Năm 2006, đạo diễn Lưu Huỳnh từng lấy đi nước mắt của nhiều khán giả với Áo lụa Hà Đông, một tác phẩm mang màu sắc bi kịch và đầy chất thơ. Trở lại với điện ảnh sau ba năm kể từ Huyền thoại bất tử hồi năm 2009, anh tiếp tục khai thác đề tài xã hội, thân phận con người qua bộ phim mới có cái tên gây tò mò – Lấy chồng người ta. Đây là tác phẩm đại diện cho điện ảnh Việt Nam ở hạng mục Comtemporary World Cinema (Điện ảnh thế giới đương đại) tại LHP quốc tế Toronto (Canada) giữa tháng 9 vừa qua.
* Trailer "Lấy chồng người ta"
Bạn cần cài Flash Player để xem được Clip này.
|
Lấy bối cảnh vùng sông nước miền Tây, Lấy chồng người ta xoay quanh cuộc sống của cặp vợ chồng Lụa (Đinh Y Nhung) và Khánh (Huy Khánh). Cả hai sống nghèo khổ trong một căn nhà nổi xiêu vẹo trên sông nhưng vẫn rất hạnh phúc. Lấy nhau đã lâu nhưng Lụa và Khánh chưa có con. Khánh khát khao được nghe tiếng khóc của trẻ con trong ngôi nhà nhỏ nhưng bản thân anh lại không có khả năng tạo được cho mình hạnh phúc đó. Thương chồng, Lụa tìm đến Linh (Thái Hòa) – một người bạn cũ của Khánh – để xin một đứa con. Khi đứa trẻ ra đời cũng là lúc một bi kịch nghiệt ngã của đôi vợ chồng nghèo bắt đầu…
Hình ảnh mở đầu của "Lấy chồng người ta" gây sốc. Ảnh: BHD. |
Ở nửa đầu, bộ phim đem đến nhiều tiếng cười chua chát thông qua câu chuyện về cặp vợ chồng hiếm muộn. Câu thoại “Có bầu chưa em?” của nhân vật Khánh cứ cách vài ngày lại hỏi vợ, hay cách mà Lụa và Khánh suy nghĩ về việc “đổi tư thế” trong quan hệ thể xác để dễ có con khiến khán giả dễ dàng bật cười. Tuy nhiên ở nửa sau, phim nhuốm màu sắc u tối khi bi kịch và sự bức bối trong các nhân vật được đẩy đến tận cùng.
Lấy chồng người ta vẫn mang ngôn ngữ điện ảnh rất đặc trưng của đạo diễn Lưu Huỳnh từ những phim trước với cách dựng đan xen thời gian, những cú lia máy dài, những khuôn hình đứng yên chậm rãi, nhấn nhá và cả những cao trào đột ngột gây bất ngờ. Bối cảnh của phim khá gọn và chủ yếu chỉ diễn ra ở một vùng sông nước, trên những ngôi nhà nổi tiêu điều, hoang tàn cùng ba diễn viên chính. Diễn viên phụ xuất hiện rất ít và các cảnh có diễn viên quần chúng gần như không đáng kể. Mọi thứ diễn ra trên màn ảnh đều gom vào tình yêu, khát khao và sự hận thù của Lụa, Khánh và Linh.
Thái Hòa chính là linh hồn của bộ phim này. Nếu như khán giả đã quá quen thuộc anh với các vai hài ở cả sân khấu kịch lẫn điện ảnh thì ở Lấy chồng người ta, Linh là hình tượng đối lập hoàn toàn. Bị vợ con bỏ, Linh sống một mình và ban ngày ăn vận quần áo của Thần Tài đi bán vé số, ban đêm chìm đắm trong men rượu. Mọi chuyện thay đổi khi Lụa tìm đến Linh. Đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời mang tới hạnh phúc cho Khánh nhưng cũng là khởi nguồn cho một bi kịch tình yêu cho cả ba nhân vật.
Thái Hòa để lại nhiều ấn tượng với vai Linh - một "Chí Phèo" trên màn ảnh rộng. Ảnh: BHD. |
Trong khi nhân vật Khánh của Huy Khánh có phần mờ nhạt, Lụa của Đinh Y Nhung khá bị động thì Linh của Thái Hòa được xây dựng rõ nét nhất, ấn tượng nhất. Sự hình thành nên nhân cách, sự chuyển biến tâm lý, cao trào đưa đẩy Linh có những hành động điên cuồng như một con mãnh thú được xây dựng thuyết phục và trở nên mạnh mẽ, ám ảnh qua diễn xuất của Thái Hòa. Những trạng thái tâm lý của Linh tạo cảm giác hồi hộp cho người xem và tò mò muốn biết nhân vật này sẽ làm gì tiếp theo. Nhân vật này thực sự là một dấu ấn khó phai không chỉ riêng với Thái Hòa mà còn của cả điện ảnh Việt Nam.
