Đây là một câu chuyện có thật trong Câu lạc bộ mẹ chồng nàng dâu thuộc Hội phụ nữ phường Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội).
Bà Phạm Thị Chín, Chủ tịch Hội phụ nữ phường chia sẻ mẹ chồng - nàng dâu là mối quan hệ muôn thuở, nhiều gia đình vốn chỉ mong mẹ chồng, nàng dâu không xung đột, nhưng khi vào câu lạc bộ này, nhiều mẹ chồng và nàng dâu đã trở thành một cặp hoàn hảo.
"Trước khi có được những thành công này, câu lạc bộ đã rất vất vả trong việc hòa giải những người đàn bà chủ chốt trong gia đình. Gian nan có, nước mắt có và cả những bài học xương máu cũng rất nhiều", bà Chín xúc động nói.
Nhiều xung đột mẹ chồng nàng dâu được hóa giải ở câu lạc bộ độc nhất vô nhị này. Ảnh minh họa: echinacities. |
Rồi bà kể, gia đình bà Lai rất nề nếp, gia phong, lại là người Hà Nội gốc. Bà có hai cô con dâu nhưng chỉ hợp tính con dâu cả còn không thích con dâu thứ là chị Nhung. Nhung vốn là người ngoại tỉnh, kết hôn với con trai bà trong Nam, sau đó mới về Hà Nội sinh sống. Hễ Nhung làm việc gì đều bị bà Lai xét nét.
Một hôm, Nhung đến nhờ hội phụ nữ đứng ra giúp hòa giải mẹ chồng. Cô nói vì bà nghĩ cô ăn bám nên ghét cô, ghét luôn cả cháu. Nhung không có người thân, chồng lại đi vắng, mẹ chồng hắt hủi khiến cô rất cô đơn, xin nhận bà Chín làm mẹ.
Sau khi nghe Nhung dốc lòng kể lại những câu chuyện trong gia đình, bà Chín phát hiện mâu thuẫn với mẹ chồng là do con trai chị tạo ra bởi thằng bé rất hiếu động, hay nói những câu hỗn với bà nội khiến bà Lai tưởng là do con dâu xui.
Nhưng rồi chưa kịp đến tháo gỡ khúc mắc trong gia đình, Hội phụ nữ hay tin bà Lai quá tức giật tóc con dâu. Cô ấy đau quá nên đẩy ra, làm bà bị ngã. Bà liền vu con dâu đánh mình.
Đúng trong hoàn cảnh này, bà Chín ghé thăm gia đình. Bằng kinh nghiệm của một người nhiều năm hoạt động trong hội, bà Chín khéo kéo cởi bỏ tâm sự của từng người.
Bước vào nhà, bà vờ ngạc nhiên khi thấy Nhung rồi bà nói: "Hóa ra con là con dâu của mẹ Lai à? Con sướng nhé có bà mẹ chồng rõ tâm lý. Còn bà Lai thật có phúc khi có con dâu ngoan hiền, xinh đẹp”.
Sau một hồi trầm ngâm, bà Lai kể hết cái xấu của con dâu, không quên vụ Nhung đẩy ngã mình. Bà Chín nhẹ nhàng vỗ về mẹ chồng rồi gọi nàng dâu ra vờ trách mắng:
“Con đẩy mẹ chồng như vậy là sai nhé! Lúc ấy con có thể nói ‘Con đau quá, mẹ thả con ra’ cơ mà. Mẹ chồng dù sao cũng là bậc trên, nói gì con cũng phải nghe, không có quyền chỉ trích. Con lại xin lỗi mẹ đi”.
Thế là Nhung thổn thức: “Mẹ ơi! con xin lỗi mẹ! Từ năm 7 tuổi con đã mồ côi mẹ, cha đi lấy vợ hai, con không có người dạy dỗ. Từ nay mong mẹ dạy bảo con. Con sai đâu, mẹ bảo đấy. Hãy thương con, thương cháu, mẹ nhé!”.
Dứt lời, bà Lai cũng khóc. Bà không thể ngờ con dâu mình lại có quá khứ bất hạnh như vậy. "Từ đó, bà Lai và Nhung trở thành một cặp mẹ chồng - nàng dâu hoàn hảo. Bà ấy bán nhà to, chia đều tiền làm 3 cho ông bà ấy và hai người con. Vợ chồng Nhung chuyển ra ở riêng, để con cho bà Lai chăm”, bà Chín cho biết.
Trên địa bàn phường còn có trường hợp bà Sinh có một cô con dâu người Đức. Lúc đến câu lạc bộ, bà Sinh rất tức tối vì nghĩ con dâu gì mà có quyền hoạch họe bà thay đổi đồ nọ, đồ kia trong nhà...
