Ở nước ta không phải nơi nào cũng có loại nấm này mà chúng chỉ có ở một số địa phương. Ở miền Trung thì nhiều nhất là ở Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình.
Loại nấm tràm này thường mọc trên sườn các gò đồi hay ven các con suối, trên lớp lá mục dưới tán rừng tràm, rừng bổi hay rừng bạch đàn - là những loại cây có tinh dầu rất thơm. Hằng năm có hai đợt hái nấm vào tháng 4 và tháng 7 âm lịch. Mỗi đợt nấm tràm ra chỉ có trong vòng một tuần lễ, bởi nấm tràm mọc rất nhanh nhưng cũng chóng tàn.
Nấm tràm bên ngoài có màu nâu tím, bên trong trắng mịn, hình dáng rất đẹp nhưng vị thì đắng không thể tả, có lẽ vì vậy mà rất kén người ăn, trẻ con thì hầu như chẳng có đứa nào thích. Mà có lẽ đây cũng là thứ nấm duy nhất người ta phải gọt sạch vỏ để nấu nướng, công đoạn này thường khá mệt và tốn nhiều thời gian nên hầu hết ở chợ người bán kiêm luôn gọt vỏ.
Mẹ tôi từng bảo, nấm tràm theo quan điểm đông y rất tốt vì chữa được mỏi mệt, cảm cúm, nhức đầu và có tác dụng làm bổ nội tạng nhờ chất dầu tràm ở trong nó. Nấm mua về thường được gọt vỏ, ngâm nước muối cho sạch, bóp nhẹ cho ráo rồi sau đó mới đem nấu canh với các nguyên liệu khác. Món nấm tràm ngon nhất là nấu với rau tập tàng (nhiều nơi gọi là thập tàng, tức mười loại rau vườn) hoặc rau lang cùng với tôm bóc vỏ, thịt ba chỉ, hoặc nấu cháo với cá tươi, xào với thịt...
Các món ăn nấu từ nấm tràm có vị đắng đặc trưng, khi ăn có cảm giác nhân nhẫn nhưng theo dân gian, chính vị đắng ấy lại có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, do vậy nấm tràm còn có tác dụng giã rượu vô cùng hiệu quả. Ai đã quen ăn nấm tràm lại thấy nấm béo, giòn, ăn quen thì “ghiền”. Đặc biệt, sau khi ăn xong uống nước nghe the the ở đầu lưỡi, nhưng chỉ lát sau lại cảm thấy có vị ngọt hậu rất dễ chịu.
Những người ghiền vị đắng của nấm tràm ở xa vẫn thường gọi điện thoại để gửi người quen, bạn bè tìm mua nấm gửi đi ăn cho đỡ nhớ, những người ở gần thì thường mua nấm về ăn kẻo hết đợt, rồi lại tức tốc gửi cho người thân. Để rồi năm nào đến mùa mà chưa được ăn, lại thấy nhớ vị đắng kia quay quắt...
Nguyễn Vũ Hạnh Chi