Ảnh: brisbanetimes. |
Thật ra, việc để trẻ khóc một lúc không có hại gì đến hành vi hay tâm lý của chúng sau này, các nhà khoa học cho biết. Thay vì lúc nào cũng tìm cách vỗ về con, các bậc phụ huynh nên tuân theo những kỹ thuật nhất định dưới đây để trẻ tự ru ngủ mình.
Chúng bao gồm "khóc có kiểm soát" - tức là cha mẹ đợi một khoảng thời gian nào đó mới chạy đến dỗ trẻ.
Khởi đầu, trong đêm đầu tiên, khoảng thời gian đó nên là 2 phút, và tăng dần lên 5 phút vào đêm thứ hai, 10 phút vào đêm thứ 3, và cứ như vậy, cho đến khi trẻ học được cách tự ngủ.
Một kỹ thuật khác là "cắm trại bên ngoài" nghĩa là cha mẹ ngồi trong phòng ngủ của trẻ, trong khi trẻ vẫn đang tự dỗ mình ngủ lại. Mặc dù điều này nghe có vẻ nhẫn tâm, song theo nhóm nghiên cứu từ Đại học Melbourne, cuối cùng, cả cha mẹ và trẻ đều có giấc ngủ dài hơn.
Điều này cũng có nghĩa là cha mẹ sẽ ít stress hơn, và đặc biệt là giảm được hội chứng trầm cảm sau sinh của người mẹ.
Nghiên cứu được thực hiện trên 326 trẻ Australia từ lúc 7 tháng tuổi, theo dõi tới năm lên 6, chia làm hai nhóm: Để khóc một lát rồi mới dỗ, hoặc Vừa khóc đã dỗ ngay. Các bé lúc được khảo sát đều ít nhất 7 tháng tuổi trở lên, vì theo một số chuyên gia trẻ quá nhỏ không nên để khóc một mình. Kết quả là, năm lên 6 tuổi, các đặc điểm hành vi, tâm lý của hai nhóm trẻ này không có gì khác biệt.
Tuy vậy, tiến sĩ Anna Price, trưởng nhóm nghiên cứu cũng cho biết, các bậc cha mẹ không nên chỉ đơn giản là đóng cửa phòng ngủ và để mặc bé khóc trong đêm tối, rồi kiểm tra bé vào sáng hôm sau.
T. An (theo Zee News)