Cắm lên mộ phần những nén hương nghi ngút, người con gái 51 tuổi sụt sùi kể cho cha nghe về quãng thời gian 47 năm qua từ ngày ông hy sinh, mẹ con chị đã phải nương tựa nhau sống qua cảnh khó khăn cực nhọc như thế nào.
Sau nhiều năm lặn lội đi khắp nơi tìm mộ cha không thành, một hôm tình cờ tìm kiếm thông tin trên website Nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến, chị Hương mới biết hài cốt của người cha liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang Việt - Lào.
Chị Hà Thị Song Hương xúc động bên mộ phần người cha liệt sĩ. Ảnh website Nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến. |
Theo thông tin từ gia đình, ông Hà Hiếu sinh tại Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 16 tuổi ông nhập ngũ làm liên lạc rồi gia nhập thiếu sinh quân và tập kết ra Bắc. Sau khi tốt nghiệp trường sĩ quan lục quân, ông được phân công về Quân khu Tây Bắc.
Sau ngày giải phóng Điện Biên, ông Hiếu gặp và yêu bà Nguyễn Thị Thanh Hòa là thanh niên xung phong lên Điện Biên xây dựng vùng kinh tế mới. Hai người cưới nhau, sinh con gái đầu lòng đặt tên là Hà Thị Song Hương vì muốn cô bé luôn nhớ rằng "con có 2 quê hương miền Nam và miền Bắc". Cũng tại đây, 2 năm sau em gái của Hương chào đời trong vòng tay yêu thương của cha mẹ.
Khoảng tháng 2/1965, ông Hiếu lại lên đường nhập ngũ rồi hy sinh. "Lúc đó tôi mới gần 4 tuổi nên chỉ nhớ là 3 mẹ con tiễn bố đi trên đê sông Thương. Còn nhớ, trời gần tối, bố mặc quần áo bộ đội, đội chiếc mũ cối, khoác ba lô và quay lại vẫy tay chào. Rồi bố tôi đi và không về nữa", người con gái hiện tuổi ngũ tuần, là giáo viên kể lại.
Chị Hương còn nhớ như in vào năm 1967, một chú bộ đội đến thăm nhà và thông báo rằng: "Bố cháu hy sinh rồi". Bà Hòa nhận được giấy báo tử của chồng, đau đớn đến lặng người đi. Nhưng biết không thể thay đổi được số phận, bà đã cùng đồng đội làm lễ truy điệu cho ông.
"Tháng 7 năm đó đứa em trai út của tôi chào đời, nhưng đến tháng 10 bố hy sinh nên không biết em. Giá như lúc đó bố còn sống thì hay biết mấy, vì bố rất mong có một đứa con trai", chị Hương bùi ngùi.
Di ảnh và kỷ vật của liệt sĩ Hà Hiếu. Ảnh gia đình cung cấp. |
Suốt thời gian đó, bà Hòa phải một mình bươn chải nuôi 3 đứa con nhỏ dại. Có lúc làm xuất khẩu lâm sản, bà phải thường lặn lội lên tận các tỉnh miền núi lấy hàng. Sau này bà chuyển sang học sư phạm và về làm giáo viên dạy ở một trường tiểu học gần nhà. Đồng lương ít ỏi, cuộc sống vất vả vậy nhưng bà vẫn chắt chiu nuôi các đứa con ăn học nên người. Hương tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, người em gái thứ nhì đang lao động ở Nga còn em trai út cũng tốt nghiệp Đại học Bách Khoa.
Năm 1998 bà Hòa mất vì căn bệnh ung thư trong tình cảnh mọi thông tin về người chồng quá cố vẫn còn là ẩn số. Chị Hương nhớ lại: "Khi còn sống mẹ tôi luôn mong muốn đi tìm kiếm mộ bố nhưng kinh tế khó khăn, thông tin mù mịt nên không biết bắt đầu từ đâu. Trong giấy báo tử cũng chỉ ghi bố tôi được mai táng ở mặt trận phía Tây nên gia đình đinh ninh hài cốt ông còn nằm lại ở Lào nhưng không biết chính xác tỉnh nào".
Sau khi mẹ mất, để thực hiện ước nguyện của bà, chị Hương đã lặn lội đi khắp nơi tìm kiếm cha. Với những thông tin ít ỏi ghi trong giấy báo tử, người con gái đã đến rất nhiều nghĩa trang để dò hỏi, thậm chí dùng cả phương pháp tâm linh nhưng không có kết quả. Sau này nhờ sự giúp đỡ tận tình của những người đồng đội cũ, gia đình đã xác định được nghĩa trang Việt - Lào là nơi chôn hài cốt của liệt sĩ Hà Hiếu được quy tập về. "Nhưng hàng chục nghìn ngôi mộ mà mộ vô danh chiếm đa số ở đây làm sao để biết chính xác ngôi mộ nào của bố tôi?", người phụ nữ băn khoăn.
Trong lúc đang loay hoay nhờ các tổ chức hỗ trợ tìm hài cốt liệt sĩ nhưng chưa nhận được hồi âm, một lần tình cờ lên mạng vào website Nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến, chị Hương đã tìm được những thông tin gần như trùng khớp về người cha quá cố và mộ phần nơi ông yên nghỉ.
Thông tin từ website Nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến đã giúp chị Hương tìm được mộ cha. |
Chị Hương cho biết, lúc đầu tìm thấy thông tin trên website Trian.go.vn (nghĩa trang online liệt sĩ) thì chỉ thấy tên liệt sĩ Hà Huy Hiếu chứ không phải là Hà Hiếu như tên khai sinh của cha chị. Tuy nhiên những thông tin về người liệt sĩ này lại hoàn toàn trùng khớp về ngày hy sinh, quê quán và đơn vị chiến đấu...
Để xác minh, người con tiếp tục gửi thư đến các tổ chức hữu trách thì nhận được thông báo đó đúng là mộ phần người cha quá cố của chị. Một số đồng đội của ông Hiếu cho biết ngày trước đơn vị hay gọi ông Hiếu là Hà Huy Hiếu vì không nhớ chính xác tên khai sinh của ông. Sau này khi gia đình đến làm việc với ban quản lý nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào, họ cũng khẳng định mộ tên Hà Huy Hiếu chính là liệt sĩ Hà Hiếu đã hy sinh ở mặt trận phía Tây.
"Chúng tôi vô cùng biết ơn những người đã giúp đỡ chúng tôi tìm được mộ phần của bố mình. Dự kiến đến tháng 10 âm lịch năm nay gia đình sẽ đưa hài cốt của bố về Lạng Sơn để chôn cất bên cạnh mộ phần của mẹ", chị Hương cho hay.
Đại diện ban quản trị "Nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến" cho biết, trang web Trian.go.vn được thành lập nhằm thu thập toàn bộ thông tin về nghĩa trang liệt sĩ trong toàn quốc với mong muốn "sẻ chia phần nào nỗi mất mát với các gia đình liệt sĩ, tạo cầu nối thông tin và thúc đẩy nhanh quá trình tìm kiếm, đưa hài cốt các liệt sĩ trở về quê hương".
Ngoài liệt sĩ Hà Hiếu, chương trình đã giúp đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Xuân Giai và Chiều Sui Mìn về với gia đình sau mấy chục năm xa cách.
Thi Trân