Hồi xưa, bánh canh vịt xiêm là món khoái khẩu của cả nhà. Lâu lâu, bà ngoại lại “trổ tài”, nấu một nồi bánh canh bự cho con cháu ăn một bữa đã đời. Từ hồi hôm ngoại đã lựa gạo ngon, ngâm sẵn. Sáng, ngoại bỏ gạo vô cối đá xay nhuyễn rồi lược, nhào, cán bột để làm sợi bánh canh. Ngoài chợ bán nhiều nhưng ngoại thích tự tay làm bởi theo ngoại, bánh canh làm sẵn sợi không dai và ngon bằng. Món này không thể thiếu dừa khô. Ngoại phân công mấy đứa cháu nạo dừa để vắt lấy phần nước nhứt, thắng cho kẹo làm nước cốt dừa; còn phần nước dão để dành nấu nước dùng. Vịt xiêm ngoại thường chọn con mái, còn tơ để thịt mềm. Vịt làm sạch, lóc bỏ xương, một phần bằm nhuyễn, một phần phần xắt mỏng rồi xào chín. Phần cổ cánh, xương vịt có thể tận dụng để nấu nước dùng cho nồi bánh canh thêm ngon ngọt. Đổ phần nước dão và nước hầm xương vịt vào nồi, nấu sôi, sau đó thả bánh canh vào. Cho thêm phần thịt vịt bằm nhuyễn, đợi sôi, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi bắc xuống.
Nồi bánh canh vừa nấu xong, con cháu đã đủ mặt trên bàn ăn. Bà ngoại múc bánh canh ra từng tô, chan nước cốt dừa ngập mặt, để thịt vịt lên trên và rắc thêm hành, ngò xắt nhỏ. Tô bánh canh đưa tới bàn còn nóng hổi, thơm nức mũi. Gắp một đũa, húp thêm chút nước cảm nhận được cái dai của sợi bánh quyện với vị mặn mặn của thịt vịt, vị ngọt béo của nước cốt, mùi thơm của hành ngò. Mấy đứa cháu vừa ăn vừa tranh thủ quẹt mồ hôi. Mới hết tô đã thấy bà ngoại chuẩn bị múc thêm cho tô khác. Ăn hoài mà không thấy ngán, tới lúc buông đũa đứa nào cũng thấy bụng đã no căng.
Từ hồi bà ngoại mất, nhà ít khi nấu món bánh canh vịt xiêm. Nhiều khi về thăm nhà, thấy cối đá, cái bàn nạo dừa của ngoại nằm buồn hiu bên chái bếp. Nhớ ngoại, cả nhà lại nấu món bánh canh vịt xiêm nước cốt dừa để vừa có một tô dâng lên bàn thờ cúng ngoại, vừa cùng nhau quây quần nấu ăn trong không khí ấp cúng sum họp gia đình.
Hương Giang
>> Bánh canh cá lóc >> Bánh canh chả cá Ninh Thuận >> Đậm đà bánh canh >> Bánh canh làm dâu trăm họ