Ảnh có tính minh họa: thegrandnarrative.com. |
Trong email gửi cô bạn thân, chị Bé viết: "Mình chẳng biết làm sao nữa, vì cả ba chị em tụi mình đều ở xa không thể chăm sóc cha mẹ tuổi già, thuê người giúp việc thì không ưng ý, nay gửi cha mẹ cho người chị họ nuôi, mình cảm thấy áy náy và buồn quá…".
Cha mẹ chị Bé là những ông bố bà mẹ đã làm tròn trách nhiệm một cách hoàn hảo, khi họ có ba người con, đều học hành chu đáo – lấy bằng tiến sĩ và thạc sĩ, lập gia đình và phát triển sự nghiệp đúng sở trường sở nguyện tại Nhật, Mỹ và Australia. Thế nhưng chính việc cả ba người con ở ba nơi khác nhau, đã khiến ông bà ngoài 70 tuổi phải sống lủi thủi trong cô quạnh. Những lúc ốm đau, thiếu người chăm sóc, họ phải nhờ hàng xóm, người thân…
Các con đã từng thuê người giúp việc nhưng không được như ý. Lại không thể để bà già ngoài 70 nuôi ông già ngoài 70 đang bị bệnh không đi lại được, họ đành đồng ý gửi cha mẹ về quê nhờ họ hàng giúp.
Với nhịp sống công nghiệp đòi hỏi mọi người phải làm việc cật lực ở các khu đô thị như TP HCM như hiện nay, cũng như xu hướng tôn trọng riêng tư của con cái, nhiều bậc cha mẹ lớn tuổi đã phải đối mặt với việc: hoặc phải nín nhịn để sống cùng con cháu, hoặc chấp nhận sống cô đơn một mình.
Ông Nguyễn Văn Quý ngụ ở quận 3 có đến tám người con đã lập gia đình, có nhà riêng. Ông Quý cũng từng 5 năm sống theo kiểu "rày đây mai đó", từ nhà đứa con này sang nhà đứa con khác, vì cứ ở lâu với đứa nào một thời gian thì lại phát sinh mâu thuẫn trong lối sống của khoảng cách thế hệ. Các cháu không thể chịu nổi ông cứ xem tivi thấy chuyện chướng tai gai mắt là chửi, thấy cháu ăn mặc hở hang là chửi, thấy cháu đi chơi về sau 9 giờ tối cũng chửi...
Gần đây ông thuê nhà ở một mình, nhưng chỉ thời gian ngắn lại cảm thấy cô đơn với những bữa cơm hộp mà các con đặt sẵn thuê người mang vào, những lần khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ định kỳ cùng dịch vụ y tế các con ông thuê mà không kèm người thân chăm sóc... Rút cục ông bỏ tất cả, về Bạc Liêu sống với cháu.
Băn khoăn tội bất hiếuChị Bé từng khóc rất nhiều lần, tự trách bản thân và các em không thể về Việt Nam lập nghiệp để phụng dưỡng cha mẹ. Vòng xoáy của sự nghiệp, chồng con đã cuốn cả ba chị em rời xa cha mẹ. Bản thân chị không tìm được cách giải quyết, nên luôn mang trong mình mặc cảm về "tội bất hiếu".
Em trai chị Bé cũng nghĩ vậy: "Theo truyền thống của người Việt Nam, em biết cha mẹ nuôi con khôn lớn, thì khi cha mẹ già con cái phải có trách nhiệm phụng dưỡng. Ba chị em mình từng đề nghị cha mẹ ra nước ngoài, nhưng suy tính cho kỹ thì có đưa cha mẹ sang ở cùng, thì chỉ một thời gian ngắn sống chung nhà thì cũng sẽ gửi họ vào nhà dưỡng lão mà thôi vì tất cả chúng ta đều không có thời gian. Vậy chi bằng để cha mẹ ở quê hương còn có bạn bè, có người thân…".
Tương tự, những người con của ông Quý lúc đầu cũng cảm thấy có lỗi với cha, nhưng dần dà họ cho rằng đó là cách tốt nhất cho cha và cho gia đình của họ.
Người con gái thứ hai của ông Quý kể: "Tôi không thể yêu cầu cha tôi đừng chửi cháu, vì tính ông vốn thế. Tôi cấm được con mình cãi ông, nhưng cũng không thể kìm được thái độ khó chịu của con tôi khi phản ứng bằng cách bỏ ngoài tai tất cả những điều mà nó cho là ông quá khó và lạc hậu". Và chị đã khóc: "Một bên là cha, một bên là gia đình với chồng con, tôi không biết cách nào để dung hoà, cũng không biết phải đưa cha về đâu ở nên đành gửi cha cho người ta nuôi".
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc công ty tư vấn tâm lý Hồn Việt cho biết: "Người Việt Nam có thói quen cha mẹ già vẫn ở chung với con cháu, đó là truyền thống, tạo nên nét đẹp của đời sống văn hoá. Việc con cái nuôi cha mẹ trở thành nghĩa vụ – bổn phận và là cách để con cái báo hiếu công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Chính vì vậy, khi không làm được điều đó, nhiều người xuất hiện cảm giác áy náy, cắn rứt lương tâm chưa làm tròn bổn phận. Suy nghĩ này tạo nên cảm xúc về "tội bất hiếu".
Thực tế cho thấy, có người nuôi cha mẹ già, nhưng sợ cha mẹ lẫn, đi lạc đường nên nhốt trong nhà cả ngày, vậy liệu có an tâm, có xử lý được tai nạn cha mẹ già té ngã lúc con cháu đi học đi làm suốt từ sáng đến chiều tối mới về? Có người nuôi cha mẹ già bị bệnh, vì bận đi làm nên buộc phải thuê người giúp việc chăm, có lúc bận công tác vài ba ngày, hoặc cả tuần không về nhà thăm cha mẹ được. Có người gặp cha mẹ bị bệnh già, khó tính, la mắng suốt ngày, họ đưa cha mẹ lên tầng 5 căn nhà và để trong phòng riêng đóng kín cửa để không ảnh hưởng đến việc học của con, đến sự nghỉ ngơi và tinh thần của vợ chồng sau một ngày làm việc quá mệt muốn nghỉ ngơi… Những trường hợp này, con cái ở chung với cha mẹ, nuôi cha mẹ nhưng điều cốt yếu nhất là sự chăm sóc thì vẫn không làm được.
Như vậy, đối diện với thực tế hiện nay, những gia đình có cha mẹ già, tuỳ vào hoàn cảnh để tìm ra cách giải quyết cho phù hợp. Bản thân người con cũng đừng quá bận tâm đến lời ra tiếng vào của hàng xóm láng giềng mà có thể gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão, gửi cha mẹ về quê, thuê người giúp việc… Chọn giải pháp nào cũng cần quan tâm đến các yếu tố: đảm bảo cha mẹ được chăm sóc đầy đủ và toàn diện, đảm bảo sự an toàn, đảm bảo khả năng tài chính, và đảm bảo về mặt cảm xúc.
(Sài Gòn tiếp thị)