Ở một góc Đồng Tháp Mười thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, có một đôi vợ chồng trẻ cùng 2 đứa con nhỏ đang sống trong nghèo khó, nhưng rất hạnh phúc. Hận thù giữa 2 gia đình đã làm cho tổ ấm nhỏ này không được người lớn nhìn nhận, bảo bọc. Đã có lúc đôi uyên ương rơi vào bế tắc, tưởng có thể chết như Romeo và Juliet bên trời Tây. Tình yêu đã giúp họ vượt qua tất cả, còn có tác dụng hóa giải hận thù.
Năm 2006, người dân huyện Tân Thạnh xôn xao về một vụ bắt cóc trắng trợn giữa ban ngày. Nhằm ngăn cản tình yêu của con, bên “sui gái” đã kéo lực lượng đến bắt cóc bà sui trai rồi khiêng đi cả cây số. Vụ bắt người trái pháp luật sau đó đã được đưa ra xét xử, những người vi phạm pháp luật bị xử tù, nay đã về nhà. Từ đó mà hận thù giữa 2 gia đình càng gay gắt, họ không thể chấp nhận cho tình yêu đôi trẻ.
Bất chấp tất cả, đôi bạn trẻ quyết tâm xây dựng hạnh phúc với nhau, chứ không cùng tìm đến cái chết như Romeo - Juliet bên trời Tây. Tình yêu của họ đã phần nào hóa giải được hận thù của người lớn.
Đôi vợ chồng Đoàn Văn Dễ và Nguyễn Thị Trinh. |
Cô thôn nữ Nguyễn Thị Trinh (xã Tân Thành) và anh thanh niên Đoàn Văn Dễ (xã Nhơn Hòa Lập, cùng thuộc huyện Tân Thạnh) gặp nhau trong một lần đi thu hoạch “lúa ma” giữa mùa nước nổi. Tình yêu của họ lớn dần qua từng mùa lúa, mùa lũ. Gia đình của Trinh tương đối khá giả, còn gia đình Dễ lại nghèo rớt mồng tơi. Vì vậy gia đình cô gái kiên quyết không gả Trinh cho Dễ. Họ dùng mọi biện pháp để ngăn cản tình yêu đôi trẻ, kể cả việc buộc Trinh cưới một người tên Pha.
Đôi bạn trẻ không đầu hàng số phận, họ trốn gia đình đến sống với nhau trong một cánh rừng tràm giữa vùng Đồng Tháp Mười. Gia đình cô gái đã tìm được nơi ở của họ và bắt Trinh về nhà chờ ngày gả cưới. Một lần nữa, tình yêu mãnh liệt đã giúp cô gái vượt qua tất cả để đến với người yêu. Trinh cởi bỏ dây trói, nửa đêm bỏ nhà tìm đến người yêu. Lần này, họ quyết định bỏ xứ đi thật xa để không ai có thể chia cắt được tình yêu của họ.
Trước khi ra đi, Trinh để lại cho cha mẹ một lá thư với những lời lẽ yêu thương nhiều hơn là trách móc: “Con là Nguyễn Thị Trinh, con viết ít chữ này để lại cho ba má. Vì con thương anh Dễ mà gia đình không chịu gả... Dì dượng Tám bắt con... về dưới để làm mai cho thằng Pha. Con và anh Dễ không thể sống thiếu nhau trong cuộc đời này. Vì vậy con phải bỏ nhà ra đi, cam tội bất hiếu với ba má... Con mong ba má tha thứ cho con, để chúng con được sống hạnh phúc”.
Họ đã dắt nhau đi thật xa, cách quê nhà hàng trăm cây số, đến một huyện biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh. Dễ và Trinh tìm kiếm việc làm, trải qua những tháng ngày hạnh phúc dù trên thực tế họ vẫn chưa kết hôn với nhau. Họ dự định, sau năm - mười năm, khi đã có con, sẽ đưa nhau về quê hương thăm gia đình hai bên và tin rằng người lớn sẽ tha thứ, nhìn nhận tình yêu của họ.
Trong khi đôi bạn trẻ cố làm cho mọi chuyện đơn giản thì người lớn đã khiến mọi chuyện phức tạp hơn rất nhiều. Khoảng nửa năm sau ngày Dễ và Trinh bỏ xứ đi, ở quê nhà Tân Thạnh của họ đã xảy ra chuyện nghiêm trọng.
Cay cú vì Trinh không vâng lời cha mẹ, lại bỏ trốn biệt tích, gia đình cô gái trút hết tức giận xuống đầu gia đình chàng trai. Họ cho rằng vì gia đình đàng trai mà họ phải mất con. Họ nghi ngờ cha mẹ của Dễ đã dàn xếp chuyện hai đứa trẻ bỏ trốn biệt xứ. Họ buộc ba má Dễ bằng mọi giá phải “trả’ con gái lại cho họ, nếu không sẽ “cắt đầu treo đầu cầu Bảy Ngàn” (một chiếc cầu trong vùng, nơi ngày trước Dễ và Trinh thường hẹn hò nhau).
