Vợ chồng chị Hoài cưới nhau 5 năm sau mới có con. Cục cưng đầu lòng là cháu đích tôn của ông bà nội, vì vậy, cu cậu được cả gia đình cưng chiều. Bản thân, chị Hoài cũng luôn quan niệm "con cái là trời cho" nên vợ chồng chị dành trọn vẹn tình yêu thương, những điều tốt đẹp nhất cho cậu con trai.
Hai năm đầu trôi qua, mọi việc tưởng chừng không thể mỹ mãn hơn. Nhìn con bụ bẫm, đáng yêu, bi bô gọi mẹ, chị cảm thấy vô cùng hạnh phúc, hãnh diện. Thế nhưng, được 3 tuổi, cu cậu bắt đầu trở nên khó bảo, hiếu động, thường xuyên đòi hỏi. Khi không được đáp ứng, cu cậu có thể lăn ra sàn nhà và khóc đến cả giờ đồng hồ. "Nhìn con mà mình bất lực, vừa thương, vừa tự trách mình phải chăng đã quá nuông chiều con", chị Hoài chia sẻ.
Được bạn bè giới thiệu, 3 tuần trước, chị Hoài đăng ký tham gia khóa huấn luyện "dạy phụ huynh cách nuôi dạy trẻ" ở TP HCM. Tại đây, chị Hoài phát hiện rất nhiều bậc cha mẹ cũng rơi vào tình cảnh giống chị - mất ăn mất ngủ vì con cái. Cũng từ lớp học, chị nhận ra rằng mấu chốt vấn đề là ở chính bản thân mình chứ không phải xuất phát từ phía con trẻ.
"Muốn dạy, định hướng và phát triển cho con, cha mẹ cũng cần phải có kỹ năng. Đơn cử như muốn phát triển tư duy cho trẻ, thay vì mua sách đọc cho con nghe theo cách một chiều, mình cần tạo ra những câu hỏi, sự so sánh, đối chiếu với cuộc sống hằng ngày giúp bé liên tưởng", chị Hoài nói.
Điều chị Hoài tâm đắc nhất ở lớp học là việc "nới rộng" khả năng chịu đựng chứ không quá cầu toàn và áp đặt cho con. "Nhiều bà mẹ quan niệm, khi con học dốt, điểm kém là chấm hết, con mình theo đó cũng dễ rơi vào tình trạng chán nản. Nhưng qua khóa học, mình hiểu rằng, điều quan trọng là ở mỗi giai đoạn, cha mẹ đều phải giúp con nhận ra điều bé thực sự thích thú, có năng khiếu để phát triển", chị nói.
Theo chị, muốn dạy con tốt thì trước hết, cha mẹ cần thay đổi chính mình cả về cách tư duy và cư xử. "Đôi khi hành động tiêu cực của trẻ là kết quả phản ứng lại cách xử sự của cha mẹ chứ không phải con mình bản chất không ngoan", chị Hoài nói thêm.
Trên thực tế, không ít bậc phụ huynh có tâm lý ỷ lại nhà trường, thầy cô giáo. Trong khi giới chuyên gia lại chỉ ra rằng, bên cạnh sự gửi gắm đó, cha mẹ mới là "người thầy" đầu tiên của các em.
Nhà sinh học người Nga Petrovich Pavlov từng nói: "Trẻ sơ sinh đến ngày thứ 3 mới bắt đầu dạy dỗ là đã chậm mất 2 ngày". Hầu hết các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, dạy trẻ là quá trình không đơn giản, cha mẹ cần bắt đầu ngay khi bé lọt lòng theo kiểu "mưa dầm thấm lâu" mới mong đạt được hiệu quả.
Phó giáo sư, Tiến sĩ tâm lý học Trần Thị Bích Trà, Nguyên giám đốc Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng, Viện khoa học giáo dục Việt Nam, người có hơn 20 năm nghiên cứu về tâm lý lứa tuổi trẻ mầm non, ví quá trình dạy con như việc chuẩn bị cho một chuyến hành trình xa. Trong đó, cha mẹ cũng cần nắm rõ lịch trình đi đâu, đi để làm gì (mục đích), đi bằng phương tiện gì (phương pháp) và những kế hoạch dự phòng trên các ngã rẽ…
Để dạy con tốt, cha mẹ cũng cần được hệ thống hóa, nâng cao kiến thức về khoa học giáo dục một cách bài bản cũng như cách áp dụng những kiến thức đó vào xử lý tình huống cụ thể hằng ngày. Ảnh minh họa. |
Theo bà, dạy con là chuyện không đơn giản, nhất là như người ta thường nói "cha mẹ sinh con, trời sinh tính". Nguyên tắc đầu tiên cần áp dụng phải là yêu thương vô hạn bởi trẻ nhỏ chỉ biết đến cái tình chứ chưa hiểu cái lý. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó, việc dạy con của cha mẹ xem như chưa hẳn đã thành công.
