẹ con đang xem tivi, bé Chic (4 tuổi) kể: “Bạn Bi ở lớp hay thơm trộm vào má con”. Dù lòng dạ bồn chồn nhưng không muốn quan trọng hóa vấn đề, Thanh (mẹ bé Chic) hỏi lại: “Bạn Bi là bạn nào? Bạn ấy có ngoan không con?”. | |
Mấy hôm trước, Thanh nghe bà ngoại (hay đi đón Chic) kể lại rằng, dạo này bé Chic rất hay được bạn ở lớp mẫu giáo cho kẹo. Bé Chic thường cất kẹo trong túi áo, túi quần rồi mang về “chia” cho bà ngoại. Nghĩ là các bé ở lớp tranh giành hay chia sẻ kẹo bánh, đồ chơi cho nhau là chuyện bình thường nên Thanh không để ý.
“Đến khi bà nội bảo, ở lớp có một bé trai rất thích “bẹo” má Chic. Lúc đi ngang qua chỗ hai bà cháu đang đứng, cậu này “buông” một câu: “Công nhận là xinh. Chic xinh như công chúa ấy” khiến bà chằng biết nên vui hay nên… mếu” – Thanh cho biết. Điều tra ra, Thanh được biết, “tác giả” của những chiếc kẹo trong túi quần bé Chic không ai khác là cậu bé "tán gái" khéo ở trên - bé Bi.
Thanh nói tiếp: “Nghe con thủ thỉ: “Mẹ ơi, hôm nay bạn Bi gối đầu lên chân của con” mà sợ. Nhưng cũng chỉ biết nhắc con, không cho bạn làm như thế. Nếu không thì phải động viên con mách cô giáo.
Mẹ bé Phômai (5 tuổi) cũng phát hoảng vì một lần đón con, chứng kiến cảnh một cậu bạn “hun” vào má con, cười hớn hở: “Tạm biệt em yêu” rồi chạy mất. Biết con gái mình xinh xắn, đáng yêu nên từ hôm đó, Phương (mẹ bé Phômai) phải đề cao “tinh thần cảnh giác”. Ngoài chuyện điều tra “người yêu” của con, rồi dặn dò: “Ngoài ông bà, bố mẹ (các cô, dì) ra thì không ai được phép “thơm” con. Nếu bạn ấy còn “thơm” thì con hãy nói to: “Tớ không thích, đừng làm thế nữa”. Thế nhưng, bé Phômai ngơ ngác hỏi: “Thế là xấu hả mẹ? Bạn ấy bảo ở trên tivi có đầy mà” thì mẹ lúng túng, không biết giải thích làm sao cho con hiểu.
Dạy con gái bảo vệ bản thân từ sớm
Nhiều người mẹ chia sẻ, chuyện giáo dục giới tính, ngăn ngừa con khỏi bị xâm hại từ tuổi mẫu giáo là vấn đề khó. Thứ nhất, do nhận thức của các bé còn yếu nên không phải chuyện gì cha mẹ giải thích, con cũng hiểu và ghi nhớ. Thứ hai, phụ huynh không muốn làm to vấn đề vì sợ con bị ám ảnh xấu.
Tuy nhiên, cũng có một vài người, khi thấy con gái “bị” một bé trai ở lớp quý mến thì hoảng hốt. Có người còn tìm mọi cách cấm đoán, đe dọa khiến con không hiểu như thế nào.
Trước tiên, cần hiểu chuyện các bé quý mến nhau là điều bình thường. Khi đi mẫu giáo (hoặc bước vào tiểu học), các bé phải tiếp xúc với môi trường rộng hơn, thường có cả hai giới. Khi đó, chuyện tò mò về giới tính của nhau là điều dễ gặp. Phụ huynh có thể phải đối mặt với những câu hỏi của bé gái như: “Sao con lại có “bím”? Sao bạn Bi lại có chim?” hoặc “Sao con là con gái, còn bạn Bi là con trai?”…
Với mỗi câu hỏi của con, cần có đáp án hợp lý. Không nên bỏ qua hoặc đợi con lớn lên mới dạy, làm như vậy chỉ khiến bé tò mò hơn và lúng túng với cách ứng xử thái quá của bạn khác giới.
- Nếu thấy có bạn ở lớp thích bé, cần hỏi con về người bạn đó. Người bạn đó như thế nào, có ngoan không (học có giỏi không)… Hãy coi đây là chuyện bình thường của các bé. Quan trọng là cha mẹ cần dạy con cách ứng xử với những tình huống đó chứ không phải tránh nó (vì có tránh cũng không được).
Nếu có bạn nào muốn sờ vùng kín của bé, cần dạy bé nói rằng, bé không thích, bạn đó đừng làm thế nữa (nếu không sẽ mách bố mẹ và cô giáo). Nếu bé hỏi “Tại sao?”, có thể giải thích rằng: “Làm thế con sẽ bị đau, không đi tè được”…
- Ngoài ra, cần dạy con gái không cho ai sờ vào vùng kín; không được cho ai nhìn thấy vùng kín; khi đi vệ sinh thì phải đóng cửa; không đi chơi hoặc theo người lạ; chờ bố mẹ (ông bà) đến đón thì mới về…
Với bé lớn hơn, có thể giải thích về chuyện buồng trứng, kinh nguyệt, quá trình thụ thai. Nếu bé đã biết đọc thành thạo, có thể mua sách về giới tính hợp với tuổi của con và hai mẹ con cùng thảo luận. Theo Ngọc Bình Mẹ và bé |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|