Ba má chàng trai không thể đáp ứng đòi hỏi ấy. Bản thân họ cũng không biết Dễ và Trinh đang sống nơi đâu, đôi trẻ quyết không để lộ tông tích vì sợ người lớn tìm đến phá hoại hạnh phúc của mình. Sau nhiều lần gây sự, một ngày cuối năm 2006, gia đình cô gái đã tổ chức lực lượng cả chục người đến Tân Thành bắt cóc mẹ chàng trai đem về Nhơn Hòa Lập làm con tin, chỉ đến khi nào con gái họ quay về thì mới thả.
Mẹ của chàng trai chống cự quyết liệt, vậy là xảy ra hành hung, bắt trói... Người mẹ đã bị khiêng đi suốt quãng đường dài cả cây số trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân trong vùng, nhưng không ai dám can ngăn. Chính quyền xã phải có mặt để giải cứu cho mẹ chàng trai. Cuộc hành hung, bắt cóc đã làm cho nạn nhân bị thương nặng, phải nằm viện điều trị.
Chỉ có cái chết mới chia lìa lứa đôiVụ bắt cóc “động trời” ở Tân Thạnh được báo chí đưa tin, nhờ đó mà Dễ mới biết được chuyện xảy ra ở quê nhà. Ý định lánh đi lập nghiệp một thời gian rồi trở về “thú phạt” với gia đình hai bên của đôi bạn trẻ đã bị đổ vỡ. Họ quyết định trở về quê để đương đầu với thực tế, công khai vượt qua thử thách và góp phần giải quyết hậu quả tồi tệ mà người lớn đã gây ra.
Họ bỏ hết công ăn việc làm, rời khỏi Tây Ninh, quay trở về Tân Thạnh trước sự sững sờ của gia đình hai bên. Chính đôi bạn trẻ đã xin giảm nhẹ hình phạt cho những người thân của gia đình cô gái. Bản án của TAND huyện Tân Thạnh, tuy nghiêm khắc, nhưng cũng phần nào thể hiện sự quan tâm tới hạnh phúc của đôi lứa trẻ.
Trở về quê hương, Dễ và Trinh không rời nhau nửa bước vì họ sợ gia đình cô gái lại tổ chức bắt Trinh về như đã từng làm. Ngày mở phiên tòa xét xử vụ án hành hung mẹ của chàng trai, một mầm sống mới cũng được ghi nhận trong cơ thể người vợ trẻ chưa được làm đám cưới. Dễ và Trinh đã thề nguyền với nhau: Chỉ có cái chết mới có thể chia cắt được họ.
Đôi uyên ương chủ động dắt nhau ra UBND xã Nhơn Hoà Lập đăng ký kết hôn, để chính thức là chồng vợ của nhau và để mai này làm khai sinh cho con nhỏ. Nhưng nguyện vọng chính đáng của đôi trẻ đã bị cán bộ hộ tịch xã từ chối. Người ta trả lời rằng, đến khi nào chuyện của gia đình hai bên giải quyết xong, hai bạn trẻ mới được đăng ký kết hôn. Bất chấp tất cả, họ vẫn sống với nhau và đứa con bị từ chối cũng ra đời.
Đôi bạn trẻ cho biết: “Ước mơ lớn nhất của chúng tôi là mong sao cho gia đình hai bên hòa thuận và chấp nhận cho vợ chồng hạnh phúc với nhau, được làm giấy kết hôn như mọi người khác. Dù người lớn có muốn hai chúng tôi phải chết như Romeo và Juliet bên nước Anh, nhưng chúng tôi kiên quyết vượt qua tất cả để sống hạnh phúc”.
Bây giờ Dễ và Trinh đã cất được nhà, sinh thêm đứa con thứ hai. Thỉnh thoảng họ lại dắt nhau về thăm khi thì bên nội, lúc bên ngoại, dù có được đón nhận hay không. Có lẽ tiếng cười nói của trẻ thơ đã làm rung lại sợi dây huyết thống, làm người ta nguôi ngoai dần những hằn thù, đố kỵ không đáng có...
Cho đến một lúc người lớn đã chủ động lân la viếng thăm các cháu nhỏ. Chính quyền địa phương cũng đã đồng ý cấp giấy chứng nhận kết hôn cho đôi vợ chồng và làm khai sinh cho con nhỏ. Dù gia đình hai bên vẫn chưa chịu ngồi lại với nhau để nhìn nhận dâu rể, nhưng những đứa cháu nhỏ thì đã có thể về nội, về ngoại và được đón nhận thân tình.
Theo Lao Động