"Thực tế đã có không ít trường hợp thương con quá hóa hại con. Bên cạnh quan niệm 'nước mắt chảy xuôi', từ việc yêu thương con, cha mẹ cần giúp trẻ cảm nhận được điều đó và trẻ cũng phải có nhu cầu đáp lại tình cảm cha mẹ đã dành cho. Tình cảm nâng niu một chiều dễ tạo tính ích kỷ ở các bé sau này", Phó giáo sư nói.
Bà Trần Thị Bích Trà cho biết thêm, một trong những cách giáo dục hiệu quả là cha mẹ làm gương cho con cái trong cuộc sống thường nhật, chơi cùng các con để giúp trẻ dần hình thành và phát triển nhân cách. Xét theo phương diện lịch sử hình thành và phát triển, tư duy của trẻ cũng trải qua từ trực quan - hành động, trực quan - hình tượng rồi mới đến tư duy trừu tượng (tư duy ngôn ngữ lôgic).
Theo đó, ở độ tuổi còn nhỏ, trẻ khó có thể hiểu được thế nào là thành công, hiếu thảo, trí tiến thủ, khả năng tự quyết - những kỳ vọng thường thấy của cha mẹ. Thay vào đó, trẻ chỉ cảm nhận được yêu, ghét, thích, đam mê…, vì vậy, muốn dạy con tốt, cha mẹ cần đặt bé vào môi trường hứng thú với những hoạt động nhỏ nhưng thật cụ thể.
Quan trọng hơn, chính trong quá trình chơi và học cùng con, phụ huynh cần nắm bắt và hiểu tâm - sinh lý của trẻ để có hướng đi phù hợp nhất bởi mỗi bé có một tính cách, nhu cầu tâm lý và ngưỡng cảm giác khác nhau. Đơn cử như cùng một hành động quát mắng của cha mẹ, có đứa trẻ sẽ thấy bình thường nhưng có trẻ lại trở nên sợ sệt, thậm chí giật mình khi đi ngủ đêm hoặc thổn thức, tủi thân… Đó cũng là lý do vì sao nhiều kinh nghiệm được các mẹ "rỉ tai" nhau đôi khi lại không phát huy hiệu quả.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Bích Trà cho rằng, để dạy con tốt, cha mẹ cũng cần được hệ thống hóa, nâng cao kiến thức về khoa học giáo dục một cách bài bản cũng như những kỹ năng tâm lý vào thực tiễn để giải quyết tự tin, hiệu quả hơn những tình huống xảy ra hằng ngày.
Theo công trình "Nghiên cứu đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ 0-6 tuổi ở gia đình" được bà và các cộng sự thực hiện năm 2011, trong 821 phụ huynh được hỏi tại 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP HCM, Long An, Bắc Giang có đến 84,63% phụ huynh đánh giá mức độ ảnh hưởng của gia đình đối với sự phát triển của trẻ là rất quan trọng. Trong khi đó, 30,29% cha mẹ cho biết dạy con chủ yếu từ kinh nghiệm cảm tính bản thân; 79,32% thông qua tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và chỉ 11,44% tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức, chăm sóc giáo dục trẻ.
Điều đó cho thấy, mặc dù được xác định là rất quan trọng song lâu nay, việc học hỏi, trau dồi những kiến thức, kỹ năng dạy con chưa được nhiều cha mẹ đầu tư đúng mức. "Làm cái gì cũng cần học, muốn làm cha mẹ tốt, phụ huynh cũng cần được hướng dẫn bài bản, hệ thống và khoa học về cách dạy con, dựa trên đặc điểm tâm sinh lý của từng bé", bà Trà cho hay.
Hội thảo "Cha mẹ - Người thầy đầu tiên" sẽ được tổ chức ở Hà Nội ngày 23/9, từ 8h30 đến 10h30 tại phòng hội thảo, Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (24 Lý Thường Kiệt). Chương trình được thực hiện miễn phí do Phó giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý học Trần Thị Bích Trà thuyết trình nhằm cung cấp cho các bậc cha mẹ cách nuôi dạy trẻ đúng hướng. Độc giả có thể đăng ký tham dự trước ngày 15/9 theo số điện thoại 04 37154364/65 - 01252662333 và gửi câu hỏi liên quan tới địa chỉ chamenguoithaydautien@.epcd.edu.vn. |
Xuân Ngọc