Hai yếu tố nổi cộm trong Lấy chồng người ta chính là sex và bạo lực. Qua hai khía cạnh này, Lưu Huỳnh lột tả cuộc sống bế tắc của những số phận nghèo vùng sông nước rất gần gũi với xã hội hiện đại. Cảnh sex trong phim mang tính nghệ thuật cao chứ không đơn thuần là phô trương da thịt. Đặc biệt, cảnh quan hệ lần đầu tiên giữa Linh và Lụa trong đêm, giữa ánh sáng mờ ảo, ánh mắt Lụa nhìn đờ đẫn vào chai rượu thủy tinh đang lăn qua lăn lại trên sàn là một hình ảnh đẹp và đầy ước lệ trong phim. Cảnh bạo lực được thực hiện rất táo bạo và chân thật đến mức có thể khiến những khán giả thần kinh yếu phải nhắm mắt lại không dám xem.
Mang màu sắc bi kịch nhưng Lấy chồng người ta vẫn không thiếu đi phần hài. Ở nửa đầu phim, các câu thoại giao tiếp suồng sã và rất “đời” của các nhân vật tạo nên một điểm nhấn đặc biệt. Tình tiết Linh gào rú trong đêm như một kẻ điên loạn chỉ để báo hiệu thời gian muốn gặp Lụa và con trai, cũng như cách trao đổi thông tin bằng những từ viết lên giấy: “Tối nay”, “Sáng mai” được làm rất duyên.
Ở giữa phim trở đi, Lưu Huỳnh còn đem cả không khí rùng rợn của một phim tâm lý ly kỳ vào trong trường đoạn kịch tính và quan trọng nhất của Lấy chồng người ta. Có thể nói trong gần hai tiếng, phim đưa người xem vào trạng thái hỗn tạp nhiều cảm xúc với tốc độ tăng dần lên và bùng nổ mạnh mẽ ở cuối phim.
Đinh Y Nhung bị đánh tím tái mặt mũi trong phim. Ảnh: BHD. |
Âm thanh của bộ phim có một số đoạn dường như chưa ăn ý hoàn toàn với hình ảnh, nhiều câu thoại của Huy Khánh và Thái Hòa nghe không được rõ khiến một số người xem băn khoăn, ảnh hưởng tới mạch theo dõi. Tuy nhiên, phần âm nhạc của Đức Trí biên soạn lại rất tuyệt vời, tạo nên cảm xúc và sự rung động cho từng cảnh quay.
Nửa đầu phim, đạo diễn Lưu Huỳnh sử dụng lối kể đan xen thời gian giữa quá khứ và tương lai nhưng đáng tiếc lại khiến cho các chi tiết trở nên khá rối rắm không cần thiết. Ban đầu, phim cũng gợi cảm giác như một “phiên bản ngược” của Đẻ mướn nhưng tới lúc nhân vật Linh chèo căn nhà nổi sang ở cạnh nhà của Lụa và Khánh thì câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn hẳn. Lấy chồng người ta xây dựng bi kịch tình yêu quá đậm nét ở khía cạnh bạo lực nên sẽ rất kén khán giả. Nhiều người sẽ cho rằng phim cần một cái nhìn nhân văn, một thông điệp rõ ràng hơn là sự bức bối về tâm lý và thể xác của các nhân vật. Nhưng cũng sẽ có người cho rằng khía cạnh bạo lực này khiến bộ phim lột tả được tận cùng thực tế cuộc sống xã hội.
Tuy những khía cạnh mà đạo diễn Lưu Huỳnh truyền tải trong Lấy chồng người ta không thể làm vừa lòng tất cả người xem, nhưng với sự chỉn chu, kỹ lưỡng và tử tế về mặt tổng thể, đây là một bộ phim đáng trân trọng và khích lệ. Khi mà xu hướng làm phim hài nhảm, cẩu thả bùng phát tràn lan trong thời gian gần đây, điện ảnh Việt Nam rất cần những bộ phim như Lấy chồng người ta để vực dậy và tạo thêm hy vọng cho những ai quan tâm tới điện ảnh nước nhà.
Chấm điểm phim
|
Lấy chồng người ta khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 21/9.
* Một số hình ảnh trong phim |
Nguyên Minh