Bạn nói ở phố thì kính thưa các loại bánh xèo: bánh xèo tôm, bánh xèo thịt, bánh xèo giá sống, bánh xèo rau mầm, bánh xèo nấm kim châm... Bánh nào cũng “ôm” phụ gia đến mức ôm đồm. Tao nhớ bánh xèo Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) mình quá!
Bánh xèo mà nó nhớ chính là bánh xèo trắng, trắng đến trần trụi, tuyền bột gạo, không kèm thêm bất cứ thứ nào khác. Nó ví von, nói đó là bánh xèo “3 chân”: chân quê, chân phương và chân chất.
Hừng đông, trong những căn lều che tạm bằng mấy miếng tôn ở ngã ba, ngã tư đường làng hồng lên những bếp than đúc bánh xèo. Đàn ông đi biển sớm, phụ nữ đi cá chợ xa, học trò trường huyện... thường ghé vào, ngồi trên cái đòn gỗ hay cục gạch, hết chỗ thì ngồi chồm hổm, nhai bánh xèo chóp chép. Chỉ cần sáu ngàn đồng là có thể vững bụng cho đến trưa.
Một quán bánh xèo ở Sa Huỳnh - Ảnh: Trần Cao Duyên |
Nữ sinh cấp ba có vóc có dáng rồi, cặp dựng một bên, tóc thề búi lên, vẫn hồn nhiên cuốn bánh xèo, rứt từng miếng nhỏ, chấm ít mắm đục dằm ớt kim rồi... le lưỡi đỡ miếng bánh, đưa tọt vào miệng. Hình như con gái đẹp khi ăn bánh xèo càng đẹp. Chút mỡ từ bánh cho môi non thêm láng. Bánh xèo nóng, ớt cay cho má thêm hồng. Em nào cũng cầm bánh bằng bốn ngón thôi, còn ngón út để làm duyên khi nghiêng đầu tém mấy sợi tóc mai xòa xuống.
Mình là con trai, từng vào lều ngồi ăn cùng con gái, nghĩ không ra vì sao chúng nó ăn... đẹp thế. Mãi đến bây giờ mình vẫn nhớ động tác “le lưỡi” khi ăn bánh xèo của một nàng hồi đó.
Giờ đây, mặc làng xóm chộn rộn bê tông phố hóa, mừng thay cái bánh xèo - một nét ẩm thực quê làng - vẫn như xưa, cứ trắng trẻo, tròn xinh, mềm mại bên bếp than hồng khi trời mờ sáng. Hỏi chị bánh xèo sao không dỡ lều, xây gạch cho tươm tất? Chị nói chỗ này thôn “quy hạch” rồi, ai cho làm. Với lại lều đang “phát đạt”, xây lên nó bịt bùng, người ta không vô thì bán cho ai?
Bắt chước anh bưu cục mang niềm vui bất ngờ cho người nhận bằng dịch vụ “điện hoa”, người quê thường cho vào thùng xốp cả trăm đôi bánh xèo kèm chai mắm đục, “xuôi vạn lý” vào tận TP.HCM. Cánh xe ôm Bến xe Miền Đông chở thẳng đến địa chỉ ghi trên thùng. Người nhận mắt cười miệng reo “A! Điện bánh xèo, điện bánh xèo”. Vèo một cái, họ a lô cho đồng hương để cuối ngày, những cái bánh xèo quê làm nên “một góc Sa Huỳnh” râm ran chuyện làng chuyện xóm.
Trần Cao Duyên
>> Bánh xèo tôm nhảy >> Bánh xèo… và mưa >> Bánh xèo mùa trở gió >> Bánh xèo tôm mực đầu đông