Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
Sau cuộc ly hôn...
Cuộc ly hôn nào cũng đem lại cho người trong cuộc nỗi đắng chát, ngậm ngùi. Nhưng tổn thương nhiều nhất là những đứa trẻ vô tội, nhất là cô bé có số phận không may mắn ngay từ khi chưa sinh ra trong câu chuyện dưới đây.
Thứ Hai, 14/05/2012 - 08:30

Sau cuộc ly hôn...
Cuộc ly hôn nào cũng đem lại cho người trong cuộc nỗi đắng chát, ngậm ngùi. Nhưng tổn thương nhiều nhất là những đứa trẻ vô tội, nhất là cô bé có số phận không may mắn ngay từ khi chưa sinh ra trong câu chuyện dưới đây.

Tòa Phúc thẩm tuyên bác toàn bộ kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Bà ngồi thẫn thờ một lúc lâu rồi cứ lẩm bẩm: “Tôi có chứng cứ mà, sao người ta không xem xét…’’. Đối với bà, cuộc ly hôn này là một mất mát quá lớn, phải tay trắng ra đi và một mình nuôi đứa con mới hơn 2 tuổi khi đã bước qua tuổi 52.

 

Còn ông, bỏ mặc người từng một thời đầu ấp tay gối, ông sải bước ra về.

 

Lý lẽ của người lớn

 

Theo lời của bà trước Tòa Phúc thẩm, sau một lần đổ vỡ, năm 2004, bà kết hôn với ông - Việt kiều Nhật giàu có, hơn bà 4 tuổi, cũng đã từng một lần ly hôn. Nhưng cuộc sống vợ chồng chỉ hạnh phúc vài ba năm đầu, đến tháng 5-2009, giữa họ phát sinh mâu thuẫn khi bà phát hiện ông có quan hệ với một người phụ nữ trẻ khác và bản thân bà bị cô ta đánh ghen đến sẩy thai.

 

Tuy nhiên sau đó, gác bỏ chuyện cũ, vợ chồng bà hàn gắn lại và bàn nhau xin con nuôi “cho vui cửa vui nhà’’. Thông qua người quen, bà tìm được một người phụ nữ đang mang thai muốn cho con sau khi sinh. Họ thỏa thuận tên mẹ của bé trong giấy chứng sinh là bà. Tháng 7-2009, cháu bé được sinh ra và giao ngay cho bà. Tháng 9-2009, vợ chồng bà cùng nhau đến Sở Tư pháp làm giấy khai sinh bé là con ruột của hai người.

 

Nhưng rồi, cuộc sống chung của vợ chồng họ vẫn không khá hơn sau khi có cháu bé bởi ông vẫn chứng nào tật nấy. Tháng 3-2010, ông bà sống ly thân và đến tháng 4/2010, ông đâm đơn xin ly hôn với lý do bà lừa dối ông nhiều việc, trong đó có việc sinh con. “Chính ông ấy mới là người phản bội tình cảm vợ chồng. Mọi việc ông ấy đều có tính toán trước, ngay cả vấn đề tài sản, ông cũng để cho anh em ruột đứng tên, trong khi tôi cũng là người bỏ tiền của, công sức xây dựng nên. Bỗng dưng tôi mất tất cả…’’- bà nói.

 

Về phần ông cho rằng do ông sống ở Nhật, lâu lâu mới về Việt Nam nên bà đã lừa dối, nói cháu bé là con chung, đến khi nghe nhiều người nói cháu bé không phải con ruột của mình, ông đã đi xét nghiệm ADN và mới biết được sự thật. Việc ông cùng bà đi làm giấy khai sinh cho cháu bé cũng vì lầm tưởng đó là con ruột, không ngờ là con riêng của bà. Ngoài ra, trong quá trình chung sống, ông mua xe, chung cư, đất cho bà nhưng sau đó, bà tự ý sang nhượng mà không có sự đồng ý của ông. Bị lừa dối, tình cảm không còn, mâu thuẫn ngày càng trầm trọng, vì vậy ông quyết định ly hôn.

