Có tên trong hầu hết các toa thuốc nam - bắc, trần bì (vỏ quýt chín sấy khô) thật gần gũi, dễ tìm và quen thuộc với mùi hương đặc trưng.
Ảnh: Hạ Huy |
Quýt (citrus reticulata) thuộc họ Rutaceae, được xem là loại trái ít chua nhất trong các loại trái cây chua, có nhiều hạt, vỏ mỏng và có màu cam hơi đỏ, dễ lột bằng tay. Trái có khoảng mười múi, tùy theo giống. Công dụng của quýt tương tự như cam, vỏ được sử dụng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là trong y học Trung Hoa, quốc gia có sản lượng trồng cao nhất thế giới và cũng là nguồn gốc của cây quýt, trước khi được du nhập vào châu Âu thế kỷ 19.
Với khoảng 40 Kcal, 85% nước, 13,34 % glucid, 1,8% chất xơ, một ít lipid và protid, nhiều vitamin C và A, quýt là loại trái tương đối dễ hấp thu, có khả năng hỗ trợ hệ miễn dịch và ngăn ngừa ung thư. Đứng sau cam, quýt là trái cây cung cấp nhiều acid folic (tốt cho thai phụ) và potassium (tính nhuận trường).
Theo nghiên cứu của Trường Y Leicester (Anh), chiết xuất từ vỏ quýt tươi có một phân tử là salvestrol Q40, có tính kháng đối với các tế bào ung thư. Phân tử này rất cô đặc trong vỏ và có khả năng bảo vệ trái khỏi côn trùng và nấm. Thiếu hụt phân tử này trong chế độ ăn hiện đại của chúng ta là do thói quen gọt bỏ vỏ trái cây, nhất là trái cây chua.
Quýt có thể kết hợp với các món mặn lẫn ngọt, từ hải sản, gà, xốt chua ngọt... Rất ăn ý với gừng, ngũ vị hương và nước tương, là thứ nước ướp đúng điệu cho thịt heo và gia cầm. Riêng trần bì có vị cay, đắng, tính ôn, được bán theo gram trong các tiệm gia vị hay thuốc bắc, được xắt nhuyễn cho vào cá, thịt kho tộ, chè đậu đỏ... ăn thơm ngon. Ngậm trần bì còn có tác dụng chữa khàn giọng, hạ đờm, kháng khuẩn, chữa lạnh bụng khó tiêu. Ngoài ra, đốt trần bì để làm thơm và sạch không khí là thói quen rất tốt của nhiều gia đình.
Chọn trái quýt nặng tay và chắc, không đốm nâu, nhũn, mốc. Quýt tươi nên được tiêu thụ nhanh khi để ngoài nhiệt độ phòng. Để sử dụng lâu dài, có thể cho vào bao có lỗ, giữ trong hộc mát tủ lạnh.
Lưu ý: Không ăn quýt với một số dược phẩm như sulfa, spironolactone và những loại dược phẩm bổ sung kali. Không ăn quýt khi bụng đói vì a xít của nó có thể gây đau dạ dày.
Minh Quân