Ảnh minh họa: Indiana. |
Nghiên cứu trên tập trung vào 3 thế hệ trong một gia đình, bé gái ở độ tuổi 16-20, bà mẹ 40-50 tuổi và những người bà ở nhóm tuổi 65-75.
Tiến sĩ tâm lý học Aric Sigman, nguời tiến hành nghiên cứu nhận thấy, ngày nay trẻ gái dậy thì sớm hơn 18 tháng so với tuổi dậy thì của mẹ các bé và sớm hơn gần 2 năm nếu so bà của trẻ. Trung bình trẻ gái bắt đầu dậy thì khi được 10,25 tuổi.
Những phát hiện từ nghiên cứu này một lần nữa cho thấy dậy thì sớm ở trẻ gái đang trở thành một xu thế. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh tiến hành năm 2000 cũng cho thấy, cứ 6 trẻ gái thì có một bé bắt đầu dậy thì trước khi lên 8 tuổi.
Một giả thiết được đưa ra là việc dậy thì sớm được kích hoạt bởi hoócmôn leptin do mô mỡ tiết ra. Trẻ gái ngày nay nặng cân hơn so với thế hệ trước, lượng tế bào mỡ nhiều hơn, nên hàm lượng hoócmôn leptin cũng cao hơn.
Tiến sĩ Sigman cũng nhận thấy, thế hệ trẻ ngày nay ăn nhiều đồ ngọt và đồ ăn vặt hơn, nhưng lại ăn ít hoa quả và rau. Họ cũng đi lại thường xuyên bằng ôtô hơn là đi bộ. Sự kết hợp giữa một chế độ ăn uống nghèo ngàn, lối sống lười vật động làm tăng nguy cơ béo phì, từ đó tăng nguy cơ trẻ dậy thì sớm.
Bên cạnh đó, theo ông cũng có những bằng chứng cho thấy, sự căng thẳng trong cuộc sống gia đình có thể là nguyên nhân dẫn đến trẻ bị dậy thì sớm. Tiến sĩ Sigman chia sẻ với tờ BBC News, nếu bé gái cảm nhận được gia đình mình không ổn định, điều có thể giống như một cú hích khiến trẻ dậy thì sớm hơn.
Theo ông, dậy thì sớm không chết người ngay nhưng khiến tâm sinh lý của trẻ phát triển không bình thường và là nguy cơ dẫn đến những bệnh nguy hiểm khác. Vì thế, điều quan trọng là cha mẹ cần phải phát hiện nếu con gái dậy thì sớm và cố gắng nói chuyện truớc với các em về những thay đổi ở cơ thể mà trẻ có thể trải qua.
Phương Trang