 

Đứa trẻ thiệt thòi

 

Xét xử sơ thẩm, tòa án chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của ông vì tình cảm vợ chồng không còn. Về con chung, lời khai ban đầu bà cho rằng cháu bé là con chung của vợ chồng, đề nghị cấp dưỡng. Nhưng sau đó, bà thay đổi lời khai và cung cấp kết quả xét nghiệm ADN chứng minh cháu bé không phải do bà sinh ra mà do vợ chồng cùng nhận về nuôi khi bà hư thai.

 

Tuy nhiên, qua các tài liệu, chứng cứ và tranh luận tại tòa thì lời khai này không có cơ sở pháp lý và ông không thừa nhận, do đó, tòa không chấp nhận yêu cầu của bà đòi ông cấp dưỡng cho cháu bé một lần với số tiền 1 tỉ đồng. Ngoài ra, tòa cũng bác luôn yêu cầu phản tố của bà đòi ông phải thanh toán giá trị xây dựng bà đã đầu tư trên phần đất của ông (xây dựng nhà ở, mở quán cà phê) với số tiền tương đương trên 115 lượng vàng SJC (quy theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán) vì không có căn cứ.

 

Bà kháng cáo toàn bộ bản án.

 

Tại phiên Tòa Phúc thẩm, ông vẫn khăng khăng không thừa nhận cháu bé, cho rằng nếu là con nuôi thì chỉ do một mình bà xin về nuôi, không thể buộc ông cấp dưỡng. Nghe ông nói, bà mếu máo: “Các con riêng của tôi và ông ấy đều đã lớn, ra vào chỉ hai vợ chồng thật trống trải. Vì muốn giữ hạnh phúc gia đình, tôi chấp nhận nuôi con nuôi chứ thật ra ở tuổi này phải bận bịu con nhỏ rất khổ. Bây giờ, ông ấy chối bỏ, không đồng ý cấp dưỡng, tôi biết làm gì để nuôi con đến 18 tuổi? Nếu không có chồng cùng nuôi, tôi nhận một đứa bé mới sinh về nuôi làm gì?’’.

 

Cuối cùng lại một lần nữa, những yêu cầu của bà không được tòa chấp thuận vì cho rằng không có cơ sở…

 

Trong những vụ tranh chấp như thế này, tòa xử án dựa theo chứng cứ. Ai có nhiều chứng cứ, người ấy thắng cuộc. Vậy nên, ai đúng, ai sai, ai thật, ai giả, người trong cuộc mới tỏ. Chỉ thương cho cháu bé, chưa được sinh ra đã bị mẹ ruột cho đi, để rồi chỉ mới hơn 2 tuổi lại tiếp tục rơi vào nghịch cảnh khi người cha nuôi thẳng thừng chối bỏ và người mẹ nuôi sau lần thua kiện này có lẽ cũng không mặn mà gì trong việc nuôi dưỡng đứa con nuôi bất đắc dĩ…

 

Theo Người lao động


Tin đã cập nhật trước đó
   Có người vợ nào không...
Cô em gái nắm chặt tay tôi: “Chị thấy chưa? Đàn ông nào cũng khốn nạn như vậy. Hồi trước...

   Vì anh tham
Họ đã từng sống bên nhau rất hạnh phúc cùng một đứa con gái sắp vào học lớp 1. Anh...

   Quý ông nên làm gì...
Mọi chuyện đang tốt đẹp thì bỗng... trời đổ cơn mưa. Nàng nhìn bạn ngạc nhiên, hiếm khi bạn mất...

   Thư gửi mẹ
Mẹ, con đang nghe nhạc và lướt web. Con bỗng tự hỏi, mẹ đã ngủ chưa? Quầng mắt mẹ đừng...

   Độc thân, có vui mãi...
Trong đời mình, tôi sống độc thân khá nhiều. Và bất chấp làn sóng sách báo gần đây nói về...

   Em tôi
Chiếc xe con của tôi đỗ xịch vệ đường, tôi dừng lại mua ít hoa quả về thăm thầy giáo...

   Em tôi
Chiếc xe con của tôi đỗ xịch vệ đường, tôi dừng lại mua ít hoa quả về thăm thầy giáo...


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top