Giống cây này chỉ mọc và sinh trưởng trên những triền cát sát biển, khi cái nắng miền Trung ở mức thiêu đốt nhất. Càng như thế, cây lại càng chắt chiu tinh túy từ lòng cát rồi cho ra từng đốm lá dày dặn xanh màu non mướt.
Phiên chợ làng biển buổi sớm rộn rạo hẳn lên khi có người bưng thúng lá lưỡi long phe phẩy hệt như thể đã biết sẽ bán hết sớm. Mà đúng thật! Thoáng chốc, thúng lá đã vơi. Người bán kiên quyết giữ lại một ít “để trưa nay có tô canh mát ruột đãi khách xa”. Chị mua thêm một ít tôm còn búng tanh tách và ít thịt heo. Trên đường về, tôi mân mê, nắn nót những chiếc lá mập tròn mà một chút nữa thôi sẽ thành món canh đặc sản.
Lá chỉ được rửa qua cho sạch cát chứ không cần phải ngâm muối như các loại rau thông thường rồi gọt bỏ những đốm gai li ti. Công đoạn này cần phải tỉ mẩn, nếu không khi ăn sẽ cảm thấy có gai lợn cợn trong miệng. Tiếp đến là xắt sợi lá thật khéo cho cọng đều và dài. Thấy tôi nhăn mặt vì một thứ nước đặc như keo, nhớt trong thân lá túa ra, chị cười xòa: “Chất ngon ngọt là ở đó”. Tôm lột vỏ, giã nhuyễn, ướp chút gia vị cho thấm rồi xào sơ. Mùi hành hương và tôm biển dậy lên thơm nức. Chị nhanh tay đổ nước vừa đủ tô canh, chờ nước sôi rồi cho phần lá đã xắt sợi vào. Từ màu xanh non, lá lưỡi long chuyển dần sang màu xanh ngà óng ánh. Khi nước sôi lần nữa, phần keo trong lá quánh lại là lúc canh chín.
Rắc lên tô canh nhúm hành ngò và ít tiêu, chị để tôi tha hồ ngắm nghía, hít hà. Mùi của lá, của tôm, thịt, hành vừa chung vừa riêng khiến bao tử lập tức... lên lịch làm việc. Vị lá lưỡi long chua chua, giòn giòn đầy thanh tao hòa với chất ngọt từ tôm thịt đã làm không ít người “phải lòng” ngay lần đầu tiên thưởng thức. Tôi như được “ăn” cả cái nắng gió hanh hao của làng chài, ăn thứ lá đã ngậm vào trong mình hàng ngàn giọt sương đêm trên đồi cát. Chị bảo, trưa nắng đi đâu về mà được ăn canh lá lưỡi long là nhất. Nó như một thứ nước giải nhiệt thượng hạng. Nói gọn theo cách mộc mạc của dân xứ này: ăn tới đâu, mát tới đó.
Trần Thị Duyên