Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
Dạy con thành… côn đồ
“Mày ngu thế, thằng nào động đến mày mày xách dao chém mấy nhát cho tao. Có gì cha mày chịu tất” - Lời ông Tám hung hãn khi đứa con chạy về mách bị bạn đánh.
“Điệp khúc” đêm đêm

“Thế nào, mày thích gì? Mày phải xác định từ bây giờ là lớn lên mày thích làm công an hay bác sĩ? Nếu mày cứ thế này thì sau này chỉ bốc cám mà ăn thôi con ạ”. Điệp khúc dạy con của anh Kiên, hàng xóm chung quanh gần như ai cũng thuộc. Thì cứ vài tối một lần, tầm 10 giờ đêm, khi con cái học bài xong, anh lại bắt con ngồi nghe “giảng đạo”.  

Đó là “bài giảng” của anh dành cho cô con gái đang học lớp 2, còn nhẹ nhàng. Nghe anh “nói chuyện” với cậu con đang học lớp 7 thì đến hàng xóm, chỉ nghe cũng đủ “xanh mặt”. Người đàn ông này dường như chỉ có hứng thú dạy con vào giữa đêm, cho cô con gái đi ngủ anh lại lôi cậu con trai ra nói cho hết đêm. Chỉ cần con không giải được bài toán, viết sai lỗi chính tả lập tức anh chửi con suốt đêm.

Dạy con thành người chứ đừng dạy con thành côn đồ. (Ảnh minh họa)
“Mày không bằng súc vật. Mày được tao sinh ra nhưng không đáng làm một con người vì đầu óc mày quá đần độn. Mày không đáng làm con của tao. Mày hiểu hết ý tao không?” hoặc: “Mày ngu thế thì mày nghỉ bỏ học cho rồi, đi học làm gì cho tốn cơm tốn gạo bố mẹ”. Lúc nào cũng thế, chỉ có tiếng ông bố, cậu con ngồi im thin thít.

Chị Hảo, cạnh nhà anh Kiên cho hay: “Hồi tôi mới chuyển đến, nghe ông ta chửi con tôi nghĩ ông ta say nhưng không phải. Suốt ngày chửi con đần độn, ngu dốt. Chẳng hiểu ông ta nghĩ gì mà suốt ngày xách con ra chửi bới thế. Cả một dãy gần chục nhà nghe rõ mồn một đến là khó chịu”.

Thế nhưng chị vợ chẳng bao giờ nói gì, dường như xem đó là việc và quyền của chồng. Nhiều hôm anh Kiên chửi con đúng lúc nhà hàng xóm dọn cơm, lại phải bê vào vì nuốt không nổi. “Dạy con thế mà suốt ngày bắt con thành ông này, bà nọ… Chỉ thương cho hai đứa con” - Chị Hảo thở dài ngao ngán.

“Xách dao mà chém!”

Ông Tám (Tân Bình, TPHCM) dạy con, dù chẳng chửi bới hay đánh đập gì, nhưng lại có cách “rèn” mà ai nghe cũng sợ.

Có lần, thằng Quyết, con trai thứ hai của ông đánh nhau với bạn ngoài sân bóng. Cu cậu vừa khóc, vừa chạy về nhà mách: “Bố ơi, thằng Hoàng đánh con”. Không ngờ, ông Tám hung hãn: “Mày ngu vậy, thằng nào động đến mày mày xách dao chém mấy nhát cho tao. Có gì cha mày chịu tất”. Thằng Quyết được thể, giơ nắm đấm về phía bạn thách thức: “Mày cẩn thận đấy, lần sau tao không tha cho đâu”. Thấy con trai học nhanh, ông Tám tỏ ra rất hài lòng.

Một lần khác, một người hàng xóm mách với ông, thằng Kiên, con trai đầu của ông chặt trộm chuối. Thấy con mình bị người ta trách móc, ông Tám gọi ngay thằng con ra để “trị tội” dõng dạc:
 
“Lần sau mà chặt mày cứ chặt cả buồng cho tao. Đường gì cũng mang tiếng ăn trộm, tội gì chặt một nải. Đố ai làm gì được mày”. Người hàng xóm hậm hực ra về còn cậu con hả hê vì không bị bố đánh lại còn được bênh.

Thực tế, không ít ông bố bà mẹ trong cuộc sống hàng ngày cũng “dạy” con biết đường “trả đũa”. Thấy con đánh lại bạn khi bị ăn hiếp, nhiều người còn cho rằng con mình khôn ngoan, nhanh nhẹn. Thậm chí có người còn dặn dò con phải biết đánh lại khi bị đánh như một cách bảo vệ mình.

Chuyên viên tư vấn tâm lý Quỳnh Nga (Trung tâm tư vấn tâm lý Nhật Minh) cho hay, giáo dục con cái bằng cách chửi bới, “ăn miếng trả miếng” như trên không hiếm, thậm chí khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, hầu hết các ông bố bà mẹ dạy con kiểu “phản xạ tự nhiên” này không lường trước được hậu quả nguy hại đối cho con cái.

“Khi trẻ bị chửi là ngu, là đần độn thì trẻ cũng dễ… đần độn thật”, bà Nga khẳng định. Bởi Khi đó, trẻ không dám bộc lộ mình, làm việc gì cũng sợ sai, sợ bị mắng nên sự năng động, sáng tạo bị hạn chế dần.

Còn việc cha mẹ dạy trẻ “ăn miếng trả miếng” từ nhỏ, theo bà Nga, lớn lên nhân cách các em bị ảnh hưởng, rất dễ trở thành côn đồ. Vì chỉ cần ai đó “chạm” đến mình hay một cái nhìn “đểu”, chúng cũng lập tức ra tay. Bà Nga nói: “Thực tế, chúng ta được chứng kiến rất nhiều vụ án mạng mà nguyên nhân chỉ từ những va chạm rất nhỏ, thậm chí chỉ là một ánh mắt. Nguyên nhân sâu xa phần nào cũng là do cách giáo dục từ gia đình”.

 Hoài Nam


Tin đã cập nhật trước đó
   “Cưa đổ” chàng nhút nhát
Bạn có tình ý với anh chàng đẹp trai đó, nhưng anh ấy dường như không nhiều kinh nghiệm lắm...

   Giúp trẻ sống lạc quan
Trẻ có vui vẻ lạc quan mới có bước đệm phát triển toàn diện cả trí tuệ và nhân cách....

   Tán tỉnh qua “cái alô”
Việc gì muốn làm tốt cũng cần đầu tư học tập. Cho dù bạn ngại phút bối rối khi đối...

   Vợ chồng trẻ “tổng kết...
Có đôi vợ chồng trẻ sực nhớ ra, sắp tròn một năm ngày cưới. Vậy là chồng mắt sáng rực,...

   “Cài bẫy”... bạn đời
Không ít người vợ, người chồng thời nay cố tình thử lòng chung thủy của bạn đời bằng cách tạo...

   Phụ nữ tuổi 'băm' muốn...
Những cô gái chờ đến tuổi 30-40 mới lập gia đình thì thường có xu hướng cưới vội những anh...

   Mất sạch vì bạn đời...
Chắt chiu mãi mới đủ tiền mua nhà, chị Hoa phó thác cho chồng nhờ chị chồng lo giúp thủ...


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top