Hóa ra, con dâu và con trai bà một năm mới về nhà một lần, mỗi lần ở hơn một tháng. Trước lúc về, cô ấy gửi cho bà 2.000 đô la yêu cầu thay chăn màn, giường chiếu và các vận dụng trong nhà, chuẩn bị phòng riêng cho vợ chồng nó và đứa cháu. Bà Sinh thì nghĩ đồ đạc nhà mình đã dùng bao nhiêu năm, vẫn còn tốt, con dâu chưa phụng dưỡng bà được một ngày sao phải chiều ý nó.
"Câu lạc bộ đã giải thích với bà ấy rằng tiền là do con bà ấy bỏ ra. Mỗi năm nó cũng về có một tháng nên chiều lòng nó. Hãy mua đồ đạc bậc khá thôi. Để dành lại khoảng 1000 đô la để lúc con về lấy tiền đó mua đồ cho chúng ăn. Bà cũng chú ý mặc quần áo đẹp để tạo ấn tượng tốt về người phụ nữ Việt trong mắt nàng dâu Tây".
Nghe có vẻ bùi tai, bà Sinh thực hiện đúng lời nói trên. Ngày gia đình con trai về, chúng hài lòng với nhà cửa sạch sẽ, các món ăn ngon được thay đổi liên tục. Đến ngày quay lại Đức, cô con dâu dù không biết một câu tiếng Việt cũng chảy dài những giọt nước mắt cảm tạ người mẹ chồng như bà Sinh.
Một trường hợp khác là chị Hoan, quê Nam Định, lấy chồng Hà Nội được 6 năm nhưng không có con. Người chồng kiên quyết bỏ nhưng chị không muốn vì còn quá yêu anh ta.
“Con bé đi khám nhiều nơi đều bị kết luận vô sinh nhưng nó không chấp nhận, vẫn cố gắng muốn sống với chồng 1 – 2 năm nữa. Người chồng là con trai duy nhất trong gia đình, chịu áp lực nối dõi tông đường nên kiên quyết bỏ. Hoan đến Hội phụ nữ phường khẩn thiết xin hội đứng ra nói với gia đình một tiếng đừng bỏ rơi cô ấy”, bà Chín cho biết.
Nhưng rồi sau khi thấu hiểu câu chuyện, Hội phụ nữ khuyên Hoan nên giải thoát cho chồng để anh ta làm tròn trách nhiệm với gia đình. Bản thân Hoan cũng có thể đi tìm hạnh phúc mới.
Hoan ưa nhìn, lại có việc làm tử tế. Cô là trưởng nhóm bán hàng cho một công ty vàng bạc đá quý lớn, trong khi chồng cô không có nghề nghiệp ổn định, tài sản cũng không có. Nhưng vì giải thoát cho đôi bên, mẹ chồng và chị chồng đồng ý gom góp cho Hoan 100 triệu đồng ra đi.
“Ngày cô ấy chuyển đi, tôi đã chứng kiến cảnh tượng vô cùng xúc động. Bà mẹ chồng tự tay gấp quần áo, dọn đồ cho con dâu. Bà ấy nói ‘Con ơi! Con thích lấy gì thì cứ lấy đi nhé”, bà Chín kể.
“Lúc tiễn con đi, bà khóc nức nở lắm, bịn rịn đến nỗi con bé phải cầu xin ‘Mẹ ơi! Hãy cho con ra đi’. Tôi biết bà ấy thương con bé nhưng bà ấy cũng như tôi đều thấy rằng ly hôn là giải pháp tốt nhất cho cả hai đứa con mà bà yêu quý”, Chủ tịch Hội phụ nữ chia sẻ thêm.
Bà Chín - người sáng lập CLB mẹ chồng nàng dâu kết luận: "Dù được làm mẹ chồng nàng dâu hay không thì trong kí ức họ có ấn tượng tốt về nhau, luôn nhớ tới nhau, thế là CLB mãn nguyện rồi".
Năm 2008, CLB mẹ chồng - nàng dâu của Hội phụ nữ phường Ngã Tư Sở ra đời. Đến nay CLB có 50 cặp mẹ chồng – nàng dâu, trong đó có 43 cặp hoàn hảo.
Hoạt động của CLB dựa trên nguyên tắc mọi chuyện chỉ trong khuôn khổ buổi sinh hoạt để mỗi người có cách đúc rút của riêng mình chứ tuyệt đối không buôn chuyện, bàn ra tán vào ở cuộc sống đời thường để tránh thị phi.
Trong mỗi lần sinh hoạt, CLB cũng họp các mẹ chồng riêng, nàng dâu riêng để mọi tâm sự được giãi bày, nói thẳng, nói thật.
Theo bà Phạm Thị Chín, bí quyết trong việc giữ mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu là mẹ chồng phải gương mẫu, bao dung, vị tha và yêu thương.
"Mình yêu thương con trước thì con sẽ yêu mình. Tôi vẫn lấy hai câu 'Phúc đức tại mẫu' và 'Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy' để dạy các bà mẹ chồng và nàng dâu trẻ. Nhờ vậy, 4 năm qua CLB mẹ chồng nàng dâu đã gặt hái được nhiều thành công".
* Tên một số nhân vật đã thay đổi.
Phan Dương